Lợi dụng thời điểm nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện trong sinh hoạt của người dân tăng, kéo theo hóa đơn tiền điện tăng vọt, một số người đã rao bán các "thiết bị tiết kiệm điện" với lời quảng cáo giúp giảm lượng điện tiêu thụ trong nhà.
Lợi dụng thời điểm nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện trong sinh hoạt của người dân tăng, kéo theo hóa đơn tiền điện tăng vọt, một số người đã rao bán các “thiết bị tiết kiệm điện” với lời quảng cáo giúp giảm lượng điện tiêu thụ trong nhà.
Thiết bị được quảng cáo có khả năng tiết kiệm điện đến 30%, giảm số tiền trên hóa đơn điện được quảng cáo, rao bán tràn lan trên nhiều trang thương mại điện tử. Ảnh chụp màn hình |
Tuy nhiên, sau khi sử dụng, nhiều gia đình nhận thấy sản phẩm không đúng như quảng cáo. Vụ việc này cũng đã được cơ quan chức năng lên tiếng cảnh báo nhưng đến nay các sản phẩm này vẫn được bán rộng rãi, công khai.
* Thực tế không như mong đợi
Vào trang Google, chỉ cần gõ: “Thiết bị tiết kiệm điện” là dễ dàng tìm thấy những trang mạng xã hội, trang thương mại điện tử hoặc website chuyên bán sản phẩm này với giá từ 50-200 ngàn đồng/sản phẩm. Sản phẩm này được quảng cáo rất “kêu” như: dễ sử dụng, chỉ cần cắm trực tiếp vào ổ điện trong nhà sẽ giúp tiết kiệm lượng điện năng tiêu thụ đến 30%, giảm hóa đơn tiền điện mỗi tháng…
Theo quảng cáo, hầu hết các “thiết bị tiết kiệm điện” đang được rao bán đều gắn mác “xuất xứ nước ngoài”, không tiêu thụ điện nên không làm tăng tiền điện. Để tăng niềm tin đối với khách hàng, nhiều tài khoản bán hàng còn đăng tải những lời chứng nhận của kỹ sư, chuyên gia nước ngoài về sản phẩm này. Tuy nhiên, không sản phẩm nào đưa ra được chứng nhận từ các cơ quan chuyên môn thẩm định về chất lượng, hiệu quả như trong quảng cáo.
Chị P.T.H. (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho hay: “Nghe quảng cáo ấn tượng quá nên đầu mùa khô năm 2021, tôi mua 1 sản phẩm với giá 80 ngàn đồng về dùng thử. Kết quả, nhu cầu dùng điện của gia đình tôi vẫn như tháng trước đó, nhưng kết quả hóa đơn tiền điện tháng 3 và 4 không giảm”.
Anh C.C.H. (ngụ P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) bày tỏ: “Tôi không tin các sản phẩm này cho lắm, nếu thực sự tiết kiệm điện được thì nhà sản xuất các sản phẩm cũng tích hợp vào rồi. Chính vì thấy các sản phẩm này được rao bán tràn lan nên nhiều người vẫn có niềm tin rằng, các thiết bị này có thể tiết kiệm điện”.
Liên quan đến vấn đề này, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cảnh báo, người bán các “thiết bị tiết kiệm điện” đang đánh vào tâm lý muốn tiết kiệm điện, tiết kiệm tiền sử dụng điện của người dân. Tuy nhiên, chính vì chưa được cơ quan chuyên môn thẩm định hiệu quả mà chỉ được phía bán hàng quảng cáo nên người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi mua về sử dụng.
* Hậu quả khó lường
Theo Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai, về mặt kỹ thuật, tất cả các thiết bị điện khi cắm vào nguồn điện và hoạt động đều tiêu thụ một lượng điện năng nhất định. Các thiết bị đấu vào mạch điện phía sau công tơ điện chỉ có thể cải thiện một phần hệ số công suất của thiết bị điện, làm giảm tổn thất điện năng trên đường dây dẫn điện nhưng chỉ một phần rất ít. Và đó là những sản phẩm chuyên dụng của các nhà cung cấp thiết bị điện uy tín và có chứng nhận của cơ quan quản lý nhà nước. Còn lại, những sản phẩm đang được quảng cáo là “thiết bị tiết kiệm điện” trên thị trường không những không làm giảm điện năng tiêu thụ mà các thiết bị này còn làm tốn thêm tiền điện và tiềm ẩn nguy cơ gây cháy, nổ nguy hiểm cho người sử dụng.
Do đó, để tiết kiệm điện năng tiêu thụ trong nhà, Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai khuyến cáo khách hàng nên mua những đồ dùng điện có dán nhãn chứng nhận tiết kiệm năng lượng, lựa chọn công suất phù hợp với nhu cầu, vệ sinh bảo dưỡng định kỳ và quan trọng là luôn thực hiện tốt ý thức tiết kiệm điện, tắt các thiết bị khi không sử dụng.
Theo một số luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh, nếu các “thiết bị tiết kiệm điện” này có tác dụng can thiệp trực tiếp vào hoạt động công tơ điện có nghĩa là người sử dụng thiết bị này đang thực hiện hành vi vi phạm quy định sử dụng điện; người dùng sẽ bị truy thu tiền điện, phạt tiền theo quy định tại Khoản 9, Điều 12 Nghị định 134/2013/NĐ-CP ngày 17-10-2012, về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Cụ thể, người dùng có thể bị phạt từ 2-50 triệu đồng đối với hành vi trộm cắp điện dưới mọi hình thức với số lượng đến dưới 20 ngàn kWh điện. Riêng trường hợp trộm cắp điện từ 20 ngàn kWh trở lên thì cơ quan chức năng chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định.
Tại Khoản 5, Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP, ngày 12-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo nêu rõ, phạt tiền từ 50-70 triệu đồng đối với hành vi “quảng cáo sai sự thật…” hoặc “quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo…”. |
Đăng Tùng