Nhiều năm qua, bến xe Dầu Giây (H.Thống Nhất) thường xảy ra tình trạng trong bến thưa người nhưng bên ngoài bến luôn đông đúc, nhộn nhịp xe dừng đón khách. Các bến "cóc" mọc lên rải rác trên quốc lộ 1 gần bến xe, gây mất an ninh trật tự và an toàn giao thông.
Nhiều năm qua, bến xe Dầu Giây (H.Thống Nhất) thường xảy ra tình trạng trong bến thưa người nhưng bên ngoài bến luôn đông đúc, nhộn nhịp xe dừng đón khách dọc đường. Các bến “cóc” mọc lên rải rác trên quốc lộ 1 gần bến xe gây mất an ninh trật tự và an toàn giao thông cho khu vực này.
Bến xe Dầu Giây (H.Thống Nhất) vắng vẻ, đìu hiu. Ảnh: Thanh Hải |
* Bến “cóc” hoạt động nhộn nhịp
Theo phản ảnh của người dân, trước đây bến xe Dầu Giây nằm gần ngã tư Dầu Giây nhưng sau đó chuyển về vị trí khác cách khu vực cũ khoảng 500m. Từ đó đến nay, hoạt động vận tải khách tại đây khá trầm lắng, lượng xe khách vào bến đón, trả khách giảm hẳn. Không chỉ ngày thường mà vào các ngày nghỉ lễ, Tết hầu như không có xe khách nào hoạt động ở đây (trừ tuyến xe buýt số 15 ra vào đón khách).
Trái ngược với bức tranh đìu hiu trong bến xe là cảnh đông đúc, nhộn nhịp người dân đón xe ở một số bến “cóc” bên ngoài. Trong đó, đoạn từ ngã tư Dầu Giây đến đoạn giáp với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây luôn đông người đứng chờ xe. Người dân dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chiếc xe giường nằm, xe du lịch, xe buýt tấp vào rồi phụ xe nhanh chóng đỡ hành lý và hành khách chỉ việc lên xe.
Ông Hoàng Văn Nhân (ngụ TT.Dầu Giây, H.Thống Nhất) cho biết, kể từ khi tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đi vào khai thác, lợi dụng nhu cầu đi lại của hành khách tăng cao, một số nhà xe đã lập những điểm đón trả khách không đúng quy định. Trong đó, phải kể đến là các nhà xe: Cường Thủy, Kim Mạnh Hùng, Cúc Phương thường xuyên tổ chức đón, trả khách tại đây.
Điều đáng nói, mặc dù địa điểm trên chỉ cách bến xe Dầu Giây khoảng vài chục mét nhưng nhà xe không đăng ký để đón trả khách trong bến mà thường hẹn khách tại một địa điểm gần nút giao quốc lộ 1 với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây để đón. Thời gian hoạt động nhộn nhịp từ 6-17 giờ hằng ngày. Hành khách có nhu cầu đi xe sẽ đến địa điểm trên và được lái xe đón để đi TP.HCM (trên đường cao tốc) hoặc đi TP.Biên Hòa, tỉnh Bình Dương theo quốc lộ 1. Ước tính, mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe đón trả khách ở các bến “cóc” này.
“Hoạt động của điểm đón trả khách trái quy định này đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông bởi tính tự phát của nó. Trong khi bến xe Dầu Giây cách đó không xa thì hoạt động cầm chừng vì rất ít nhà xe đăng ký hoạt động” - ông Nhân nói.
Tương tự, bà Hà Ngọc Quyên (ngụ xã Bàu Hàm 2, H.Thống Nhất) cho biết, không những xe khách dừng, đón trả khách lộn xộn trước bến xe Dầu Giây mà tại khu vực cây xăng ngay ngã tư Dầu Giây nhiều năm qua cũng trở thành bến xe buýt và xe taxi tự phát. Tại khu vực cây xăng, xe buýt số 15 thường xuyên dừng, đậu và trả khách; xe taxi cũng đậu tràn lan ở đây. Xe ô tô, xe máy ra vào liên tục bến xe tự phát ở khu vực cây xăng làm tăng nguy cơ mất an toàn giao thông tại nút giao thông này.
“Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng mạnh tay dẹp những bến xe “cóc” này, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh vận tải. Quan trọng hơn là ngăn ngừa ùn tắc, mất an toàn giao thông khu vực ngã tư Dầu Giây tồn tại suốt nhiều năm qua” - bà Quyên kiến nghị.
* Sẽ xử lý nghiêm vi phạm
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đồng Nai, nhiều hãng xe đón trả khách trước khu vực bến xe Dầu Giây đăng ký xe hợp đồng, tuy nhiên hành trình hoạt động không khác gì một tuyến cố định và liên tục đón khách dọc đường. Điều này khiến một số nhà xe đăng ký hoạt động tại bến không thể cạnh tranh lại. Trong khi đó, người dân ngại mua vé tại bến mà thường có thói quen đón xe ở ngoài. Từ đó, xe khách hoạt động “trá hình” mới có “đất sống”.
Xe khách đón trả khách trước khu vực bến “cóc” gần nút giao đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: Thanh Hải |
Giám đốc bến xe Đồng Nai Tống Thanh Hải (đơn vị quản lý bến xe Dầu giây) thừa nhận về tình trạng hoạt động đìu hiu suốt nhiều năm qua của bến xe Dầu Giây do không thể “cạnh tranh” nổi với các xe “dù”, bến “cóc” bên ngoài. Dù thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng của bến xe Dầu Giây, nhưng đến nay bến xe này vẫn tiếp tục hoạt động không hiệu quả.
Phó chánh thanh tra giao thông (Sở GT-VT) Trần Tiến Dũng khẳng định, từ lâu đã có quy định cấm nhà xe tổ chức đưa đón trả khách không nằm trong các bến xe đã được Nhà nước đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp, nhà xe vẫn “lách luật” cố tình hoạt động. Riêng tình trạng xe buýt, xe taxi dừng, đậu xe tại khu vực cây xăng gần ngã tư Dầu Giây, việc xử lý của lực lượng chức năng cũng gặp khó khăn bởi tại đây không có biển cấm đậu.
Từ thông tin của Báo Đồng Nai, lực lượng Thanh tra giao thông sẽ tiến hành kiểm tra và xử lý nghiêm nếu đúng có bến “cóc” của các nhà xe đang tổ chức kinh doanh tại khu vực này. Đồng thời, thời gian tới sẽ phối hợp với lực lượng liên ngành gồm: cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông Cục Quản lý đường bộ 4 tổ chức tuần tra, xử lý nghiêm các vi phạm phương tiện dừng, đón trả khách không đúng nơi quy định. Trong đó, sẽ tổ chức lực lượng cắm chốt kiểm tra, kiên quyết không để một số nhà xe lập bến đón, trả khách tại khu vực này.
Theo Thanh tra giao thông (Sở GTVT), trong năm 2020 đến nay, lực lượng chức năng đã xử lý 53 trường hợp vi phạm về lỗi dừng, đón trả khách không đúng nơi quy định tại khu vực ngã tư Dầu Giây gây mất an toàn giao thông. |
Thanh Hải