Pháp luật đã quy định rõ về đối tượng được miễn, giảm tiền sử dụng đất (SDĐ) nhưng trên thực tế, nhiều người không biết mình thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền SDĐ để thực hiện theo quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của mình.
Pháp luật đã quy định rõ về đối tượng được miễn, giảm tiền sử dụng đất (SDĐ) nhưng trên thực tế, nhiều người không biết mình thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền SDĐ để thực hiện theo quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của mình.
Luật sư Lưu Hồng Khanh (bìa phải), Đoàn Luật sư tỉnh tư vấn về chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất cho người dân. Ảnh: Đ.Phú |
Nghị định 45/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất (gọi tắt Nghị định 45) nêu rõ, trường hợp SDĐ có nhà ở từ trước ngày 15-10-1993 và có giấy tờ chứng minh về việc đã nộp tiền cho cơ quan, tổ chức để được SDĐ thì khi được cấp giấy chứng nhận không phải nộp tiền SDĐ.
* Đối tượng được miễn giảm
Luật sư Cao Sơn Hà (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, Điều 11, Nghị định 45 quy định các trường hợp được miễn tiền SDĐ là: SDĐ để thực hiện chính sách nhà ở, đất ở đối với người có công với cách mạng thuộc đối tượng được miễn tiền SDĐ theo quy định của pháp luật về người có công; hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo; SDĐ để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở; nhà ở cho người phải di dời do thiên tai.
Theo Nghị định 45, nguyên tắc thực hiện miễn, giảm tiền SDĐ được quy định như sau: hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng được miễn hoặc giảm tiền SDĐ chỉ được miễn hoặc giảm một lần trong trường hợp được Nhà nước giao đất để làm nhà ở hoặc được phép chuyển mục đích SDĐ từ đất khác sang làm đất ở hoặc được cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ ở. Người SDĐ chỉ được hưởng ưu đãi miễn, giảm tiền SDĐ sau khi thực hiện các thủ tục để được miễn, giảm theo quy định. Tuy nhiên trên thực tế, không phải ai cũng hiểu rõ về chính sách miễn giảm tiền SDĐ.
Ông V.T. (ngụ xã Phú An, H.Tân Phú) cho biết, ông là thương binh 4/4, ông có 1 sào đất trồng cây lâu năm tại xã Phú An. Nay ông muốn chuyển 200m2 từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư nhưng ông không biết mình có thuộc đối tượng được miễn giảm tiền SDĐ không. Nếu được miễn, giảm tiền SDĐ thì miễn giảm ra sao?
Trong khi đó, ông P.N.V. (ngụ P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) thắc mắc, ông là thương binh 3/4 nhưng không được miễn, giảm tiền SDĐ vì ông không làm thủ tục xin miễn giảm theo quy định khi chuyển đổi 150m2 đất nông nghiệp sang đất thổ cư. Nay ông muốn chuyển đổi tiếp 200m2 đất nông nghiệp khác (khu đất này ở P.Trảng Dài) thành đất thổ cư thì lần này ông có được miễn, giảm tiền SDĐ không?
Luật sư Cao Sơn Hà cho biết, do ông T., ông V. là thương binh 3/4 và 4/4, có tỷ lệ thương tật từ 21-40%, thuộc đối tượng được giảm 70% tiền SDĐ trong hạn mức giao đất ở khi chuyển mục đích SDĐ và chỉ được miễn giảm một lần duy nhất. Do đó, người nào được miễn, giảm rồi thì không được miễn giảm nữa hoặc chưa được miễn giảm thì có quyền đề nghị được miễn giảm.
* Cụ thể mức miễn, giảm tiền SDĐ
Luật sư Lưu Hồng Khanh (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, theo Khoản 2, Điều 1, Quyết định 117/2007/QĐ-TTg ngày 25-7-2007 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điểm c, Khoản 2, Điều 2, Quyết định số 118/1996/QĐ-TTg ngày 27-2-1996 của Thủ tướng Chính phủ thì người có công với cách mạng được hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ tiền SDĐ theo các mức cụ thể như sau: hỗ trợ toàn bộ tiền SDĐ đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh, có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên; thân nhân của liệt sĩ đang hưởng tiền tuất nuôi dưỡng hằng tháng. Hỗ trợ 90% tiền SDĐ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 61-80%.
Ngoài ra, Quyết định 117/2007/QĐ-TTg cũng quy định hỗ trợ 80% tiền SDĐ đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh có tỷ lệ suy giảm khả năng lao đông do thương tật, bệnh tật từ 41-60%. Hỗ trợ 70% tiền SDĐ đối với thân nhân của liệt sĩ quy định tại Khoản 1, Điều 14 của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do thương tật từ 21-40%; người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp hằng tháng; người có công giúp đỡ cách mạng được tặng Kỷ niệm chương Tổ quốc ghi công hoặc Bằng có công với nước, người có công giúp đỡ cách mạng trong gia đình được tặng Kỷ niệm chương Tổ quốc ghi công hoặc Bằng có công với nước. Hỗ trợ 65% tiền SDĐ đối với người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị bắt tù đày; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất hoặc Huân chương Chiến thắng hạng Nhất.
Luật sư Lưu Hồng Khanh lưu ý, Nghị định 45 quy định, trường hợp trong hộ gia đình có nhiều thành viên thuộc diện được giảm tiền SDĐ thì được cộng các mức giảm của từng thành viên thành mức giảm chung của cả hộ, nhưng mức giảm tối đa không vượt quá số tiền SDĐ phải nộp trong hạn mức giao đất ở. Trong trường hợp người thuộc đối tượng được hưởng cả miễn và giảm tiền SDĐ theo quy định tại nghị định này hoặc các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan thì được miễn tiền SDĐ; trường hợp người thuộc đối tượng được giảm tiền SDĐ nhưng có nhiều mức giảm khác nhau quy định tại nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan thì được hưởng mức giảm cao nhất. Người SDĐ chỉ được hưởng ưu đãi miễn, giảm tiền SDĐ sau khi thực hiện các thủ tục để được miễn, giảm theo quy định.
Đoàn Phú