Ngày 27-3, 2 học sinh của một trường tiểu học ở TP.Biên Hòa đã uống nhầm thuốc diệt chuột đựng trong lọ giống si rô khiến một em tử vong, còn một em dù được cứu sống nhưng khả năng phải chịu nhiều di chứng về sau. Vụ việc đau lòng trên một lần nữa cảnh báo về tình trạng nguy hiểm khi trẻ em tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại.
Ngày 27-3, 2 học sinh của một trường tiểu học ở TP.Biên Hòa đã uống nhầm thuốc diệt chuột đựng trong lọ giống si rô khiến một em tử vong, còn một em dù được cứu sống nhưng khả năng phải chịu nhiều di chứng về sau. Vụ việc đau lòng trên một lần nữa cảnh báo về tình trạng nguy hiểm khi trẻ em tiếp xúc với các loại hóa chất độc hại.
Sức khỏe của em V.N.Đ.Q. (7 tuổi, ngụ P.Phước Tân, TP. Biên Hòa) đã ổn định sau khi được các bác sĩ cấp cứu do uống nhầm thuốc chuột từ lọ giống si rô. Ảnh do bệnh viện cung cấp |
Trong sinh hoạt hằng ngày, chuyện trẻ nhỏ bị các tai nạn thương tích do tự các em gây ra hoặc do tắc trách của người lớn là không hiếm gặp. Tuy nhiên, việc trẻ tiếp xúc với hóa chất độc hại có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Đây là vấn đề cần được phụ huynh và nhà trường quan tâm nhằm chủ động phòng ngừa.
* Những tai nạn không ngờ
Trước Tết Nguyên đán 2021, gia đình chị V.T.H. (ngụ P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) bị một phen hoảng hốt khi con trai 2 tuổi của chị lấy lọ keo 502 dùng để dán sắt nhỏ vào mắt nhưng rất may giọt keo lại rơi xuống má phải của bé, khiến vùng da này đỏ rộp. Chị Hằng kể, khi đưa con đến một phòng khám đa khoa tư nhân gần nhà, bác sĩ nói rất may giọt keo đã không rơi trúng mắt. Nếu trúng mắt, khả năng sẽ làm thủng giác mạc, thậm chí tổn thương luôn cả con ngươi, bởi loại keo này có độ sát thương lớn nếu bị dính vào niêm mạc, nó có thể gây phỏng nặng và hủy hoại mô mềm nếu lượng keo tiếp xúc nhiều.
Tháng 2-2021, bé gái 3 tuổi, con chị N.T.B. (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) đã ăn 47 viên nang thực phẩm chức năng Omega 3-6-9 của bà nội bé ở TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Chị B. kể, cuối tuần đó cả gia đình về thăm bà nội bé, chị có mua cho mẹ chồng 2 hộp thực phẩm chức năng dưới dạng viên nang mềm. Mẹ chồng chị lấy ra uống rồi đặt trên đầu giường trong phòng ngủ. Do bà đóng nắp không chặt nên trong lúc mọi người tụ tập ăn uống, con gái chị vào phòng bà lấy hộp thuốc ra ăn.
Khi cả nhà phát hiện sự việc, đếm số viên còn lại trong hộp mới biết bé đã ăn hết 47 viên. Theo chị B., trước đây chị rất hay mua cho con ăn loại kẹo dẻo vitamin của nước ngoài, hộp đựng và viên cũng khá giống hộp thuốc của bà, bé tưởng kẹo vitamin của mình nên lấy ăn. Rất may, do cháu nuốt trọng nên nhiều viên thuốc còn nguyên, không bị vỡ trong quá trình tiêu hóa nên các bác sĩ đã xử lý cấp cứu kịp thời.
* Chú ý phòng ngừa trẻ ăn, uống nhầm hóa chất
Là người điều trị nhiều ca trẻ bị tai nạn thương tích nói chung và những ca liên quan đến hóa chất nói riêng, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai Phạm Thị Kiều Trang cho biết, ngoài một số trường hợp do các em tự gây ra như trường hợp 2 học sinh nhặt được ống thuốc chuột rồi rủ nhau uống vừa qua, phần lớn vụ tai nạn do tắc trách và thiếu cẩn thận của người lớn.
BS Trang cho biết, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cũng từng cấp cứu một số trường hợp bệnh nhi ăn nhầm cơm có tẩm thuốc để diệt chuột; uống phải hóa chất do người lớn đựng trong chai nước suối; uống nhầm thuốc trừ sâu hoặc phỏng do bị hóa chất đổ lên người... Đã có một số trường hợp nặng phải điều trị tích cực do bị ảnh hưởng nặng, dẫn đến tổn thương lâu dài, thậm chí không qua khỏi.
Để sớm nhận ra dấu hiệu khi trẻ bị ngộ độc hóa chất, BS Trang cho hay, người lớn quan sát thấy trẻ bị đau họng, buồn nôn và nôn, lưỡi bị đỏ hoặc bị phồng rộp, chảy máu mũi, khó thở, mặt mũi tím tái, thậm chí là lơ mơ, hôn mê, co giật hoặc liệt cơ... thì phải nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời. Khi đưa trẻ bị ngộ độc hóa chất đi cấp cứu, nếu quần áo của trẻ bị nhiễm hóa chất thì nên thay đồ ngay cho trẻ; mang theo chai, lọ, hộp đựng hóa chất nghi là vật gây ra tổn thương cho trẻ nhằm giúp bác sĩ nhanh chóng xác định loại hóa chất gây độc cho bé để có cách xử lý phù hợp và hiệu quả nhất, nhằm tận dụng thời gian vàng trong cấp cứu, bởi mỗi loại hóa chất có một cách xử lý khác nhau.
BS Trang cũng khuyến cáo, phụ huynh nên hướng dẫn, dạy con không nên tự ý ăn, uống những thức ăn nhặt được ngoài đường. Với những loại phụ gia, xăng dầu, thuốc trừ sâu, hóa chất có tính độc để trong nhà thì nên đặt trên cao, khuất tầm nhìn của trẻ, hoặc cất kỹ trong những thùng, hộp có nắp đậy. Với các loại thuốc và dược liệu nên đặt ngoài tầm với của trẻ. Đặc biệt, người lớn luôn đặt trẻ trong tầm quan sát của mình để kịp thời phát hiện trong trường hợp trẻ tiếp xúc với các hóa chất.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, năm 2020, bệnh viện đã tiếp nhận gần 10 ngàn ca trẻ bị tai nạn thương tích phải cấp cứu và điều trị tại bệnh viện. Trong đó, có khoảng 2% số ca bệnh nhi phải cấp cứu do bị tai nạn, tổn thương liên quan hóa chất độc hại. Một số trường hợp phải mang di chứng về não, suy gan, suy thận do hóa chất gây ra. |
Phương Liễu