Báo Đồng Nai điện tử
En

Cảnh giác với những đề nghị 'thuê sim'

10:03, 19/03/2021

Việc thuê sim điện thoại (thuê bao viễn thông) để gửi tin nhắn quảng cáo đã diễn ra từ lâu, nhưng vài tháng nay thị trường thuê sim tiếp tục "sôi động" với mục đích khác là mượn pháp nhân vay vốn tín chấp.

Việc thuê sim điện thoại (thuê bao viễn thông) để gửi tin nhắn quảng cáo đã diễn ra từ lâu, nhưng vài tháng nay thị trường thuê sim tiếp tục “sôi động” với mục đích khác là mượn pháp nhân vay vốn tín chấp. Các sim đang được nhiều người “săn” thuê với mức giá có thể lên đến vài triệu đồng/lần là những thuê bao nhận được tin nhắn mời vay tiền tín chấp từ các công ty tài chính.

Nhiều lời mời chào được thuê lại các sim đang sử dụng có tin nhắn mời vay tiền từ các công ty tài chính. Tuy nhiên, người cho thuê có thể gặp phải nhiều rắc rối pháp lý.
Nhiều lời mời chào được thuê lại các sim đang sử dụng có tin nhắn mời vay tiền từ các công ty tài chính. Tuy nhiên, người cho thuê có thể gặp phải nhiều rắc rối pháp lý.

Tuy mức tiền nhận về khi cho thuê sim khá cao nhưng giao dịch này lại dẫn đến những rắc rối pháp lý mà người cho thuê có thể gặp về sau.

* Nhiều đề nghị thuê sim hấp dẫn

“Mua hoặc thuê sim nhận được tin nhắn hỗ trợ vay vốn với giá 2,5-3 triệu đồng/sim”,  “Chỉ cần nhận được tin nhắn hỗ trợ vay vốn từ... là bạn đã có cơ hội cho thuê sim và nhận 2 triệu đồng”... là những đề nghị thuê sim hấp dẫn xuất hiện nhan nhản trên các nhóm mạng xã hội. Điều kiện để cho thuê sim là chủ thuê bao phải nhận được tin nhắn mời vay tín chấp (với mức vay 10 triệu đồng trở lên) từ các công ty tín dụng.

Theo một người rao thông tin cần thuê sim, nếu đồng ý cho thuê sim thì chủ sim chỉ cần liên lạc với bên công ty tài chính và đặt nhu cầu vay. Sau đó, công ty tài chính sẽ soạn thảo hợp đồng điện tử, chủ sim sẽ cung cấp số tài khoản bên thuê sim. Sau một vài thủ tục khác, bên thuê sim nhận được tiền vay thì chủ sim cũng nhận được tiền cho thuê sim.

Anh C.C.N. (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) nhận định: “Không chỉ xuất hiện trên mạng xã hội mà nhiều người trong công ty cũng đặt vấn đề với tôi để họ thuê sim vay tiền. Với mức giá chỉ 2-3 triệu đồng/lần thuê sim là khá hấp dẫn. Tuy nhiên, do hoạt động này mới quá, tôi cũng không rõ có thể phát sinh thêm vấn đề gì không nên còn đang ngần ngại”.

Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Đồng Nai, việc mua/thuê sim điện thoại xuất phát từ nhu cầu của nhiều người cần vay từ 10-50 triệu đồng trong thời gian dài (1-2 năm), trả góp hằng tháng nhưng không muốn thế chấp hoặc thủ tục phiền hà. Do đó, những người này thông qua trung gian tìm cách liên hệ với những người được mời vay tín chấp (chủ các thuê bao đã từng vay tiêu dùng, mua hàng trả góp nên ưu đãi vay tiếp) mượn pháp nhân để vay tiền. Bên cạnh đó, do hiện nay các hợp đồng đều được làm trực tuyến, còn thông tin chủ thuê bao thì công ty tài chính đã lưu sẵn nên chỉ cần 1-2 ngày là tiền vay được chuyển khoản ngay. Do đó, nhiều người cần một số tiền gấp đã chọn cách cho thuê sim đầy “may rủi” này.

* Nguy cơ gặp nhiều rắc rối

Chính vì cho mượn pháp nhân để người khác vay tiền nên chủ thuê bao không kiểm soát được việc người vay có trả tiền vay và lãi đúng hạn hay không và bản thân họ phải chịu những cuộc điện thoại nhắc nợ hằng tháng. Nhiều vụ việc đã vượt quá tầm kiểm soát như: người thuê sim để vay tiền rồi bỏ trốn, không trả nợ, từ đó bên cho vay liên tục gọi điện nhắc nhở người cho thuê sim. Thậm chí có những cuộc điện thoại, tin nhắn lạ đe dọa chủ sim hoặc liên lạc với người nhà, người thân, nơi làm việc của chủ sim để làm ầm ĩ, bôi nhọ danh dự chủ sim để đòi nợ.

Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) phân tích, theo quy định của pháp luật, việc thuê và cho thuê thuê bao viễn thông được diễn ra giữa 2 doanh nghiệp, còn cá nhân không được tự ý thuê và cho thuê. Đồng thời, việc cho thuê sim ngoài rủi ro về việc bị đòi nợ, chủ sim cũng khó khiếu kiện vì chữ ký điện tử, pháp nhân đứng tên trong hợp đồng là của chính họ. Trừ khi chủ sim có bằng chứng để chứng minh họ bị lừa hay không phải là người đứng tên vay hoặc thông tin bị giả mạo, đánh cắp.

Thời gian qua, trên địa bàn TP.Biên Hòa cũng có một số trường hợp bị các công ty tài chính liên tục đòi tiền dù bản thân họ chưa bao giờ vay. Như trường hợp anh H.T.T.  (ngụ P.Bửu Hòa) bị một công ty tài chính đòi khoản nợ 10 triệu đồng vì “vay vốn tiêu dùng” từ giữa năm 2020. Qua làm việc với phía công ty tài chính đang đòi nợ, anh T. được biết đã có người dùng số điện thoại, thông tin cá nhân của anh ký hợp đồng vay tiền. Hiện anh T. đang làm việc với công ty tài chính để giải quyết vụ việc.

Hiện nay, việc thuê và cho thuê sim được quy định tại Điều 25, Thông tư 25/2015/TT-BTTTT của Bộ TT-TT ban hành ngày 9-9-2015 quy định về quản lý và sử dụng kho số viễn thông. Trong đó, tại Khoản 1 đã nêu rõ: “Doanh nghiệp viễn thông bán dịch vụ viễn thông cho một doanh nghiệp viễn thông khác thì được cho doanh nghiệp đó thuê lại số thuê bao viễn thông mà mình được phân bổ. Doanh nghiệp viễn thông mua dịch vụ viễn thông của một doanh nghiệp viễn thông khác để bán lại thì được cấp số thuê bao viễn thông mà mình thuê cho thuê bao viễn thông. Không được thuê, cho thuê số thuê bao viễn thông không gắn với việc bán lại dịch vụ viễn thông”.

Đông Hồ

 

Tin xem nhiều