Báo Đồng Nai điện tử
En

Cẩn trọng với món 'đặc sản' ve sầu

08:06, 10/06/2021

Mùa hè đến, tại một số vùng nông thôn ở H.Xuân Lộc, người dân thường săn những lứa ve non mang về chế biến thành những món ăn "độc, lạ". Với họ, đây chính là "lộc trời cho", mỗi năm chỉ có một mùa.

Mùa hè đến, tại một số vùng nông thôn ở H.Xuân Lộc, người dân thường săn những lứa ve non mang về chế biến thành những món ăn “độc, lạ”. Với họ, đây chính là “lộc trời cho”, mỗi năm chỉ có một mùa.

Người dân ấp Tam Hiệp, xã Xuân Hiệp (H.Xuân Lộc) đi săn ve về chế biến thực phẩm
Người dân ấp Tam Hiệp, xã Xuân Hiệp (H.Xuân Lộc) đi săn ve về chế biến thực phẩm

Tại H.Xuân Lộc, mùa săn ve sầu thường kéo dài từ giữa tháng 5 đến trung tuần tháng 6, khi thời tiết bắt đầu dịu mát sau những trận mưa rào, cây cối đâm chồi, côn trùng sinh sôi, nảy nở. Thời gian này, loài ve sầu cũng lũ lượt chui lên từ lòng đất, “thoát kiếp” sau những năm tháng ngủ vùi.

* Mùa săn ve sầu

Theo một số người đi săn ve ở xóm lòng hồ Gia Măng, ấp Tam Hiệp, xã Xuân Hiệp (H.Xuân Lộc), thời điểm săn ve non thích hợp nhất là vào buổi tối sau những trận mưa lớn. Trước khi đi, những người này chuẩn bị sẵn những vật dụng cần thiết như: đèn pin, giày ủng, xô nước muối để đựng ve và một cây gậy nhằm phòng vệ nếu như gặp rắn; cẩn thận hơn có người còn xoa kem chống muỗi do phải băng vào các khu vườn, rẫy. Trong đêm, hàng chục ánh đèn pin loe lóe từ khắp phía soi vào các thân cây để tìm ve non.

Anh N.T.L. (ngụ ấp Tam Hiệp, xã Xuân Hiệp) cho hay, sau những trận mưa rào nền đất mềm nên những con ấu trùng ve chui lên rất nhiều, nhiều gốc cây đến 20-30 con. Ấu trùng ve chui lên mặt đất có màu nâu sậm, 2 chân trước to như hai cái càng với nhiều mấu nhọn, phía sau là 4 chân phụ. Chúng cố trèo lên một đoạn của thân cây (từ 40-100cm), gồng cong mình để làm rách lớp vỏ bọc bên ngoài. Khi ấy, ve sữa chui ra có màu trắng xanh, 2 cánh nhỏ lún phún, xoăn tít trông rất ngộ nghĩnh.

“Ve mới lột xác còn non sữa, chế biến rất ngon. Do vậy, khi bắt được phải bỏ ngay vào xô nước muối để ve không bị già, đồng thời muối còn giúp tiêu diệt những nấm, khuẩn độc hại trên thân ve. Vì sau khi lột xác khoảng 10 phút thì cánh ve bắt đầu dài ra, thân của chúng dần chuyển sang màu nâu nhạt, lúc này ve đã già, ăn không còn ngon nữa” - anh L. cho hay.

Vì ghiền món ăn từ ve sầu, hè năm nào anh P.T.C. (ngụ ấp Tam Hiệp, xã Xuân Hiệp) cũng đi săn ve. Dù ban ngày đi làm rất mệt nhưng tối đến anh đều sắp xếp vài ba đêm/tuần để đi bắt ve về làm mồi nhậu. Cũng như mùa nấm mối, mùa ve mỗi năm chỉ có một mùa rất ngắn được hưởng “lộc trời cho”.

* Để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm

Anh T.T.P., chủ quán nhậu bình dân ở xã Xuân Hiệp cho biết, bản thân rất thích món ve chiên nước mắm nên mùa ve nào anh cũng đi bắt. Hôm nào được nhiều, anh đều chế biến thành những món thật ngon để mời khách quen. Có nhiều cách chế biến ve sữa như: chiên bột, chiên bơ, chiên nước mắm ăn với lá chanh, đậu phộng rang giã nhuyễn. Do hương vị ngon, lạ nên khách rất thích, nhưng không có để bán thường xuyên.

Ve non xuất phát từ ấu trùng ve sầu có thời gian sinh sống dưới lòng đất lâu năm nên có nhiều ký sinh trùng, dễ gây ngộ độc thực phẩm
Ve non xuất phát từ ấu trùng ve sầu có thời gian sinh sống dưới lòng đất lâu năm nên có nhiều ký sinh trùng, dễ gây ngộ độc thực phẩm

Tuy nhiên, theo anh P. và một số người chế biến món ăn từ ve sầu ở xã Xuân Hiệp, tuy là đặc sản nhưng món ăn này rất dễ gây ngộ độc. Vì ve non sống dưới đất lâu năm, hút nhựa rễ cây có nhiều tạp chất nên phải sơ chế cho thật kỹ lưỡng, sạch sẽ.

BS Nguyễn Văn Kiên, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật - HIV/AIDS thuộc Trung tâm Y tế dự phòng H.Xuân Lộc cho biết, ve sầu cũng như một số loại côn trùng khác như: nhộng ong, ong thợ, châu chấu, dế cơm, bọ cạp, mối chúa… được dân gian dùng làm thực phẩm hay ngâm rượu. Theo các tài liệu nghiên cứu khoa học, phần lớn cuộc đời của ve là thời kỳ ấu trùng ở dưới đất với độ sâu khoảng từ 30cm đến 2,5m. Các ấu trùng ve hút nhựa rễ cây và có những chân trước đào bới rất khỏe. Khi đến giai đoạn chuyển tiếp cuối cùng để kết thúc thời kỳ ấu trùng, những ấu trùng ve đào một đường hầm lên mặt đất và chui lên. Hầu hết các loài ve có vòng đời từ 2-5 năm. Do ấu trùng ve sầu có thời gian sinh sống dưới lòng đất lâu năm nên trên thân có thể nhiều ký sinh trùng, bào tử nấm độc bám vào, rất dễ gây ngộ độc thực phẩm.

Cũng theo BS Kiên, trong thời gian qua, ở một số tỉnh như: Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu… đã xuất hiện nhiều ca ngộ độc nguy hiểm do ăn ấu trùng ve. Sau khi ăn, bệnh nhân có biểu hiện: cơ thể ngứa ngáy, nổi mề đay, tức ngực, khó thở… phải nhập viện cấp cứu. Do vậy, để bảo vệ tốt sức khỏe cho mình và người thân, người dân nên sử dụng những loại thực phẩm thuần túy, có nguồn gốc rõ ràng, không nên ăn những món “độc, lạ”, nhất là những món ăn từ các loại côn trùng để tránh nguy cơ ngộ độc, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng.    

Hải Đình

Tin xem nhiều
Sữa hạt Kho tủ cơm 12 khay inox giá rẻ Bếp từ Miele đức chính hãng