* Ông Nguyễn Văn Sang (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) trình bày, ông muốn thành lập doanh nghiệp chuyên sản xuất bao bì gỗ nhưng lúng túng trong việc đặt tên sao cho phù hợp. Do đó, ông muốn biết pháp luật quy định những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp ra sao?
* Ông Nguyễn Văn Sang (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) trình bày, ông muốn thành lập doanh nghiệp chuyên sản xuất bao bì gỗ nhưng lúng túng trong việc đặt tên sao cho phù hợp. Do đó, ông muốn biết pháp luật quy định những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp ra sao?
- Nội dung này được luật sư Nguyễn Đức, Phó giám đốc Trung tâm Trọng tài thương mại TP.HCM (Tracent) cho hay, Điều 38 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp như sau: sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó; sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc; đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký được quy định tại Điều 41 của luật này.
Luật sư Nguyễn Đức giải thích, tên trùng là tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được viết hoàn toàn giống với tên tiếng Việt của doanh nghiệp đã đăng ký. Các trường hợp được coi là tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký bao gồm: tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống tên doanh nghiệp đã đăng ký; tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký; tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký; tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, một số thứ tự hoặc một chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, chữ F, J, Z, W được viết liền hoặc cách ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó; tên riêng của doanh nghiệp trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký… “Tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm 2 thành tố theo thứ tự sau đây: Loại hình doanh nghiệp, tên riêng” - luật sư Nguyễn Đức lưu ý.
Đoàn Phú (ghi)