Qua đường dây nóng của Báo Đồng Nai, một số phụ huynh đã bày tỏ lo lắng về chất lượng bữa ăn của học sinh tại một số trường bán trú và ở nhà một số giáo viên tiểu học trên địa bàn TP.Biên Hòa.
Qua đường dây nóng của Báo Đồng Nai, một số phụ huynh đã bày tỏ lo lắng về chất lượng bữa ăn của học sinh tại một số trường bán trú và ở nhà một số giáo viên tiểu học trên địa bàn TP.Biên Hòa.
Học sinh một trường tiểu học ở TP.Biên Hòa bị ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn trưa tại nhà cô giáo vào tháng 2-2019. Ảnh: CTV |
Không ít phụ huynh cho rằng, bữa ăn trưa của con em họ không chỉ kém về chất mà còn ít cả lượng, trong khi tiền ăn nộp cho trường, cho giáo viên không hề thấp.
* Chất lượng bữa ăn do nhà trường và giáo viên quyết định
Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, nhiều phụ huynh có con đang theo học bán trú tại Trường TH-THCS Nguyễn Khuyến (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) tỏ ra chưa hài lòng với chất lượng bữa ăn trưa của con em họ tại trường.
Một phụ huynh có con học lớp 4 tại trường này cho biết: “Khi chúng tôi trực tiếp kiểm tra bữa ăn của các con thì thấy các con ngồi ăn ở ngoài sân, dù có mái che nhưng rất nắng nóng, lại không có quạt. Mỗi suất ăn có 1 chén cơm, lưng chén canh và lèo tèo vài miếng chả cá sốt cà... Trong khi phụ huynh đóng tới 650 ngàn đồng/tháng tiền ăn và chỉ ăn 22 bữa/tháng, bình quân một suất ăn của các con gần 30 ngàn đồng nhưng chất lượng suất ăn như vậy là không đảm bảo...”.
Vài phụ huynh khác có con học bậc THCS tại trường này cũng cho rằng, càng lớn, sức ăn của các cháu càng tăng, nhưng ở trường tất cả học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 đều ăn chung một khẩu phần ăn như nhau. Do đó, với học sinh bậc THCS, bữa ăn trưa như vậy là ít, nhất là học sinh nam. Vì vậy, nhiều học sinh phải mang theo thức ăn hoặc đồ ăn vặt để ăn thêm.
Không chỉ phụ huynh Trường TH-THCS Nguyễn Khuyến lo lắng cho bữa ăn con em mình tại trường mà phụ huynh nhiều trường tiểu học ở TP.Biên Hòa có chung nỗi lo này. Hiện nay, nhiều trường tiểu học ở TP.Biên Hòa dạy một buổi nên học sinh ăn trưa tại nhà giáo viên là chủ yếu. Có trường, tới 90% học sinh về ăn trưa tại nhà cô. Vì vậy, chất lượng bữa ăn cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại các điểm giữ học sinh này đang được nhiều phụ huynh quan tâm.
Một phụ huynh có con học tại một trường tiểu học ở TP.Biên Hòa cho hay, phụ huynh phải đóng 1,2 triệu đồng/tháng để gửi con ở nhà cô giáo, trong đó có khoảng 700 ngàn đồng tiền ăn và học sinh chỉ ăn từ 16-18 bữa/tháng, bình quân 1 suất ăn của các cháu phải hơn 40 ngàn đồng, nhưng con chị cũng chỉ được ăn no thôi chứ chưa ngon.
Một số phụ huynh ở các trường tiểu học khác trên địa bàn TP.Biên Hòa cũng có chung tâm trạng nói trên. Nhiều ý kiến phản ảnh, đa phần bữa ăn trưa của các cháu là thức ăn nhanh như: trứng, xúc xích, đậu hũ, giò lụa, chà bông... Những loại thực phẩm này ăn nhiều lần trong tuần cũng không tốt cho sức khỏe của học sinh, vì một số loại thực phẩm nếu không có nguồn gốc rõ ràng thì nguy cơ mất ATVSTP rất cao. Tuy nhiên, rất ít phụ huynh dám phản ảnh vấn đề này với giáo viên vì lo ngại con em mình bị... “chú ý”.
Do phải đi làm cả ngày, nhiều phụ huynh không có thời gian đưa đón con nên cho con ăn trưa tại trường bán trú hoặc tại nhà giáo viên thực sự là một nhu cầu cấp thiết, nhất là học sinh tiểu học. Thế nhưng, chất lượng bữa ăn cũng như vấn đề ATVSTP bữa ăn cho học sinh vẫn đang khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Thực tế trong thời gian qua, trên địa bàn TP.Biên Hòa từng xảy ra vụ học sinh phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn trưa tại nhà cô. Chẳng hạn vụ 21 học sinh lớp 2 Trường tiểu học Long Bình Tân (P.Long Bình Tân) phải nhập viện vì có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm với chà bông tại nhà cô giáo vào tháng 2-2019.
* Chưa có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên
Liên quan đến chất lượng bữa ăn trưa tại Trường TH-THCS Nguyễn Khuyến, TS Phan Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị nhà trường cho biết, hiện trường chỉ thu một mức tiền ăn, tổ chức một suất ăn như nhau để tránh tình trạng phân biệt con nhà giàu, nhà nghèo. Với mức thu này, các cháu có một suất ăn đủ cả về chất lẫn lượng.
Theo giải thích của ông Sơn, 650 ngàn đồng/tháng, ăn 22 bữa, tương đương khoảng 30 ngàn đồng/suất ăn, nhưng thực chất suất ăn chỉ chiếm 50% (15 ngàn đồng), 50% còn lại trường phải chi cho thuê 6 người phục vụ cũng như điện, nước, gas... 15 ngàn đồng này nếu mua loại thực phẩm bình thường thì các em sẽ ăn được nhiều hơn, nhưng hàng rẻ sẽ không bảo đảm ATVSTP. Do trường chọn mua thực phẩm sạch, an toàn nên giá cũng cao. Do đó về “lượng” bữa ăn có thể ít, nhưng về “chất” thì bảo đảm ATVSTP. 20 năm nay, trường chưa bao giờ xảy ra bất kỳ vấn đề nào liên quan đến thực phẩm.
Ông Sơn cho biết thêm: “Tôi từng nghe phản ảnh của phụ huynh và đã khảo sát ý kiến phụ huynh về tăng tiền suất ăn cho các cháu, nhưng phụ huynh không đồng ý đóng thêm. Tôi cũng trao đổi, phụ huynh nào không hài lòng bữa ăn ở trường thì trưa có thể đón con về nhà ăn, chứ trường không thể nâng bữa ăn cho các cháu cao hơn được nữa. Sau học kỳ I năm học 2020-2021, trường sẽ tổ chức họp phụ huynh để hai bên đi đến thống nhất trên quan điểm có lợi nhất cho học sinh”.
Riêng về chất lượng bữa ăn trưa cho học sinh bậc tiểu học tại nhà giáo viên trên địa bàn TP.Biên Hòa, ông Võ Văn Minh, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa cho biết, để bảo đảm an toàn cho học sinh trong việc đi lại, ăn uống tại các trường bán trú cũng như các điểm giữ trẻ ở nhà giáo viên, Phòng GD-ĐT thành phố đã yêu cầu các trường bán trú và các điểm giữ trẻ phải cam kết thực hiện đúng theo quy định của Sở GD-ĐT trong việc hợp đồng dịch vụ xe đưa đón an toàn, bữa ăn phải đạt chất lượng và ATVSTP.
Năm 2020, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thời gian học sinh nghỉ học nhiều nên Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa không tổ chức đi kiểm tra, nhưng những năm trước, phòng kết hợp với Phòng Y tế TP.Biên Hòa tổ chức kiểm tra theo chuyên đề bữa ăn trưa của học sinh ở các trường bán trú và tại nhà giáo viên. Qua kiểm tra cho thấy, phần lớn các điểm đều thực hiện nghiêm túc, tuy nhiên vẫn còn một vài điểm chưa thực sự quan tâm đến chất lượng bữa ăn của học sinh. Đoàn đã chấn chỉnh ngay và buộc các cơ sở này làm cam kết, khắc phục, nếu không sẽ cho dừng hoạt động giữ học sinh tại nhà.
Từ đầu năm học 2020-2021 đến nay, Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa chưa nhận được phản ảnh nào của phụ huynh về vấn đề bữa ăn của học sinh. Nếu có phản ảnh, Phòng sẽ tổ chức kiểm tra và chấn chỉnh kịp thời nếu điểm giữ trẻ đó thiếu trách nhiệm đối với chất lượng bữa ăn và sự an toàn của học sinh.
Theo lãnh đạo của một trường tiểu học trên địa bàn TP.Biên Hòa, hiện trường có 5 khối với 48 lớp thì đã có 47 lớp học sinh về nhà giáo viên ăn trưa. Ngay từ đầu năm, giáo viên các lớp đều phải có đơn xin giữ học sinh tại nhà. Trên cơ sở đó, trường lên kế hoạch nộp về Phòng GD-ĐT thành phố, đồng thời triển khai chỉ đạo của phòng yêu cầu giáo viên thực hiện đúng các quy định về an toàn đi lại, ăn uống. Thực tế, nhiều năm qua, trường đã tổ chức kiểm tra cơ sở vật chất, chất lượng xe đưa đón học sinh, bữa ăn của học sinh... nhưng rất khó có thể quản lý được chất lượng bữa ăn của tất cả các lớp. Do đó, nhà trường chủ yếu nhắc nhở giáo viên chấp hành các quy định về ATVSTP, đảm bảo chất lượng bữa ăn cho học sinh, hạn chế ăn các loại thức ăn nhanh...
Ông Trần Hùng, Phó trưởng phòng Y tế TP.Biên Hòa cho biết, hiện nay, những quy định về chất lượng, ATVSTP bữa ăn tại các bếp ăn trong trường học đã được... cởi mở. Cụ thể, Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm cũng đã bãi bỏ quy định bếp ăn tập thể trong các trường học phải có giấy phép đủ điều kiện ATVSTP, chỉ cần trường cam kết thực hiện các quy định về ATVSTP là được. Chỉ những trường thuê dịch vụ cung cấp suất ăn đưa vào phục vụ, thì buộc đơn vị cung cấp suất ăn đó phải có giấy phép đủ điều kiện ATVSTP. Với chức năng quản lý nhà nước về y tế của TP.Biên Hòa, Phòng Y tế sẽ phối hợp, tổ chức kiểm tra nếu có yêu cầu từ Phòng GD-ĐT. Nhưng lâu nay cũng chưa được... gọi đến. |
Phương Liễu