Bộ Công an đang lấy ý kiến rộng rãi dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam về hệ thống đèn chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn - yêu cầu thiết kế, lắp đặt (viết tắt là Dự thảo TCVN 2021). Điểm mới đáng chú ý của dự thảo TCVN 2021 là lần đầu tiên tiêu chuẩn này đặt ra việc tách riêng hệ thống đèn chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn thành một tiêu chuẩn độc lập với các yêu cầu chi tiết, cụ thể.
Bộ Công an đang lấy ý kiến rộng rãi dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam về hệ thống đèn chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn - yêu cầu thiết kế, lắp đặt (viết tắt là Dự thảo TCVN 2021). Điểm mới đáng chú ý của dự thảo TCVN 2021 là lần đầu tiên tiêu chuẩn này đặt ra việc tách riêng hệ thống đèn chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn thành một tiêu chuẩn độc lập với các yêu cầu chi tiết, cụ thể.
Đèn chiếu sáng sự cố và biển chỉ dẫn thoát hiểm đóng vai trò quan trọng trong việc thoát hiểm khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Trong ảnh: Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh kiểm tra lối thoát hiểm một siêu thị tại TP.Biên Hòa. Ảnh: Đ.Tùng |
Theo Bộ Công an, tiêu chuẩn này áp dụng để thiết kế, lắp đặt phương tiện chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn được trang bị cho gian phòng, nhà và các công trình xây dựng và bắt buộc áp dụng trong tất cả các giai đoạn xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa và thay đổi công năng.
* Đưa ra tiêu chuẩn chi tiết
Đáng chú ý, bên cạnh những địa điểm được quy định tương tự tại TCVN 3890:2009 về phương tiện phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cho nhà và công trình - trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng ban hành ngày 1-12-2009, Dự thảo TCVN 2021 đã đưa ra các vị trí mới buộc phải có đèn chiếu sáng sự cố như: trên đường thoát nạn có thay đổi về cao độ, nơi chuyển hướng thoát nạn, nút giao hành lang; phòng máy phát điện, gian lánh nạn; phòng trực điều khiển chống cháy, phòng bơm chữa cháy và tại các vị trí trang bị phương tiện PCCC khác.
Theo TCVN 3890:2009, với đèn chỉ dẫn thoát nạn chỉ cần được nhìn thấy rõ ràng các chữ: lối ra, exit... từ khoảng cách tối thiểu 30m; biển chỉ dẫn thoát nạn và biển chỉ báo các vị trí lắp đặt phương tiện cứu người trong đám cháy cũng chỉ cần đặt ở các vị trí dễ quan sát. Còn tại dự thảo TCVN 2021 đã chia ra thành biển báo chỉ dẫn lối ra thoát nạn, chỉ hướng thoát nạn, sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn với các tiêu chí cụ thể về kích thước, vị trí lắp đặt (nơi lắp, chiều cao, khoảng cách...), độ chói... Theo đó, với đèn chỉ dẫn thoát nạn phải được nhìn thấy rõ ràng các chữ: lối ra, exit... từ khoảng cách tối thiểu 25m.
Một trong những điểm mới nữa là dự thảo TCVN 2021 đưa ra những địa điểm, vị trí được phép không cần bố trí đèn chiếu sáng sự cố, các biển chỉ dẫn lối ra thoát nạn, hướng thoát nạn... Cụ thể như: sân vườn, khu vực sân thượng không có mái che; tòa nhà cao 1 tầng chỉ có mái che (không có tường bao quanh) với diện tích sàn không quá 200m2 và diện tích lỗ hở chiếm tối thiểu 80% diện tích tường ngoài của nhà.
Ngoài ra, để đảm bảo tiêu chuẩn khi đi vào thực tế sẽ đạt hiệu quả, dự thảo TCVN 2021 cũng đưa ra các yêu cầu kỹ thuật về cường độ chiếu sáng tương ứng với chiều cao lắp đặt các loại đèn chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn.
* Tăng khả năng thoát hiểm
Theo một số cơ quan chức năng kỳ vọng, khi dự thảo TCVN 2021 chính thức có hiệu lực, các hệ thống đèn chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn theo tiêu chuẩn mới sẽ giúp người mắc kẹt trong các vụ cháy xảy ra tại đô thị dễ dàng tìm đường thoát nạn, giảm số thương vong. Thực tế thời gian qua, trên cả nước đã có nhiều vụ cháy có nạn nhân mắc kẹt, thậm chí tử vong vì không thể thoát ra. Cụ thể như rạng sáng 5-6, một ngôi nhà tại Q.Ngô Quyền (TP.Hải Phòng) bị cháy khiến 3 nạn nhân mắc kẹt trên tầng 3 và tầng 4 ngôi nhà. Rất may, lực lượng cảnh sát PCCC đã kịp thời giải cứu thành công 3 người này nên không có thiệt hại về người. Còn tại TP.Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi), cũng thời điểm trên, tại một cơ sở kinh doanh đồ điện đã xảy ra cháy làm 4 người mắc kẹt bên trong tử vong.
Anh B.T.H. (quản lý một quán karaoke tại KP.7, P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho rằng, Dự thảo TCVN 2021 quy định khá rõ ràng, nhất là các tiêu chuẩn cụ thể về nơi lắp đặt, yêu cầu về cường độ ánh sáng, thông số chi tiết. Như vậy, chỉ cần người có bằng cấp về điện dân dụng là có thể lắp đặt và tự kiểm tra được hệ thống đèn chiếu sáng sự cố và biển chỉ dẫn thoát hiểm theo đúng quy định. Đồng thời, người quản lý các cơ sở cũng biết được cần phải làm gì để đáp ứng tốt yêu cầu về lắp đặt hệ thống đèn thoát hiểm của cơ quan chức năng.
Đại diện Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cho biết, đèn chiếu sáng sự cố và biển chỉ dẫn thoát hiểm đóng vai trò quan trọng trong việc thoát hiểm khi có sự cố cháy, nổ, nhất là tại các công trình cao tầng ở đô thị (trung tâm thương mại, công ty lớn, chung cư, khách sạn...). Do đó, khi đi kiểm tra, lực lượng chức năng luôn kiểm tra hoạt động của các đèn chiếu sáng sự cố, nhắc nhở cơ sở phải thường xuyên kiểm tra, đảm bảo các đèn này hoạt động. Vì vậy, Dự thảo TCVN 2021 rất sát thực, phù hợp thực tiễn trong việc đảm bảo thoát hiểm tại các công trình cao tầng trong đô thị, hạn chế những tai nạn đáng tiếc xảy ra trong các vụ cháy, nổ.
Đăng Tùng