Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần quản lý phim chiếu mạng

08:04, 11/04/2021

Hiện nay, phim chiếu mạng (còn gọi là web drama) được nhiều người ưa thích và đón xem trên các trang web, mạng xã hội YouTube, nhất là với những bộ phim kịch tính, nhiều cảnh hành động bạo lực, không dễ xuất hiện trên phim truyền hình. Chính vì dễ tìm kiếm và hiện không có cơ chế quản lý, kiểm duyệt nên người xem dễ tiếp cận những bộ phim có nội dung hoặc thông điệp không phù hợp.

Hiện nay, phim chiếu mạng (còn gọi là web drama) được nhiều người ưa thích và đón xem trên các trang web, mạng xã hội YouTube, nhất là với những bộ phim kịch tính, nhiều cảnh hành động bạo lực, không dễ xuất hiện trên phim truyền hình. Chính vì dễ tìm kiếm và hiện không có cơ chế quản lý, kiểm duyệt nên người xem dễ tiếp cận những bộ phim có nội dung hoặc thông điệp không phù hợp.

Người dân có thể dễ dàng xem phim chiếu mạng được quay tại Việt Nam. Trong ảnh: Một gia đình ở TP.Biên Hòa xem phim chiếu mạng trên máy tính bảng. Ảnh: Đ.Tùng
Người dân có thể dễ dàng xem phim chiếu mạng được quay tại Việt Nam. Trong ảnh: Một gia đình ở TP.Biên Hòa xem phim chiếu mạng trên máy tính bảng. Ảnh: Đ.Tùng

* Xu thế xem phim mới

Khoảng 5-7 năm trước, phim chiếu mạng rộ lên ở Việt Nam bằng những clip hài ngắn của các nhóm bạn trẻ tự sản xuất. Ban đầu, các clip chỉ dài không quá 5 phút nhưng lâu dần, những nhóm sản xuất đã tập trung đầu tư những bộ phim thời lượng có thể tới 45-90 phút/phim (tương đương thời lượng một phim điện ảnh) hoặc phim dài kỳ.

Lợi nhuận được các nhóm thu về từ hoạt động quảng cáo các sản phẩm xen giữa phim. Chính vì vậy, từ việc phim chiếu mạng chỉ do các nhóm bạn trẻ tự thực hiện thì đến khoảng năm 2017 trở lại đây, nhiều nghệ sĩ đã thực hiện các bộ phim này và thu hút lượt theo dõi của đông đảo khán giả vì kịch bản có đầu tư và quy tụ nhiều gương mặt nổi tiếng.

Anh Nguyễn Thành Vinh (ngụ P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Các phim chiếu mạng rất thú vị, nội dung độc đáo, bất ngờ. Đôi khi nhiều hành động mạnh mẽ, bạo lực nhưng lột tả được tính cách nhân vật trong phim khiến các phim chiếu mạng thu hút hàng triệu người xem dù không được quảng bá rộng rãi”. Có những phim thu hút hàng triệu lượt xem chỉ sau vài tháng ra mắt, đủ để thấy sức hút của loại hình phim chiếu mạng với người xem. Tuy nhiên do không có sự kiểm soát nội dung nên nhiều phim chiếu mạng đã thể hiện những tình tiết bạo lực, lời thoại tục tĩu mà không dán nhãn (16+, 18+...).

Bà Huỳnh Như (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) cho rằng, không như các clip hoặc kênh, trang mạng xã hội thường có nội dung ảnh hưởng thuần phong mỹ tục thì trái lại phim chiếu mạng lại được làm chỉn chu, nghiêm túc hơn. Tuy nhiên, do chưa có cơ chế kiểm duyệt nên người làm phim thoải mái thể hiện tác phẩm, không tránh khỏi có nhiều đoạn bạo lực hoặc thể hiện tư tưởng không phù hợp, sai lệch kiến thức văn hóa, pháp luật cũng như cách ứng xử trong cuộc sống... Việc này về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến người xem, nhất là trẻ em, học sinh khi chưa nhận thức được sẽ vô tình học theo những hành động đó, có thể gây nguy hiểm cho bản thân và người khác.

* Nên có cơ chế kiểm duyệt

Luật Điện ảnh năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đề cập rất hạn chế đến việc khai thác, phổ biến phim trên môi trường internet, xem phim trên các thiết bị di động cá nhân... Chính vì vậy, phim chiếu mạng nở rộ, đem lại nhiều hiệu ứng tích cực nhưng cũng khiến người dân, các nhà làm phim phản ứng vì nội dung phim có thể chứa nhiều yếu tố tiêu cực, gây ảnh hưởng đến người xem.

Do đó, đầu năm 2021, khi tiến hành lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi, Bộ VH-TTDL đã đưa ra phương án tiền kiểm hoặc hậu kiểm (kiểm duyệt trước hoặc sau khi phát sóng) với phim chiếu mạng. Theo đó, với phương án tiền kiểm, phim chiếu mạng cần phải có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý hoặc được cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động biên tập. Nếu áp dụng phương án này thì phim chiếu mạng sẽ được xét duyệt, biên tập tương tự như phim điện ảnh, phim truyền hình.

Còn với phương án hậu kiểm, phim chiếu mạng phải đảm bảo các quy định như không vi phạm những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh (quy định tại Điều 8, Luật Điện ảnh năm 2006 và bảo đảm phim có bản quyền hợp pháp và chịu trách nhiệm về nội dung phim phát hành (quy định Điểm c, Khoản 2, Điều 13 Luật Điện ảnh năm 2006). Đồng thời phải có cảnh báo và hiển thị mức phân loại phổ biến phim theo quy định (cụ thể là có nhãn cảnh báo độ tuổi được xem).

Theo quản lý cụm rạp chiếu phim tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa, cần có sự kiểm duyệt, quản lý với phim chiếu mạng để tạo sự cạnh tranh sòng phẳng với phim điện ảnh. Việc tiền kiểm hoặc hậu kiểm đối với phim chiếu mạng là cần thiết và cơ quan chức năng cần tính toán để chọn phương án tối ưu. Nhất là trong bối cảnh phim chiếu mạng không trải qua kiểm duyệt, cấp phép từ cơ quan chức năng sẽ không công bằng với nhiều đơn vị làm phim điện ảnh.

Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) nhận định: “Cần sớm có quy định, chế tài để đưa hoạt động sản xuất, phổ biến phim trên môi trường internet vào khuôn khổ. Từ đó có thể đảm bảo nội dung được lan truyền sẽ không gây tác động tiêu cực, vi phạm quy định pháp luật. Đồng thời tạo điều kiện cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình phim...”.

Theo Cục Điện ảnh (Bộ VH-TTDL), ngày 10-6-2020, Quốc hội thông qua Nghị quyết 106/2020/QH14 về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020. Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10-2021), dự án Luật Điện ảnh sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều