Ngày 6-11, tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, vào năm 2021, Bộ sẽ nghiên cứu, ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, yêu cầu định danh người dùng mạng xã hội (MXH).
Ngày 6-11, tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, vào năm 2021, Bộ sẽ nghiên cứu, ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, yêu cầu định danh người dùng mạng xã hội (MXH). Đây là giải pháp căn cơ, để người sử dụng không còn nghĩ rằng lên MXH là vô danh để rồi vô trách nhiệm.
Giới trẻ có thể dễ dàng tiếp cận các clip có nội dung độc hại trên mạng xã hội. Trong ảnh: Một clip có cảnh đánh nhau, hành hung người khác của Khá Bảnh. được các kênh YouTube khác đăng tải lại. Ảnh: Đăng Tùng |
Phát biểu này đã nhận được nhiều sự đồng tình của đông đảo người dân, nhất là khi từ đầu năm 2020 đến nay, đã có nhiều trường hợp tung tin giả về dịch Covid-19, về tình hình thiên tai hay thực hiện clip bạo lực, nhảm nhí... bị xử phạt nghiêm.
* Gỡ bỏ nhiều nội dung độc hại trên MXH
Theo thông tin từ Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an, trong hơn 2 năm qua, lực lượng chức năng đã yêu cầu Google gỡ bỏ, vô hiệu hóa hơn 6,3 ngàn clip, 3 kênh YouTube (gồm 2 kênh của Khá “Bảnh” và 1 kênh của Dũng “Trọc”). Đồng thời, đề nghị Facebook gỡ bỏ gần 550 bài viết, tài khoản cá nhân và các trang có nội dung xấu, độc, mua bán tiền giả, hướng dẫn chế tạo vũ khí, vật liệu nổ, chất gây nghiện...
Tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV ngày 6-11, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, cơ quan chức năng đã xây dựng các trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Mỗi ngày có thể xử lý khoảng 300 triệu tin để phân tích, đánh giá, phân loại; hình thành các đường dây nóng tiếp nhận phản ảnh về tin giả, xấu, độc. Trên cơ sở đó, Bộ đã làm việc với các nhà MXH, đặc biệt là Facebook và YouTube. Từ đầu năm 2020 đến nay, lượng thông tin xấu độc trên Facebook bị gỡ bỏ tăng lên 30 lần so với năm 2017; số clip độc hại trên YouTube bị gỡ bỏ tăng 8 lần so với năm 2017.
Theo Sở TT-TT, khi người dân phát hiện một kênh YouTube (hoặc trang MXH khác) có nội dung xấu được thực hiện tại Đồng Nai, có thể báo cáo vi phạm này lên Thanh tra Sở TT-TT bằng các hình thức: sao, chụp tài liệu hoặc tải video, clip... lưu giữ điện tử gửi về Sở TT-TT, số 1, đường 30-4, P.Thanh Bình (TP.Biên Hòa). |
Ông Nguyễn Văn Hưng (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) rất tâm đắc với phát biểu của Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng về việc đã xử lý và tiếp tục xử lý các thông tin chứa đựng nội dung độc hại trên MXH. Ông cho rằng, việc làm này là cần thiết. Vì hiện nay, ngoài báo chí chính thống, người dân cũng theo dõi tin tức, giải trí trên MXH. Trước tình trạng tin tức giả, clip bạo lực, nhảm nhí tràn lan, sẽ gây hoang mang cho người dân, ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội.
Cùng quan điểm trên, bà Nguyễn Ngọc Kiều (ngụ P.Xuân Bình, TP.Long Khánh) bày tỏ: “Hiện nay, nhiều clip, phim ngắn trên MXH có nội dung thể hiện tinh thần “giang hồ”, sẵn sàng đổ máu để giải quyết mâu thuẫn. Tôi thấy tình trạng này quá nguy hiểm, các clip ấy ai cũng có thể coi được, nên có thể gây tác động tiêu cực, khiến giới trẻ học và làm theo. Tôi cho rằng, cơ quan chức năng phải có công cụ rà soát, gỡ bỏ ngay các clip như thế này”.
Anh Lê Quang Vinh (ngụ TT.Long Thành, H.Long Thành) phân tích thêm: “Dù bài viết, clip độc hại đã bị gỡ bỏ, chủ tài khoản gốc cũng bị xử lý nhưng hiện các bài viết, clip đó vẫn được nhiều trang, kênh MXH khác nhau đăng lại. Vì vậy, nếu chỉ xử lý tài khoản gốc đăng bài, clip thì vẫn chưa trọn vẹn, cần phải xử lý luôn cả những người chia sẻ, đăng tải lại những bài, clip độc, hại, xấu nói trên”.
* Đang dần siết chặt quản lý
Theo Khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, việc đăng tải lên MXH các hình ảnh, clip có nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục dân tộc, tác động xấu đến việc kích thích người xem gây tệ nạn thì mức xử phạt có thể lên đến 20 triệu đồng.
Chánh thanh tra Sở TT-TT Nguyễn Thanh Hương cho biết, hiện nay, các quy định về cơ sở pháp lý để xử lý đã được quy định tương đối cụ thể, rõ ràng hình thức xử lý. Tuy nhiên, việc xác định chủ thể vi phạm trên những nền tảng MXH nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn, do có tính ẩn danh. Do đó, người dùng MXH cần phải biết lựa chọn, tiếp cận những nguồn thông tin chính thống, nội dung lành mạnh. Đặc biệt, không tham gia bình luận, chia sẻ những nội dung độc hại, xấu vì khi thực hiện bình luận hay chia sẻ là đã vô tình góp phần lan truyền nội dung xấu đó trên không gian mạng.
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Lê Quang Y, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh phân tích, thực tế, nhiều người vẫn chưa nắm rõ khái niệm “vi phạm thuần phong mỹ tục” nên dẫn đến việc tiếp tục vi phạm dù đã từng bị phạt. Do đó, để xử phạt được theo Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP, Bộ VH-TTDL cần phải giải thích, hướng dẫn cụ thể về khái niệm này. Từ đó, các cơ quan liên quan sẽ hoàn thiện pháp luật và có cơ sở xử phạt, chứ không áp dụng chung chung dễ gây tranh luận.
Cùng với các quy định pháp luật nêu trên và tới đây việc Bộ TT-TT ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, yêu cầu định danh người dùng MXH sẽ buộc người sử dụng MXH có trách nhiệm hơn với thông tin mình đăng tải, chia sẻ. Đây sẽ là giải pháp căn cơ để xử lý vấn nạn tin giả cũng như thông tin xấu độc tràn lan như hiện nay.
Đăng Tùng