Ngày 1-3, Chính phủ ban hành Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi (có hiệu lực từ ngày 20-4 tới đây). Trong đó có những quy định cụ thể về "đối xử nhân đạo" với vật nuôi (trong lúc nuôi và trước khi giết mổ) cùng mức phạt với các hành vi vi phạm.
Ngày 1-3, Chính phủ ban hành Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi (có hiệu lực từ ngày 20-4 tới đây). Trong đó có những quy định cụ thể về “đối xử nhân đạo” với vật nuôi (trong lúc nuôi và trước khi giết mổ) cùng mức phạt với các hành vi vi phạm.
Từ ngày 20-4-2021, chủ hoặc người quản lý ngược đãi vật nuôi sẽ bị xử phạt lên đến 5 triệu đồng. Trong ảnh: Một nông dân tại xã Hàng Gòn (TP.Long Khánh) chăm sóc đàn bò nuôi tại nhà. Ảnh: Đ.Tùng |
Các quy định này nhằm nâng cao ý thức chăm sóc loài vật đang nuôi dưỡng, kinh doanh của người nuôi, người quản lý vật nuôi.
* Tiến bộ, văn minh
Điều 29 của Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định, người có hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi sẽ bị phạt từ 1-3 triệu đồng; cơ sở giết mổ tập trung sẽ bị phạt 3-5 triệu đồng nếu đánh đập vật nuôi trước khi giết mổ hoặc không có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ. Ngoài ra, việc đưa vật thể lạ, bơm nước hoặc các chất khác vào cơ thể động vật trên cạn trước khi giết mổ cũng bị xử phạt từ 5-50 triệu đồng tùy vào tổng khối lượng động vật vi phạm (dưới 100kg đến trên 1 tấn).
Quy định mới này nhận được sự đồng tình của dư luận. Anh Nguyễn Khắc Luân (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) bày tỏ: “Đây là mức xử phạt có tính răn đe dành cho những người có hành vi ngược đãi động vật. Hiện nay, không ít người xem vật nuôi như người bạn, người thân nên họ rất bức xúc khi thú cưng của mình bị đánh đập tàn nhẫn, thậm chí bị giết chết mà người vi phạm không bị xử lý gì vì thiếu chế tài. Theo tôi đây là một quy định tiến bộ và văn minh”.
Đồng tình với quan điểm này, anh Hoàng Bảo Ngọc (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết: “Khi Quốc hội thông qua Luật Chăn nuôi năm 2018 với 4 điều quy định đối xử nhân đạo với vật nuôi trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ và nghiên cứu khoa học, tôi thấy đã có rất nhiều tiến bộ so với các quy định trước đây. Nhưng phải đến khi Nghị định 14/2021/NĐ-CP được ban hành, tôi mới thấy có chế tài cụ thể buộc người nuôi, người quản lý phải có trách nhiệm với vật nuôi hơn nữa”.
* Cần hướng dẫn chi tiết hơn
Theo Điều 37 Nghị định 14/2021/NĐ-CP, với mức phạt từ 1-3 triệu đồng (hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi) và từ 3-5 triệu đồng (nếu đánh đập vật nuôi trước khi giết mổ hoặc không có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ) thì thẩm quyền xử phạt sẽ thuộc về chủ tịch UBND cấp xã. Tuy nhiên, trong Nghị định 14/2021/NĐ-CP lại không đề cập đến vấn đề tố giác hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức vi phạm.
Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi có 4 chương, 48 điều. Nghị định này bãi bỏ các quy định về thức ăn chăn nuôi, giống vật nuôi trong Nghị định 64/2018/NĐ-CP ngày 7-5-2018 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản; Điểm b, Khoản 7, Điều 20, Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31-7-2017 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y. |
Một luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh nhận định, với các hành vi vi phạm mà chủ thể bị tác động là con người thì việc tố cáo còn gặp nhiều khó khăn vì bằng chứng không đủ thuyết phục. Còn ở đây, chủ thể bị tác động lại là động vật nên chắc chắn không đi tố cáo được; do đó, việc tố cáo hành vi ngược đãi động vật chỉ có thể từ một người khác (có thể là chủ, người quản lý vật nuôi hay người chứng kiến vụ việc). Nhưng để tố giác hành vi vi phạm trên cần phải có hình ảnh, clip để chứng minh hay bằng chứng gì khác thì chưa thấy văn bản nào đề cập.
Bàn về nội dung này, anh Nguyễn Hữu Tài (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho rằng: “Nếu hình ảnh, clip (trong trường hợp được chấp nhận) quay từ xa, thấy rõ hành vi mà không rõ khuôn mặt thì làm sao để xác định được người đó thật sự hành hạ vật nuôi. Thậm chí, người tố cáo còn có nguy cơ bị kiện ngược lại nếu không chứng minh được người bị tố đã vi phạm. Nếu không có hướng dẫn cụ thể sẽ rất khó xử phạt đối với hành vi ngược đãi vật nuôi”.
Đại diện một số UBND phường ở TP.Biên Hòa cho rằng, Nghị định 14/2021/NĐ-CP có quy định rõ thẩm quyền xử phạt hành chính đối với các trường hợp ngược đãi vật nuôi. Cụ thể như UBND cấp xã có quyền phạt tiền đến 5 triệu đồng đối với lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi và điều kiện chăn nuôi. Tuy nhiên, để quy định này khả thi cần có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn nữa về các hành vi vi phạm để làm căn cứ xử phạt.
Lãnh đạo UBND P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) cho rằng, các quy định về đối xử nhân đạo với vật nuôi trong Nghị định 14/2021/NĐ-CP là khá mới, cần có thông tư hướng dẫn và tập huấn cho cán bộ chuyên môn. Như việc làm sao xác định được con vật đã bị đánh đập trước khi giết mổ hoặc thế nào là hành hạ tàn nhẫn vật nuôi. Ngoài ra, nên có thêm quy định về đăng ký vật nuôi (nhất là chó, mèo), đồng thời chủ nuôi phải viết cam kết đảm bảo chăm sóc, tiêm ngừa để có trách nhiệm với vật nuôi.
Đăng Tùng