Báo Đồng Nai điện tử
En

Mạnh tay 'dẹp' karaoke... di động

09:03, 08/03/2021

Tình trạng hát karaoke bằng loa di động, micro tích hợp loa... gây ồn ào trong khu dân cư đang là vấn nạn chung của nhiều đô thị lớn của cả nước, trong đó có TP.Biên Hòa.

Tình trạng hát karaoke bằng loa di động, micro tích hợp loa... gây ồn ào trong khu dân cư đang là vấn nạn chung của nhiều đô thị lớn của cả nước, trong đó có TP.Biên Hòa.

Một nhóm hát karaoke với loa thùng tại quán nhậu ven đường vành đai Sân vận động tỉnh (thuộc P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa)  Ảnh: Đ.Tùng
Một nhóm hát karaoke với loa thùng tại quán nhậu ven đường vành đai Sân vận động tỉnh (thuộc P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa). Ảnh: Đ.Tùng

* Lại khổ vì... tiếng ồn

Những ngày qua, Báo Đồng Nai tiếp tục nhận được phản ảnh của nhiều bạn đọc ở TP.Biên Hòa về tình trạng thường xuyên bị “tra tấn” bởi tiếng ồn vào những thời điểm cần nghỉ ngơi, yên tĩnh. Cụ thể là ở các khu dân cư ven tuyến đường vành đai Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục - thể thao tỉnh (còn gọi là Sân vận động tỉnh, thuộc P.Tân Hiệp), đường Trương Định (thuộc P.Tân Mai)... Tại 2 tuyến đường này tập trung nhiều quán nhậu có sử dụng dàn karaoke loa thùng để phục vụ khách tại quán.

Một số người dân ở KP.3, P.Tân Hiệp phản ảnh, các “chương trình” hát karaoke tại các quán nhậu ở khu vực Sân vận động tỉnh thường bắt đầu từ 18-22 giờ, có khi đến tận khuya, ảnh hưởng đến việc học tập, nghỉ ngơi của của người dân. Thời tiết nắng nóng như hiện nay, lại nghe tiếng hát karaoke ồn ào nên nhiều người cảm thấy phiền phức, khó chịu. Rất mong cơ quan chức năng sớm có biện pháp xử lý, trả lại không gian chung yên tĩnh cho người dân.

Không chỉ tại 2 tuyến đường nêu trên, tại TP.Biên Hòa, phong trào hát karaoke “di động” đã nổi lên khoảng 5 năm trở lại đây, bắt đầu với micro tích hợp loa và hiện nay là loa thùng kéo di động. Do các thiết bị có công suất lớn, không phụ thuộc nguồn điện cố định, giá thành rẻ, kết nối tốt với các thiết bị di động khác... nên loại hình giải trí này nhanh chóng lan rộng. Thậm chí không chỉ tại các hàng quán mà ngay cả những gia đình “có máu văn nghệ” cũng tự mua các dàn loa kéo, micro tích hợp loa để hát tại nhà. Chính vì không đảm bảo điều kiện cách âm và chọn giờ hát vào thời điểm nghỉ ngơi, học tập của gia đình hàng xóm nên đã gây ảnh hưởng, phiền phức đến người khác.

Chị Nguyễn Thanh Thảo (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho biết, khi bị phản ảnh, nhiều gia đình cười trừ rồi cho rằng, lâu lâu họ mới hát, mong các hộ xung quanh thông cảm. Khi tình trạng kéo dài đến mức người dân phải báo lên chính quyền địa phương nhưng cũng không giải quyết dứt điểm vì những hộ bị nhắc nhở chỉ xin lỗi qua loa rồi vài ngày sau lại tiếp tục. Trong khi tình làng nghĩa xóm ít nhiều bị “sứt mẻ”. Do đó, không ít trường hợp đành “sống chung với lũ”.

* Cần giải pháp mạnh hơn

Hiện nay, các quy định hiện hành về việc hạn chế tiếng ồn đã có như: tại Điểm a, Khoản 1, Điều 6, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, nêu rõ, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100-300 ngàn đồng đối với hành vi gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND một số phường, xã ở TP.Biên Hòa, hiện tại các địa phương không có thiết bị đo tiếng ồn để có cơ sở xử phạt những trường hợp hát karaoke gây ồn. Nếu phát hiện trường hợp vi phạm cũng khó xử phạt, chỉ có thể nhắc nhở tránh làm ảnh hưởng đến các hộ dân lân cận.

Theo lãnh đạo UBND P.Tân Hiệp, để hạn chế việc karaoke di động gây ồn thì các cơ quan cấp trên nên quy định các điều kiện đối với việc hát karaoke tại không gian công cộng. Cụ thể như khu vực nào được tập trung hát karaoke ở các không gian “mở” (ngoài trời, nơi không có tường xung quanh), thời gian được phép hát và phải thông báo trước với trưởng khu phố hoặc tổ trưởng dân phố ở khu vực đó. Đặc biệt, phải có quy định về việc hát karaoke tại các khu dân cư, kể cả hát với dàn “nhạc sống” hay loa kéo, micro tích hợp loa.

Hiện nay nhiều tỉnh, thành trong cả nước đang có các giải pháp mạnh tay xử lý tình trạng hát karaoke gây ồn ào trong các khu dân cư theo hướng tăng cường hơn vai trò kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương, công an phường, xã và các ngành chức năng.

Cụ thể như UBND TP.HCM vừa ký văn bản khẩn gửi các sở, ngành, quận, huyện về việc tăng cường phòng, chống vi phạm tiếng ồn. Theo đó, lãnh đạo thành phố yêu cầu Giám đốc Công an TP.HCM quán triệt, chỉ đạo Công an TP.Thủ Đức và công an các quận, huyện giao trách nhiệm cho Trưởng công an xã, phường trực tiếp chỉ đạo công tác phòng ngừa, phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý hiệu quả các vi phạm về tiếng ồn tại địa bàn quản lý. Đồng thời, chịu trách nhiệm về mâu thuẫn, tranh chấp liên quan ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự mà không kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, giám sát và định kỳ hằng năm báo cáo chuyên đề về công tác này.

Nhiều bạn đọc cho rằng đây là giải pháp rất hay, thể hiện quyết tâm của chính quyền TP.HCM trong xử lý nghiêm các vi phạm tiếng ồn do hát karaoke di động và mong rằng Đồng Nai cũng cần có những giải pháp cụ thể, mạnh mẽ hơn với vấn nạn hát karaoke di động gây ồn ào trong nhiều khu dân cư như hiện nay.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều