Báo Đồng Nai điện tử
En

Tập trung 'dẹp' tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo

10:05, 28/05/2021

Dưới sự chủ trì của Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), thời gian qua các đơn vị chức năng, các nhà mạng đã triển khai ngăn chặn thành công hơn 100 ngàn thuê bao phát tán cuộc gọi rác, tin nhắn rác quấy rối khách hàng…

Dưới sự chủ trì của Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), thời gian qua các đơn vị chức năng, các nhà mạng đã triển khai ngăn chặn thành công hơn 100 ngàn thuê bao phát tán cuộc gọi rác, tin nhắn rác quấy rối khách hàng…

Mặc dù thời gian gần đây tần suất xuất hiện tin nhắn rác có giảm nhưng vẫn còn, gây phiền phức cho người dùng mạng viễn thông. Ảnh minh họa: K.Liễu
Mặc dù thời gian gần đây tần suất xuất hiện tin nhắn rác có giảm nhưng vẫn còn, gây phiền phức cho người dùng mạng viễn thông. Ảnh minh họa: K.Liễu

* Ngăn chặn tin nhắn rác từ gốc

Theo số liệu của Cục Viễn thông, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2021, đã có hơn 22 ngàn thuê bao phát tán cuộc gọi rác bị xử lý bởi các nhà mạng. Cụ thể, đã có hơn 14,6 ngàn thuê bao phát tán cuộc gọi rác bị xử lý trong tháng 1-2021 và 7,4 ngàn thuê bao bị xử lý trong tháng 2-2021. Trước đó, trong 6 tháng cuối năm 2020, trung bình mỗi tháng các nhà mạng chặn lọc thành công khoảng 15 ngàn thuê bao phát tán cuộc gọi rác.

Mới đây, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an và công an các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Dương, TP.HCM triệt phá thành công một đường dây phát tán tin nhắn rác cực lớn. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã bắt quả tang 6 đối tượng (trong đó có 4 đối tượng đang phát tán tin nhắn trên không gian mạng) cùng nhiều tang vật liên quan gồm: 9 hệ thống thiết bị phát tán tin nhắn với 384 cổng kết nối SIM, hơn 7 ngàn SIM điện thoại và 180 điện thoại phát tán tin nhắn.

Phó giám đốc Sở TT-TT Võ Hoàng Khai cho biết, hiện hệ thống Tổng đài 5656 của Bộ TT-TT đã chính thức vận hành miễn phí để giúp người dân từ chối và phản ảnh tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Người sử dụng dịch vụ viễn thông, internet, thư điện tử cũng có thể phản ảnh, cung cấp các bằng chứng tới đầu số 5656 nếu bị quấy rối bởi tin nhắn, cuộc gọi, thư điện tử rác không mong muốn.

Những thông tin trên được xem là tin vui đối với người dùng điện thoại. Chị Nguyễn Thị Hương (ngụ P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) cho rằng, kết quả trên cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng trong việc xử lý cuộc gọi, tin nhắn rác. “Tôi dùng điện thoại gần 20 năm nay, không đếm xuể những lần bị làm phiền bởi những cuộc gọi quảng cáo, tin nhắn rác. Tôi tin rằng việc Bộ Công an triệt phá nhóm đối tượng có hoạt động mua bán, sử dụng, trái phép dữ liệu cá nhân và nhóm đối tượng phát tán tin nhắn rác cực lớn vừa qua sẽ có tác động tích cực đến việc “chặn đứng” các cuộc gọi, tin nhắn rác gây phiền hà, thậm chí rắc rối cho người dùng mạng viễn thông khi không may “sập bẫy” tin nhắn của các đối tượng lừa đảo” - chị Hương chia sẻ.

Tương tự, ông Trần Huy Tân (ngụ TT.Dầu Giây, H.Thống Nhất) cũng rất vui khi đường dây phát tán tin nhắn rác cực lớn đã bị lực lượng công an triệt phá vì đã triệt tận gốc nơi phát tán tin nhắn rác trong thời gian qua. Theo ông Tân, các đối tượng phát tán tin nhắn rác đã lộng hành trong một thời gian quá dài, phát tán hơn hàng trăm triệu tin nhắn rác quảng cáo về bất động sản, game bài, làm giấy tờ giả, “tín dụng đen”…, không chỉ gây phiền hà cho khách hàng mà còn tạo cơ hội cho kẻ gian tiếp cận người dân, gây ra nhiều hậu quả tiêu cực cho xã hội như: nghiện game, mua bán và sử dụng giấy tờ giả, bị tấn công gây thương tích hoặc cưỡng đoạt tài sản từ các đối tượng cho vay lãi nặng…

* Cần có hướng xử lý những cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo

Theo phản ảnh của nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông, mấy tháng gần đây, tin rác quảng cáo có giảm nhưng lại xuất hiện tin nhắn rác có mục đích lừa đảo và kiến nghị cơ quan chức năng cần có hướng xử lý. Các tin nhắn này giả mạo tin nhắn định danh (brandname) của những doanh nghiệp như: viễn thông, ngân hàng, ví điện tử... khiến nhiều người dùng mất cảnh giác, bị dẫn dụ truy cập các website giả mạo do các đối tượng lập ra nhằm chiếm đoạt tiền. Mới nhất là thủ đoạn giả mạo nhà mạng gọi điện, nhắn tin yêu cầu chủ thuê bao nâng cấp SIM di động 3G lên 4G để chiếm đoạt số thuê bao và các thông tin cá nhân, mật khẩu OTP…

Tin nhắn cảnh báo lừa đảo từ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) gửi đến khách hàng
Tin nhắn cảnh báo lừa đảo từ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) gửi đến khách hàng

Thông tin từ Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), các tin nhắn mạo danh trên không xuất phát từ hệ thống của các tổ chức tài chính, ngân hàng và doanh nghiệp viễn thông mà được phát tán thông qua các thiết bị phát sóng di động giả mạo. Các thiết bị này có nguồn gốc từ nước ngoài, được các đối tượng mua bán, sử dụng trái phép nhằm mục đích thực hiện các cuộc tấn công phát tán tin nhắn rác lừa đảo người dùng. Các tin nhắn bị các đối tượng thay đổi thông tin nguồn gửi (số điện thoại, đầu số hoặc tên định danh) nhằm tạo lòng tin, đánh lừa người dùng.

Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, để tránh bị lừa bằng tin nhắn giả mạo, người dùng cá nhân, các thuê bao di động, chủ tài khoản... cần nâng cao cảnh giác, không truy cập các đường link lạ, tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân cho bất kỳ ai qua điện thoại, tin nhắn. Khi có bất kỳ nghi vấn nào liên quan đến hành vi lừa đảo, người dân cần liên hệ ngay với tổng đài hỗ trợ khách hàng của ngân hàng, đơn vị viễn thông nơi mình đang sử dụng dịch vụ hoặc cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.

Ngoài ra, các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông cũng khuyến cáo, trường hợp phát hiện thẻ SIM bị vô hiệu hóa, nghi ngờ do bị chiếm đoạt quyền kiểm soát SIM, người dùng nên liên hệ ngay nhà mạng để yêu cầu khóa SIM. Nếu lỡ đã truy cập, đăng nhập thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng vào các app, đường link của kẻ xấu thì nhanh chóng liên hệ với số hotline của tổ chức tín dụng, ngân hàng này yêu cầu thay đổi mật khẩu nhằm tránh mất tiền trong tài khoản.

Kim Liễu

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích