Một trong những quy định mới của Nghị định 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo (Nghị định 137) có hiệu lực thi hành từ ngày 11-1-2021 là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Một số trang mạng xã hội đăng tải nội dung hiểu sai về quy địnhcho phép đốt pháo hoa. |
Một trong những quy định mới của Nghị định 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo (Nghị định 137) có hiệu lực thi hành từ ngày 11-1-2021 là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Tuy nhiên, do có sự thay đổi về định nghĩa pháo hoa trong Nghị định 137 so với Nghị định 36/2009/NĐ-CP ngày 15-4-2009 về quản lý, sử dụng pháo (Nghị định 36) nên những ngày qua, nhiều trang mạng xã hội đã lan truyền thông tin dịp Tết Nguyên đán 2021, người dân được phép đốt pháo hoa. Tuy nhiên, việc này dễ gây hiểm lầm cho không ít người, nhất là những ai chưa tìm hiểu kỹ Nghị định 137.
* Lan tràn thông tin dễ gây hiểu lầm
Sáng 28-11, thông tin: “Từ ngày 11-1-2021 chính thức cho phép bắn pháo trong ngày cưới, sinh nhật, hội nghị, khai trương” được đăng tải trên nhiều trang mạng xã hội và có tốc độ lan truyền rất nhanh, nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Điều này đã khiến không ít người ngộ nhận khi cho rằng, pháo hoa đã được sử dụng rộng rãi trong các dịp nói trên.
Ông Trần Minh Tư (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) bày tỏ lo lắng: “Dịp lễ, tết nào cũng có nhiều người bắn pháo hoa lén trong các khu dân cư, khiến chúng tôi rất lo ngại về việc bị bỏng, cháy nổ. Khi mới đọc lướt thông tin về việc người dân được bắn pháo hoa vào dịp lễ, tết khiến tôi bất ngờ quá, không lẽ các cơ quan chức năng không nhận ra nguy hiểm về loại pháo này hay sao mà còn cho sử dụng”.
Ngày 29-11, đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết, người dân chỉ được mua pháo hoa (không gây ra tiếng nổ) của các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, không bán tràn lan (theo Điều 14, Nghị định 137 thì các tổ chức, doanh nghiệp này phải thuộc Bộ Quốc phòng). Sắp tới, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội sẽ xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về việc mua bán, sử dụng pháo hoa theo Nghị định 137 để người dân hiểu rõ, chấp hành đúng quy định pháp luật. |
Dù sau đó, một số trang mạng xã hội điều chỉnh sửa thông tin cho phù hợp nhưng thông tin không đầy đủ vẫn tiếp tục gây hiểu lầm cho nhiều người. Trên mạng xã hội, một số người còn rủ nhau mua pháo hoa về đốt sau ngày 11-1-2021. Nguy hiểm hơn, một số khác cũng chia sẻ thông tin đã ấp ủ dự định tích trữ pháo hoa để dành bán vào dịp Tết. Thậm chí, đã có một số nhóm kín trên mạng xã hội được thành lập trong vài tuần qua (khi Nghị định 137 vẫn còn là dự thảo được góp ý) để mua bán lén các loại pháo hoa.
* Cần phân biệt “pháo hoa” và “pháo hoa nổ”
Theo lý giải của một số luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh, sự hiểu lầm về việc người dân được phép sử dụng pháo hoa vào các dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới... là do định nghĩa “pháo hoa” tại Nghị định 137 khác với Nghị định 36; đồng thời khác với cách nghĩ thông thường của người dân.
Cụ thể, tại Nghị định 36, pháo hoa được định nghĩa là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi có các tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện sẽ gây phản ứng hóa học tạo hiệu ứng ánh sáng có màu sắc, gây tiếng nổ hoặc không gây tiếng nổ. Đây chính là cách hiểu chung của người dân bấy lâu nay về pháo hoa. Trong khi đó, tại Nghị định 137 vừa ban hành, pháo hoa được định nghĩa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
Một số trang mạng xã hội đăng tải nội dung hiểu sai về quy địnhcho phép đốt pháo hoa. Ảnh: Chụp màn hình |
Luật sư Lê Quang Y, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh phân tích, Nghị định 137 tách hẳn khái niệm pháo hoa và pháo hoa nổ để chỉ cho phép người dân sử dụng pháo hoa. Nghị định này xác định rõ, pháo hoa nổ là một dạng pháo nổ vì khi sử dụng nó phát ra tiếng nổ và rít, còn pháo hoa thông thường thì không. Pháo hoa thông thường chỉ phát ra ánh sáng, màu sắc nhưng không có tiếng nổ, thường được đốt trong các đám cưới tại những nhà hàng hiện nay.
Bắn pháo hoa trong đêm giao thừa tại TP.Biên Hòa (ảnh: minh họa) |
Bên cạnh đó, luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) chỉ rõ, tại Điều 17, Nghị định 137 nêu rõ: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật” và “Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa”. Chính vì chỉ chú ý đến điều khoản này mà không chú ý đến định nghĩa các loại pháo hoa, pháo hoa nổ trong Nghị định 137 mà nhiều trang mạng xã hội đã đưa thông tin chưa đầy đủ.
Minh Thành