Ngày 9-9, sau khi Báo Đồng Nai đăng bài Vụ 5 cháu bé thoát khỏi bàn tay "chăn dắt" ăn xin của mẹ và cậu ruột: Bà nội mong được chăm sóc các cháu, nhiều bạn đọc (BĐ) đã bày tỏ sự bất bình đối với hành vi bạo hành các con của chính mẹ ruột. Một số BĐ cũng kiến nghị tước quyền nuôi con đối với người mẹ này.
Ngày 9-9, sau khi Báo Đồng Nai đăng bài Vụ 5 cháu bé thoát khỏi bàn tay “chăn dắt” ăn xin của mẹ và cậu ruột: Bà nội mong được chăm sóc các cháu, nhiều bạn đọc (BĐ) đã bày tỏ sự bất bình đối với hành vi bạo hành các con của chính mẹ ruột. Một số BĐ cũng kiến nghị tước quyền nuôi con đối với người mẹ này.
Bà Trần Thị Rí (phải), bà nội của 5 trẻ ở xã Xuân Bảo (H.Cẩm Mỹ) bị mẹ và cậu ruột bạo hành bày tỏ với chính quyền địa phương mong muốn giữ các cháu lại nuôi. Ảnh: Đăng Tùng |
[links()]* Khi chính cha mẹ gây nguy hiểm cho con
BĐ Cao Văn Hậu (ngụ P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) bức xúc, thông thường, người xâm hại, bạo hành trẻ em là người lạ, người bà con chứ hiếm khi nào là cha mẹ ruột. Nhưng trong vụ việc 5 bé tại xã Xuân Bảo (H.Cẩm Mỹ), người bạo hành trẻ lại chính là mẹ và cậu ruột, thậm chí họ còn ép các bé đi ăn xin. Đó là hành động quá nhẫn tâm. Rõ ràng, trong trường hợp này các bé cần được bảo vệ, tách xa những người bạo hành.
Tương tự, BĐ V.T.N. (ngụ P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) nêu thời gian gần đây liên tục xuất hiện các vụ bạo hành trẻ em ở một số tỉnh, thành trong cả nước mà thủ phạm chính là cha hoặc mẹ ruột của các nạn nhân. Gần nhất là vụ cha ruột bạo hành con gái 6 tuổi trong nhiều ngày tại Q.Đống Đa (TP.Hà Nội) khiến bé bị gãy tay, bầm tím cơ thể.
Điều 4, Luật Trẻ em năm 2016 giải thích, bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em. Bóc lột trẻ em là hành vi bắt trẻ em lao động trái quy định của pháp luật về lao động; trình diễn hoặc sản xuất sản phẩm khiêu dâm; tổ chức, hỗ trợ hoạt động du lịch nhằm mục đích xâm hại tình dục trẻ em; cho, nhận hoặc cung cấp trẻ em để hoạt động mại dâm và các hành vi khác sử dụng trẻ em để trục lợi. |
“Cần có chế tài ngăn không cho những người này đến gần con ruột của họ vì có thể họ sẽ tiếp tục có những hành động bạo lực hoặc khiến nỗi ám ảnh của trẻ bùng phát. Vì những việc bạo hành, xâm hại đã diễn ra trong một quãng thời gian nhất định chứ không phải việc làm lúc nóng giận nên chắc chắn đã ăn sâu vào tiềm thức của trẻ” - BĐ V.T.N. kiến nghị.
Liên quan đến vấn đề này, theo một số luật sư thuộc Đoàn Luật sư Đồng Nai, hiện nay trong quy định pháp luật không có khái niệm “tước quyền nuôi con” mà chỉ có “hạn chế quyền đối với con chưa thành niên”. Cụ thể, tại Điều 85, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, cha, mẹ sẽ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Luật sư Ngô Văn Định, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý (Hội Luật gia tỉnh) cho biết: “Ngoài việc nhận án phạt vì các hành vi xâm hại, bạo hành trẻ theo Điều 85, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì những người cha, mẹ trên còn có thể bị tòa án ra quyết định hạn chế quyền với con chưa thành niên. Tòa án có thể xem xét tự ra quyết định hoặc theo yêu cầu của người thân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên. Mức độ hạn chế quyền đó sẽ được ghi cụ thể trong phán quyết của tòa án”.
* Áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ, can thiệp
Luật Trẻ em năm 2016 quy định rõ về việc thay người giám hộ, bảo vệ trẻ khỏi sự bạo hành của chính cha mẹ ruột. Theo Mục 1, Chương 4, Luật Trẻ em năm 2016, bảo vệ trẻ em được thực hiện theo 3 cấp độ là: phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp.
Ngoài ra, Điều 50 của Luật Trẻ em quy định: “Cấp độ can thiệp bao gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với trẻ em và gia đình trẻ em bị xâm hại nhằm ngăn chặn hành vi xâm hại; hỗ trợ chăm sóc phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt”. Đặc biệt, tại Khoản 2, Điều 50 của Luật Trẻ em năm 2016 cũng quy định, cần bố trí chăm sóc thay thế tạm thời hoặc lâu dài cho trẻ em không thể sống cùng cha, mẹ vì sự an toàn của trẻ em; cha, mẹ không có khả năng bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em hoặc chính là người xâm hại trẻ em.
Mặc dù quy định là vậy nhưng một số BĐ cũng bày tỏ lo lắng, trong 2 trường hợp nêu trên nếu cha, mẹ bạo hành con nhưng chưa đến mức bị xử lý hình sự mà chỉ bị xử phạt hành chính thì có bị hạn chế quyền với con chưa thành niên không; hoặc sau khi mãn hạn tù vì chính tội bạo hành con thì cha, mẹ có lại tiếp tục được nuôi con hay không?
Về vấn đề này, luật sư Ngô Văn Định cho biết thêm, theo quy định tại Điều 86, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, sau khi cha, mẹ có hành vi bạo hành con mà chỉ bị phạt hành chính hoặc kết thúc án phạt tù thì người thân, người giám hộ hoặc các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có thể đề nghị tòa án tiếp tục ra quyết định hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên. Thời hạn từ 1-5 năm, tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này. Ngoài ra, cha, mẹ đã bị tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên vẫn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Minh Thành