Báo Đồng Nai điện tử
En

Giáo viên vất vả minh chứng tiêu chuẩn nghề nghiệp trước khi tập huấn

10:03, 24/03/2021

Mấy ngày qua, nhiều giáo viên "đôn đáo" tìm minh chứng cho mỗi phần khai theo 15 tiêu chí để được truy cập vào hệ thống tập huấn giáo viên cho chương trình giáo dục mới. Trong đó, các tiêu chí liên quan đến bằng cấp, chứng chỉ thì giáo viên chỉ cần chụp ảnh và đưa lên, còn các minh chứng liên quan đến tiêu chuẩn nghề nghiệp rất chung chung, gây khó cho người thực hiện…

Mấy ngày qua, nhiều giáo viên “đôn đáo” tìm minh chứng cho mỗi phần khai theo 15 tiêu chí để được truy cập vào hệ thống tập huấn giáo viên cho chương trình giáo dục mới. Trong đó, các tiêu chí liên quan đến bằng cấp, chứng chỉ thì giáo viên chỉ cần chụp ảnh và đưa lên, còn các minh chứng liên quan đến tiêu chuẩn nghề nghiệp rất chung chung, gây khó cho người thực hiện…

Việc minh chứng trước khi truy cập vào hệ thống tập huấn giáo viên cho chương trình giáo dục mới mất nhiều thời gian của giáo viên. Trong ảnh: Một giáo viên ở TP.Biên Hòa đang hoàn thành phần minh chứng 15 tiêu chí. Ảnh: K.Liễu
Việc minh chứng trước khi truy cập vào hệ thống tập huấn giáo viên cho chương trình giáo dục mới mất nhiều thời gian của giáo viên. Trong ảnh: Một giáo viên ở TP.Biên Hòa đang hoàn thành phần minh chứng 15 tiêu chí. Ảnh: K.Liễu

Thời hạn cuối cùng phải tập huấn xong module 3 (phương pháp kiểm tra đánh giá học sinh chương trình giáo dục mới) đối với giáo viên diện đại trà theo hình thức trực tuyến dự kiến là cuối tháng 3-2021. Thế nhưng, đến nay, nhiều giáo viên còn chưa tiếp cận được tài liệu và truy cập vào hệ thống tập huấn trực tuyến do chưa thực hiện xong việc minh chứng 15 tiêu chí theo quy định.

* “Đôn đáo” tìm minh chứng

Bộ GD-ĐT đang triển khai việc tập huấn trực tuyến cho giáo viên, mỗi giáo viên được cấp một tài khoản riêng và được yêu cầu cập nhật kết quả đánh giá và tải minh chứng chuẩn nghề nghiệp năm học 2019-2020 lên phần mềm trực tuyến.

Khi tập huấn module 1 thì giáo viên được yêu cầu cập nhật rất nhiều thông tin cá nhân lên tài khoản của mình ở phần mềm tập huấn trực tuyến của Bộ. Trong đó, có cập nhật kết quả tự đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên năm học 2019-2020. Sau khi tập huấn xong module 1 và module 2, để mở module 3, giáo viên được yêu cầu bắt buộc phải tập hợp minh chứng cho 15 tiêu chí và tải lên phần mềm.

Mới đây, trả lời một cơ quan truyền thông liên quan đến việc minh chứng 15 tiêu chí để được truy cập vào hệ thống tập huấn giáo viên cho chương trình giáo dục mới, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Xuân Thành khẳng định, không có quy định nào bắt buộc giáo viên phải đạt 15 tiêu chí mới được tập huấn, ngoại trừ yêu cầu hoàn thành module 1, module 2 thì mới được tập huấn tiếp module 3. Việc điền thông tin theo các tiêu chí (cập nhật dữ liệu lên Temis) chỉ là quy định mang tính kỹ thuật,  không nhất thiết giáo viên đều phải ghi “đạt” mà có thể ghi “không đạt” nếu thực tế chưa đạt. Còn nếu đã ghi “đạt” thì hệ thống này sẽ yêu cầu cung cấp minh chứng.

Trong đó, có tiêu chí dành cho giáo viên chủ nhiệm, tiêu chí dành cho giáo viên bộ môn. Mỗi phần khai trong một tiêu chí thì có phần minh chứng (trên phần mềm trực tuyến hướng dẫn: “Minh chứng là các bằng chứng gồm tài liệu, tư liệu, sự vật, hiện tượng, nhân chứng được dẫn ra để xác nhận một cách khách quan mức độ đạt được của tiêu chí”).

Để minh chứng một số tiêu chí, các giáo viên thường chụp các biên bản họp tổ đánh giá - phân loại giáo viên, kế hoạch dạy học, sổ chủ nhiệm, kết quả học tập - rèn luyện của học sinh lớp mình chủ nhiệm, biên bản họp cha mẹ học sinh, kế hoạch dạy học, biên bản họp tổ, bảng điểm học sinh... rồi tải lên phần mềm.

Tuy nhiên, theo một số giáo viên, việc tìm các minh chứng phù hợp nội dung tiêu chí không phải dễ bởi nhiều nội dung tiêu chí mơ hồ. “Tiêu chí: tạo mối quan hệ hợp tác với cha mẹ hoặc người giám hộ, xã hội để thực hiện hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh (tiêu chí 11) các giáo viên chủ nhiệm chỉ cần chụp biên bản họp phụ huynh rồi tải lên, còn giáo viên bộ môn rất khó có minh chứng” -  một giáo viên THCS ở P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa) chia sẻ.

Cô P., giáo viên một trường THCS ở TP.Biên Hòa cho biết, để hoàn thành các tiêu chí: thực hiện trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường (tiêu chí 10); ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ (tiêu chí 15); thực hiện dân chủ trong nhà trường (tiêu chí 9)…, cô P. và các giáo viên khác trong trường phải nhờ bộ phận khối văn phòng nhà trường trích lục các hồ sơ, kế hoạch, tài liệu của nhà trường để sao chụp lại.

“Chúng tôi đang trong thời điểm kiểm tra giữa học kỳ II, chấm bài, ôn tập cho học sinh cuối cấp… nên công việc chất chồng cộng thêm phải lo có “minh chứng” để kịp tập huấn. Thật tình tôi cũng không hiểu bắt chúng tôi minh chứng những nội dung trên để làm gì?” - cô P. nói.

* Có thực sự cần thiết?

Để hỗ trợ cho giáo viên, ban giám hiệu một số trường tại TP.Biên Hòa đã họp và thống nhất lên danh sách các tài liệu minh chứng cho các tiêu chí của Bộ đưa ra. Đồng thời, tổ chức nhiều cuộc họp tổ chuyên môn lập biên bản đánh giá phân loại, chỉ đạo bộ phận văn phòng tích cực hỗ trợ giáo viên trích lục, sao chụp hồ sơ…

Chia sẻ về vấn đề này, lãnh đạo một trường THCS ở TP.Biên Hòa cho rằng, việc yêu cầu giáo viên phải minh chứng 15 tiêu chí mới được học module 3 trong khi có những tiêu chí không có ý nghĩa gì đối với việc tập huấn. Đó là chưa kể tiêu chí: sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc (tiêu chí 14) buộc giáo viên phải minh chứng bằng chứng chỉ ngoại ngữ. Trong khi Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT, Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT, Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức dạy trong các trường tiểu học đến THPT công lập đều đã bỏ tiêu chí chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên.

Theo nhận định của một số giáo viên thì việc tập huấn là nhằm mục đích hướng dẫn hỗ trợ về chuyên môn đối với giáo viên, do vậy việc minh chứng 15 tiêu chí để được truy cập vào hệ thống tập huấn giáo viên cho chương trình giáo dục mới có thực sự cần thiết hay không. Với hàng triệu giáo viên thì số lượng hình ảnh minh chứng sẽ rất nhiều, liệu Bộ GD-ĐT có đủ người để kiểm chứng. Trong khi việc đánh giá về chuyên môn thì tổ chuyên môn và nhà trường đã có đánh giá hằng năm và lưu vào hồ sơ. Kết quả đánh giá, xếp loại giáo viên mỗi trường đều báo cáo lên phòng và Sở GD-ĐT nên việc thẩm định năng lực chuyên môn, tiêu chuẩn nghề nghiệp của từng người là không khó. 

Kim Liễu

Tin xem nhiều