Báo Đồng Nai điện tử
En

'Bỗng dưng'… bị đòi nợ

08:04, 18/04/2021

Không vay mượn hay bảo lãnh cho bất kỳ người nào vay mượn tiền, nhưng đã có không ít nạn nhân đã bị các đối tượng đòi nợ thuê gây áp lực bằng cách nhắn tin, điện thoại thậm chí đe dọa đăng ảnh cá nhân lên các trang mạng xã hội để ép trả nợ thay người khác.

Không vay mượn hay bảo lãnh cho bất kỳ người nào vay mượn tiền, nhưng đã có không ít nạn nhân đã bị các đối tượng đòi nợ thuê gây áp lực bằng cách nhắn tin, điện thoại thậm chí đe dọa đăng ảnh cá nhân lên các trang mạng xã hội để ép trả nợ thay người khác.

Một trường hợp bị nhắn tin đòi nợ của người khác trên Facebook với những lời lẽ đe dọa, xúc phạm. Ảnh chụp màn hình
Một trường hợp bị nhắn tin đòi nợ của người khác trên Facebook với những lời lẽ đe dọa, xúc phạm. Ảnh chụp màn hình

* Liên tục bị điện thoại, nhắn tin làm phiền

Là một trong những nạn nhân của nhóm đòi nợ thuê, chị G. (ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) cho hay, mấy ngày qua chị liên tiếp nhận được điện thoại của một người đàn ông gọi điện đòi nợ và yêu cầu chị phải có trách nhiệm đối với khoản vay của một người tên P.H.

Lúc đầu cứ tưởng là ai đó gọi nhầm số nên chị G. đã lịch sự trả lời họ rồi cúp máy, thế nhưng số điện thoại trên cứ liên tiếp gọi điện tới làm phiền thậm chí lớn tiếng chửi bới với những từ ngữ tục tĩu. Dù chị G. đã khẳng định rõ ràng, rành mạch rằng mình không quen với ai tên P.H. và không hề đứng ra mượn tiền cũng không bảo lãnh nợ cho bất cứ ai nhưng người đàn ông này không chịu buông tha.

Do liên tiếp bị gọi điện làm phiền nên chị G. đã chặn số liên lạc trên nhưng khi chặn số này lại bị những người đòi nợ quấy rối bằng số điện thoại khác. Đến khi chị G. nhắn tin yêu cầu không được quấy rối nếu không chị sẽ nhờ công an và các cơ quan có thẩm quyền can thiệp thì chị mới được yên ổn.

Tương tự, chị H. (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) kể, trước đây chị mất ăn mất ngủ cả tháng vì bị người đòi nợ “khủng bố” bằng điện thoại, tin nhắn và qua Facebook. Tìm hiểu nguyên nhân bị quấy rối, chị H. mới biết là do cô em chồng tên M. đưa số điện thoại của chị làm số liên hệ cho hồ sơ vay tiền mà không hề hỏi ý kiến của chị. Bên thu hồi nợ liên tục gọi quấy rầy, đe dọa chị vì “tội” không tác động để M. trả nợ. Thậm chí người đòi nợ còn đưa ảnh đại diện của chị đăng tải lên mạng xã hội bêu riếu nói xấu chị nợ nần khiến cuộc sống và công việc của chị bị ảnh hưởng nghiêm trọng… Không chịu nổi, chị H. buộc phải đứng ra gánh thay số nợ của cô em chồng mới được bọn đòi nợ buông tha.

* Xử lý ra sao?

Tìm hiểu về nguyên nhân vì sao nhiều người “bỗng dưng” bị đòi nợ, chúng tôi được biết hiện nay có rất nhiều tổ chức tài chính cho vay bằng hình thức tín chấp. Khi làm hồ sơ vay, người đi vay phải cung cấp thông tin cá nhân (chứng minh nhân dân, hộ khẩu) và một yêu cầu bắt buộc nữa là phải cung cấp thông tin liên lạc của người thân, bạn bè để bên cho vay có thể liên lạc khi đòi nợ.

Nếu người vay quên hoặc cố tình không thanh toán tiền vay thì người thân, bạn bè của người vay sẽ bị “khủng bố” bằng điện thoại, tin nhắn với giọng điệu từ nhỏ nhẹ đề nghị nhắc nhở người vay trả nợ đến đe dọa, chửi bới…, thậm chí còn bị người đòi nợ bêu xấu trên các trang mạng xã hội.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp lý Hội luật gia tỉnh lưu ý, đối với các cuộc gọi, tin nhắn “vô cớ” đòi nợ như vậy, người nhận chỉ cần thông tin ngắn gọn cho người gọi về việc không quen hoặc không có trách nhiệm với khoản nợ này và hỏi rõ đơn vị đòi nợ, nhắc nợ để nắm thông tin (nên ghi âm cuộc gọi, lưu tin nhắn để làm bằng chứng). Tốt nhất là không nên đôi co với những người đòi nợ vì việc này chỉ gây tốn thời gian và không giải quyết được vấn đề.

 “Nếu tiếp tục bị điện thoại, nhắn tin làm phiền hoặc bị các đối tượng đòi nợ bêu xấu, sử dụng hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội thì người bị hại có thể trình báo cơ quan công an, Sở TT-TT để từ đó có sự phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan điều tra làm rõ và xử lý” - luật sư Định nhấn mạnh.

Theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin: hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên mạng xã hội sẽ bị xử lý với mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. Hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt với số tiền từ 10-20 triệu đồng.

Theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP, việc đăng tải thông tin, hình ảnh của người khác lên mạng xã hội khi không có sự đồng ý của chính chủ sẽ bị phạt nặng, với mức phạt có thể tới 20 triệu đồng.

Kim Liễu

Tin xem nhiều