Phản hồi bài viết Giải tỏa ùn tắc giao thông ở TP.Biên Hòa: Cần những giải pháp đồng bộ, kịp thời đăng trên Báo Đồng Nai số ra ngày 21-11, nhiều bạn đọc nhận định bài báo đã đánh giá đúng thực trạng giao thông tại TP.Biên Hòa hiện nay.
Phản hồi bài viết Giải tỏa ùn tắc giao thông ở TP.Biên Hòa: Cần những giải pháp đồng bộ, kịp thời đăng trên Báo Đồng Nai số ra ngày 21-11, nhiều bạn đọc (BĐ) nhận định bài báo đã đánh giá đúng thực trạng giao thông tại TP.Biên Hòa hiện nay. Qua đó, BĐ kiến nghị cơ quan chức năng cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm, trước mắt cần áp dụng các giải pháp phù hợp góp phần giải tỏa ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng ở TP.Biên Hòa…
Giao lộ Bùi Hữu Nghĩa - Nguyễn Tri Phương (P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) thường xuyên ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Ảnh: Đăng Tùng |
Nhiều BĐ đồng tình với nhận định của bài báo về các nguyên nhân gây ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố như: cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng, công tác phân luồng, điều tiết giao thông chưa phù hợp, quy hoạch giao thông chưa đồng bộ, ý thức chấp hành pháp luật giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao…Trên cơ sở đó, nhiều BĐ có ý kiến đề xuất thêm các nhóm giải pháp để khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên.
* BĐ đề xuất nhiều giải pháp
BĐ Trần Văn Lực (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) nhận định, tình trạng ùn tắc giao thông trên nhiều tuyến đường tại TP.Biên Hòa vào các giờ cao điểm hiện nay đang ngày càng gia tăng. Để giải “bài toán” ùn tắc giao thông hiện nay không đơn giản bởi Biên Hòa là địa bàn có lượng dân nhập cư cao. Khi dân số tăng đã gây sức ép lên hạ tầng giao thông. Hiện một số tuyến đường đã trở nên quá nhỏ hẹp, xuống cấp không đủ đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải ngày càng tăng nhanh của người dân, doanh nghiệp.
“Do vậy, công tác quy hoạch hạ tầng giao thông, đô thị cần có tầm nhìn và căn cơ hơn. Khi quy hoạch mở đường, cơ quan chức năng cần tính toán đến tốc độ phát triển và nhu cầu đi lại trong 20-30 năm, tránh tình trạng đường mở rộng chưa bao lâu đã trở nên quá tải, ùn tắc giao thông vẫn lặp lại do sự phát triển và lưu lượng phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng cao” - ông Lực kiến nghị.
BĐ Trần Minh Lâm (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đề xuất, cơ quan chức năng xem xét tổ chức tuyến xe buýt đi vào các khu công nghiệp. Nhất là tại khu vực thường xuyên kẹt xe như các tuyến đường: Nguyễn Ái Quốc, Đồng Khởi, Nguyễn Phúc Chu... Hạn chế tình trạng hàng vạn công nhân đổ ra đường cùng lúc bằng phương tiện cá nhân trong giờ cao điểm gây ùn tắc tại khu vực này. Bên cạnh đó, cần mở rộng các tuyến đường kết nối P.Trảng Dài như đường liên phường Trảng Dài - Tân Hiệp. Không để tăng thêm hoặc dời các trường học ra khỏi khu trung tâm thành phố để tránh tình trạng xe ùn ứ trước cổng trường…
Còn BĐ Nguyễn Đình Sơn (ngụ P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) thì than phiền, đi đường cực nhất là vào giờ cao điểm, nhất là mỗi khi có va quẹt giao thông là đường kẹt cứng hàng giờ liền. Do đó, để giảm tải ùn tắc giao thông, công tác điều tiết, phân luồng, kiểm tra xử lý vi phạm, vận động người tham gia giao thông chấp hành nghiêm quy định về trật tự an toàn giao thông, xử lý lấn chiếm lòng đường, vỉa hè tràn lan gây cản trở giao thông… phải được cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm, nhất là trong điều kiện hạ tầng giao thông còn hạn chế như hiện nay.
* Tăng cường ứng dụng công nghệ, đẩy nhanh triển khai dự án giao thông
Ngoài các giải pháp nêu trên, nhiều BĐ cho rằng, cơ quan chức năng chú trọng hơn đến việc tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ để góp phần giảm ùn tắc giao thông tại TP.Biên Hòa. Cụ thể, lắp đặt thêm camera theo dõi không chỉ ở các ngã ba, ngã tư mà tất cả những nơi thường xuyên, có khả năng xảy ra ùn tắc giao thông. Song song đó, triển khai phần mềm hoặc trang web quản lý giao thông, giúp dự báo lưu lượng xe trên đường để cảnh sát giao thông có thể điều chỉnh hệ thống đèn, giúp phân bố lưu lượng xe tham gia giao thông phù hợp. Đồng thời, người dân cũng có thể tự theo dõi thông tin trên trang web này để tránh đi vào các tuyến đường đang kẹt xe vào giờ cao điểm.
Nhiều đồng tình với quan điểm của bài báo về giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ trên các tuyến đường hiện nay là phải có thêm những tuyến đường chia tải, bởi tại TP.Biên Hòa có một vài tuyến giao thông chính hiện nay quá nhỏ, hẹp so với nhu cầu đi lại của người dân như: Bùi Văn Hòa, Phạm Văn Thuận, Nguyễn Phúc Chu, Đặng Văn Trơn...
Ông Nguyễn Bảo Quốc (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) phấn khởi cho biết, ông rất vui khi biết tin UBND tỉnh sẽ triển khai 3 dự án giao thông có tính chất quan trọng, cấp bách ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh (dự án đường ven sông Cái, dự án Nâng cấp mở rộng tuyến đường Bùi Văn Hòa, dự án Cầu Thống Nhất). Trong đó, có dự án đầu tư Cầu Thống Nhất nối trung tâm TP.Biên Hòa với cù lao Phố (P.Hiệp Hòa). Đây là dự án được người dân trông chờ bởi sẽ góp phần giải tỏa tình trạng kẹt xe trên đường Đặng Văn Trơn và cầu Hiệp Hòa vào trung tâm thành phố. “Mong là 3 dự án giao thông trên được ưu tiên triển khai sớm để việc đi lại của người dân được thuận lợi hơn” - ông Quốc kiến nghị.
Kim Liễu (ghi)