Báo Đồng Nai điện tử
En

Di chúc hợp pháp phải thỏa mãn điều kiện theo luật định

09:06, 01/06/2021

Pháp luật cho phép người dân có quyền lập di chúc theo nhiều dạng như: di chúc miệng, di chúc bằng văn bản có công chứng, chứng thực và không có công chứng, chứng thực. Với di chúc không có công chứng, chứng thực còn được chia ra 2 loại: phải có người làm chứng hoặc không cần người làm chứng.

Pháp luật cho phép người dân có quyền lập di chúc theo nhiều dạng như: di chúc miệng, di chúc bằng văn bản có công chứng, chứng thực và không có công chứng, chứng thực. Với di chúc không có công chứng, chứng thực còn được chia ra 2 loại: phải có người làm chứng hoặc không cần người làm chứng.

Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) tư vấn cho người dân về việc phân chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật. Ảnh: Đoàn Phú
Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) tư vấn cho người dân về việc phân chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật. Ảnh: Đoàn Phú

Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định rõ điều kiện của một di chúc hợp pháp nhưng trên thực tế để thỏa mãn các điều kiện này không phải dễ nên vẫn còn xảy ra nhiều vụ tranh chấp liên quan đến thừa kế.

* Rắc rối chuyện di chúc thiếu người làm chứng

Bà N.T.L. (ngụ P.Trảng Dài, TP,Biên Hòa) trước khi mất có để lại di chúc cho con gái là bà Y. sở hữu nhà, đất do bà đứng tên trên giấy tờ. Tuy nhiên, bà K. (cũng là con bà L.) lại cho rằng, di chúc này không hợp pháp vì chỉ có công chứng viên chứng nhận mà không có người làm chứng.

Theo luật sư Ngô Văn Định, một di chúc được xem là hợp pháp phải thỏa mãn Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015 là: người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật (khoản 1). Di chúc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc (Khoản 2). Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực (Khoản 3). Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp nếu có đủ các điều kiện được quy định tại Khoản 1, Điều 630 (Khoản 4).

Do đó, trong trường hợp của bà K., luật sư Định phân tích, theo Bộ luật Dân sự năm 2015, nếu trong thời điểm lập di chúc, mẹ của bà đảm bảo các điều kiện của Khoản 1, Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015; đồng thời, mẹ của bà tự viết và ký tên hoặc điểm chỉ trước sự chứng kiến của công chứng viên thì không cần người làm chứng bản di chúc vẫn hợp pháp. Trường hợp mẹ của bà không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất 2 người làm chứng. Mẹ của bà phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.

Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định, người làm chứng cho việc lập di chúc đúng pháp luật thì người đó không phải là người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; người chưa thành niên; người mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

* Người muốn chia di sản, người thì không

Vợ chồng ông N.V.H. (ngụ xã Tà Lài, H.Tân Phú) có căn nhà cấp 4 tọa lạc trên diện tích đất rộng 400m2 (đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên vợ chồng ông). Năm 2016, trước khi mất, ông bà có nói miệng (không được lập thành văn bản) với 3 người con rằng tài sản này tùy các con xử lý sau khi ông bà mất. Nay 2 người con lớn của ông H. muốn bán di sản này để chia đều cho 3 người con, nhưng người con út ngăn cản vì muốn để đất và nhà làm nơi thờ cúng cha mẹ, dẫn đến anh em tranh cãi.

Luật sư Ngô Văn Định giải thích, vợ chồng ông H. không để lại di chúc mà chỉ là di nguyện và di nguyện đó không được các bên lập thành văn bản theo đúng quy định pháp luật. Do đó, di sản này được chia theo pháp luật, các con của ông là hàng thừa kế thứ nhất; nếu không thỏa thuận phân chia được thì có đơn yêu cầu tòa án giải quyết. Theo quy định của pháp luật, người chết không để lại di chúc cho con hoặc di chúc không hợp pháp thì di sản sẽ được phân chia theo pháp luật theo hàng thừa kế, những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

“Mặc dù ý kiến của người em út là hợp đạo lý nhưng không được 2 người còn lại ủng hộ nên trong quá trình thụ lý giải quyết, tòa án sẽ quyết định dựa theo ý chí, nguyện vọng của các bên và cơ sở pháp lý hiện hành xử sự theo hướng: đồng ý để di sản làm nơi thờ cúng nếu 2 người anh chấp thuận hoặc người em út được quyền ưu tiên mua lại tài sản này nếu tài sản được bán để chia nhau” - luật sư Định nói.

Tuy vậy, luật sư Định cũng lưu ý, di sản của vợ chồng ông H. chỉ được chia hoặc chọn làm nơi thờ cúng trong trường hợp di sản đó sau khi thực hiện xong nghĩa vụ tài chính (nợ) của ông bà (nếu có). Trường hợp việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của một trong các con ông H. thì một trong các con của ông có quyền yêu cầu tòa án chưa cho chia di sản trong một thời hạn nhất định. Thời hạn này không quá 3 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn 3 năm mà bên còn sống chứng minh được việc chia di sản vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình họ thì có quyền yêu cầu tòa án gia hạn thêm một lần, nhưng không quá 3 năm.

Theo Bộ luật Dân sự năm 2015, di sản dùng vào việc thờ cúng thì không được phân chia và di sản của người chết chỉ đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó cũng không được phân chia.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều