Báo Đồng Nai điện tử
En

'Cứu' sông Buông thoát ô nhiễm

09:06, 02/06/2021

Sông Buông dài 52km, bắt nguồn từ TP.Long Khánh chảy qua H.Trảng Bom xuống TP.Biên Hòa rồi đổ ra sông Đồng Nai. Những năm gần đây, dòng sông này đang đứng trước nguy cơ bị "bức tử" khi đoạn chảy qua địa phận TP.Biên Hòa ô nhiễm ngày càng trầm trọng.

Sông Buông dài 52km, bắt nguồn từ TP.Long Khánh chảy qua H.Trảng Bom xuống TP.Biên Hòa rồi đổ ra sông Đồng Nai. Những năm gần đây, dòng sông này đang đứng trước nguy cơ bị “bức tử” khi đoạn chảy qua địa phận TP.Biên Hòa ô nhiễm ngày càng trầm trọng.

Nước dòng sông Buông, đoạn qua P.Phước Tân (TP.Biên Hòa) với màu đục và đặc quánh
Nước dòng sông Buông, đoạn qua P.Phước Tân (TP.Biên Hòa) với màu đục và đặc quánh. Ảnh: K.Thiết

Sông Buông đoạn qua P.Phước Tân (TP.Biên Hòa) thời gian gầy đây luôn trong tình trạng nước đục ngầu và đặc quánh cả ngày lẫn đêm khiến người dân nơi đây không khỏi lo lắng trước nguy cơ dòng sông bị ô nhiễm nghiêm trọng.

* Nước đục ngầu, đặc quánh do đâu?

Theo một số người dân ở P.Phước Tân, nguyên nhân chính là sông Buông, đoạn qua P.Phước Tân có hàng chục doanh nghiệp, cơ sở khai thác, tập kết vật liệu xây dựng cát và đá đang hằng ngày, thậm chí cả đêm tiến hành phun xịt, bơm hút nước từ dòng sông lên để rửa cát, rửa đá. Sau đó, nước rửa cát, rửa đá lại được thải xuống dòng sông khiến chất lượng nước sông Buông ngày càng tồi tệ trong thời gian qua.

Anh T.V.T., người dân P.Phước Tân kể lại, hơn 10 năm về trước, nước sông Buông rất trong. Người dân địa phương thường xuyên giặt quần áo ở dòng sông, thậm chí nhiều người còn xuống sông tắm. Tuy nhiên, từ ngày các doanh nghiệp, cơ sở khai thác, tập kết vật liệu xây dựng ven hai bên bờ sông thường xuyên rửa cát, đá, san ủi và bơm hút, xả thải nước ra sông Buông đã gây ô nhiễm dòng sông ngày một nghiêm trọng.

Tương tự, ông N.C.K., người dân P.Phước Tân cho biết, những năm trước người dân ngụ ven sông còn bơm nước sông Buông tưới cho vườn cây ăn trái như: chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, mít… Thời gian gần đây, thấy nguồn nước sông đặc quánh nên người dân không dám bơm tưới cây nữa, kéo theo đó là tình trạng thiếu nước tưới nên không ít hộ gia đình đành để các vườn cây ăn trái khô héo và chết dần.

Trao đổi về tình trạng này, Phó chủ tịch UBND P.Phước Tân Huỳnh Thanh Phương cho biết, sau khi có phản ảnh của người dân về tình trạng ô nhiễm ở sông Buông, trong năm 2020, UBND phường thành lập tổ liên ngành kiểm tra tình trạng hoạt động gây ô nhiễm nguồn nước của các doanh nghiệp khai thác, kinh doanh, tập kết vật liệu xây dựng ven hai bên bờ sông. Tuy nhiên, khi đoàn kiểm tra tới thì các chủ doanh nghiệp, cơ sở đều né tránh, chỉ có người đại diện đơn vị đứng ra làm việc. Những người này thường khai báo quanh co và chỉ khai báo các bãi tập kết vật liệu xây dựng do cá nhân quản lý chứ không phải doanh nghiệp với mục đích hạ mức xử phạt vi phạm hành chính xuống thấp nhất, chỉ từ 2,5-4 triệu đồng.

* Xử lý nghiêm doanh nghiệp, cơ sở gây ô nhiễm môi trường

Mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành của UBND TP.Biên Hòa do Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với một số doanh nghiệp, cơ sở khai thác, tập kết vật liệu xây dựng dọc dòng sông Buông đoạn qua P.Phước Tân. Qua kiểm tra cho thấy, có đến 7 doanh nghiệp và cơ sở cá nhân kinh doanh vật liệu xây dựng, tập kết vật liệu xây dựng không đảm bảo về môi trường nên đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính.

Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc (bìa trái) kiểm tra đột xuất một doanh nghiệp hoạt động vi phạm về môi trường dọc sông Buông đoạn qua P.Phước Tân
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc (bìa trái) kiểm tra đột xuất một doanh nghiệp hoạt động vi phạm về môi trường dọc sông Buông đoạn qua P.Phước Tân

Các ngành chức năng của TP.Biên Hòa xác định, trong 7 doanh nghiệp, cơ sở bị xử phạt hành chính trên lĩnh vực môi trường (tổng số tiền xử phạt gần 300 triệu đồng) nêu trên, có 3 doanh nghiệp hoạt động quy mô lớn tại khu vực này. Do đó, UBND TP.Biên Hòa đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các chủ doanh nghiệp cũng như các cá nhân vi phạm với mức cao nhằm tạo sức răn đe, buộc họ phải chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường trong thời gian tới.

Cụ thể, Công ty CP Sản xuất - thương mại - dịch vụ xuất nhập khẩu đá Chuẩn, Công ty TNHH Nam Hóa An và Công ty CP Tài nguyên Toàn Cầu Minh bị phạt 70 triệu đồng/doanh nghiệp. Đồng thời, xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động bến bãi 9 tháng đối với cả 3 công ty nói trên và buộc chủ các doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp khắc phục về ô nhiễm môi trường cũng như các biện pháp bảo vệ môi trường tại khu vực công ty hoạt động.

Ngoài 3 doanh nghiệp nói trên, UBND TP.Biên Hòa cũng ban hành văn bản xử phạt hành chính các cơ sở tư nhân còn lại với các lỗi vi phạm như: mua bán, tập kết đất, cát; rửa cát mà không có bản kế hoạch bảo vệ môi trường xác nhận theo quy định… Đến thời điểm này tất cả các doanh nghiệp, cơ sở và cá nhân vi phạm nói trên đã chấp hành nộp phạt và tạm thời đóng cửa để khắc phục môi trường theo quy định.

Theo UBND TP.Biên Hòa, ngoài 7 doanh nghiệp, cơ sở bị phát hiện vi phạm về môi trường nói trên thì dọc sông Buông, đoạn qua P.Phước Tân còn có đến 10 mỏ đá quy mô lớn được cấp phép khai thác với tổng diện tích hơn 400ha. Trong đó, có một số đơn vị, doanh nghiệp cũng đã, đang trực tiếp và gián tiếp gây nên tình trạng ô nhiễm của dòng sông này.

TP.Biên Hòa đang phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND P.Phước Tân tiếp tục kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những đơn vị vi phạm về môi trường để từng bước khắc phục ô nhiễm môi trường của sông Buông.          

                Khắc Thiết

Tin xem nhiều