Một số sự cố cháy, nổ xe đạp điện và xe máy điện khi đang lưu thông trên đường hoặc đang sạc pin xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước trong thời gian qua khiến không ít người lo lắng về nguy cơ chập điện, cháy, nổ từ các loại phương tiện này. Nhất là hiện nay, phần lớn người sử dụng xe đạp điện, xe máy điện là học sinh.
Một số sự cố cháy, nổ xe đạp điện và xe máy điện khi đang lưu thông trên đường hoặc đang sạc pin xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước trong thời gian qua khiến không ít người lo lắng về nguy cơ chập điện, cháy, nổ từ các loại phương tiện này. Nhất là hiện nay, phần lớn người sử dụng xe đạp điện, xe máy điện là học sinh.
Xe đạp điện được nhiều học sinh sử dụng vì dễ vận hành, tuy nhiên cũng cần lưu ý đến an toàn khi sạc, bảo quản bình ắc quy. Trong ảnh: Học sinh của một trường THCS ở TP.Biên Hòa đi học bằng xe đạp điện. Ảnh: Minh Thành |
* Tiềm ẩn nhiều nguy cơ chập điện
Gần nhất vào rạng sáng 25-9, tại TP.Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) một xe đạp điện đang được sạc pin thì bất ngờ bốc cháy dữ dội, làm cháy lan sang xe ô tô 5 chỗ đậu trong nhà. Rất may, vụ cháy đã được nhanh chóng dập tắt, không có thiệt hại về người nhưng đã thiêu rụi xe ô tô và xe đạp điện nói trên. Nguyên nhân vụ việc là do xe đạp điện bị chập cháy trong quá trình sạc pin từ bình ắc quy.
Ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai tại một số cửa hàng bán xe đạp điện, xe máy điện trên đường Nguyễn Ái Quốc, Phạm Văn Thuận (TP.Biên Hòa) cho thấy, hiện nay dòng xe máy điện, xe đạp điện có rất nhiều chủng loại, mẫu mã, giá cả thì “thượng vàng hạ cám”. Ngoài những dòng xe có thương hiệu, được đăng kiểm, có tem kiểm định, bình ắc quy đảm bảo theo tiêu chuẩn nhất định của các hãng xe, cũng có rất nhiều dòng xe tự lắp ráp từ các phụ tùng trôi nổi ngoài thị trường, có giá thành rẻ hơn, nhưng cửa hàng không đảm bảo về chất lượng, nhất là chất lượng của bình ắc quy (về độ bền cũng như an toàn cháy, nổ)...
Hiện nay, sau khi mua xe đạp điện, xe máy điện, nhiều người còn “độ” thêm một số thiết bị dùng chung nguồn điện từ bình ắc quy, chủ yếu là đèn led, còi xe, kích tốc độ... Tất cả thiết bị “độ” này đều được đấu nối thêm đường dây khác bên ngoài chứ không có trong thiết kế ban đầu. Vì vậy rất dễ dẫn tới quá tải, chập điện khi đang lưu thông trên đường hoặc đang sạc pin gây cháy, nổ.
Anh Văn Tín (thợ sửa xe máy điện, xe đạp điện ở một tiệm sửa xe tại P.An Bình, TP.Biên Hòa) cho biết, hiện nay trên thị trường cũng bán 1 bộ chuyển đổi xe đạp thường thành xe đạp điện với giá khoảng 3 triệu đồng (gồm động cơ lắp bánh sau, tay ga, đèn led, bình ắc quy...) cho tốc độ đạt 25-30km/giờ, đi được quãng đường khoảng 40km. Và dĩ nhiên, đều do thợ tự lắp đặt cho khách mà không cần tuân theo tiêu chuẩn nào. Hầu như người sử dụng cũng không quan tâm nhiều đến chất lượng cũng như an toàn về cháy, nổ của bộ chuyển đổi này.
* Chú ý khi sử dụng bình ắc quy
Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, việc cháy xe đạp điện, xe máy điện thường liên quan đến bình ắc quy. Cụ thể, khi sạc quá lâu (sạc qua đêm) người dùng quên ngắt điện hoặc thiết bị hoạt động liên tục trong thời gian dài sinh nhiệt cao dẫn đến sự cố chập cháy. Bên cạnh đó, bình ắc quy kém chất lượng, dây điện trên xe bị gấp, đè, xoắn... cũng là nguyên nhân dễ gây chập điện.
Thiếu tá Phạm Đức Dũng, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho biết: “Định kỳ 6 tháng, người dùng xe đạp điện, xe máy điện cần bảo dưỡng một lần. Đặc biệt là phải kiểm tra bình ắc quy. Nếu bình có dấu hiệu hư hỏng hoặc có mùi khét không nên tiếp tục sử dụng, cần đem đi bảo dưỡng tại các cửa hàng bán những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, để được kiểm tra đảm bảo an toàn cháy, nổ”.
Trước những nguy cơ cháy, nổ đến từ bình ắc quy của xe đạp điện, xe máy điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam khuyến cáo, để hạn chế sự cố cháy, nổ xe đạp điện, xe máy điện, nên sạc pin khi ắc quy gần hết điện; hạn chế sạc qua đêm. Sau khi sử dụng khoảng 3 tháng có thể xả lượng acid trong bình ắc quy thay bằng acid mới và sạc đầy bình ắc quy. Nên dùng dụng cụ sạc chính hãng kèm theo khi mua xe, đảm bảo dòng điện vào chuẩn và ổn định…
Cũng theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, người sử dụng xe đạp điện, xe máy điện nên kiểm tra hệ thống sạc, ắc quy định kỳ 3-6 tháng/lần. Nếu phát hiện bình ắc quy bị phồng, nứt hay phát ra tiếng động lạ khi sạc nên thay thế bình mới ngay. Đặc biệt, không tác động lực mạnh vào bình ắc quy cũng như không để bình ở nơi có nhiệt độ hoặc độ ẩm cao. Sau mỗi lần rửa xe hay đi dưới trời mưa cần làm khô các đầu cắm điện và dây điện trước khi khởi động xe.
Minh Thành