Báo Đồng Nai điện tử
En

Người dân phấn khởi khi cầu Thanh Sơn được xây dựng

10:08, 07/08/2020

Vừa qua, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh phối hợp với UBND H.Định Quán tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu Thanh Sơn nối xã Ngọc Định với xã Thanh Sơn (H.Định Quán). Đây được xem là một sự kiện lớn, vô cùng ý nghĩa không chỉ đối với người dân xã Thanh Sơn mà còn tạo niềm vui, kỳ vọng cho người dân các xã lân cận.

Vừa qua, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh phối hợp với UBND H.Định Quán tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu Thanh Sơn nối xã Ngọc Định với xã Thanh Sơn (H.Định Quán). Đây được xem là một sự kiện lớn, vô cùng ý nghĩa không chỉ đối với người dân xã Thanh Sơn mà còn tạo niềm vui, kỳ vọng cho người dân các xã lân cận.

Khi cầu Thanh Sơn được hoàn thành, những chuyến phà này sẽ dừng hoạt động, việc đi lại của người dân xã Thanh Sơn (H.Định Quán) sẽ thuận tiện hơn. Ảnh: Văn Tuấn
Khi cầu Thanh Sơn được hoàn thành, những chuyến phà này sẽ dừng hoạt động, việc đi lại của người dân xã Thanh Sơn (H.Định Quán) sẽ thuận tiện hơn. Ảnh: Văn Tuấn

Nhiều người dân ở xã Thanh Sơn cho biết, việc khởi công xây dựng cầu Thanh Sơn đã đáp ứng mong mỏi của người dân trong vùng. Ai cũng phấn khởi và mong cây cầu Thanh Sơn sớm hình thành, đưa vào sử dụng, tạo thuận lợi hơn cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

* Đáp ứng mong mỏi của người dân

“Mong muốn lớn nhất của người dân trong xã Thanh Sơn lâu nay là có một cây cầu bê tông kiên cố để việc đi lại của bà con thuận tiện hơn, không còn cảnh sang sông phải lụy đò” - ông Phan Văn Giang (ngụ ấp 1, xã Thanh Sơn) chia sẻ.

Theo ông Giang, lâu nay việc giao thương, vận chuyển nông sản trên địa bàn xã Thanh Sơn gặp nhiều khó khăn, tất cả các loại xe chở hàng hóa đều phải đi bằng phà và tốn cước phí. Năm 2016, khi cầu treo Thanh Sơn được khánh thành, việc đi lại của bà con trong xã thuận lợi hơn nhưng cây cầu này không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nông sản. Các loại xe tải nặng vận chuyển hàng hóa cồng kềnh vẫn phải xếp hàng chờ phà qua sông.

Cầu Thanh Sơn mới được xây dựng gồm có 6 nhịp dầm bê tông cốt thép dự ứng lực. Cầu có chiều dài hơn 198m, khổ cầu rộng 9m, mặt cầu rộng 7m. Tổng mức đầu tư xây dựng cầu Thanh Sơn là hơn 138 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 91 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hơn 15,6 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2020-2024.

“Nhà tôi kinh doanh xăng dầu, trung bình mỗi tháng phải trả hơn 20 triệu đồng phí vận chuyển qua phà. Chi phí cao nhưng không phải lúc nào việc vận chuyển cũng suôn sẻ, đáp ứng nhu cầu của người dân, vì muốn đưa hàng hóa qua sông phải phụ thuộc vào thời gian phà hoạt động” - ông Giang nói.

Tương tự, gia đình ông Trần Văn Quý (ngụ ấp Hòa Thành, xã Ngọc Định) cũng thường xuyên chở vật liệu xây dựng vào Thanh Sơn. Ông Quý cho biết, mỗi tháng ông chở hơn chục chuyến hàng giao cho khách. Mỗi lượt qua phà Thanh Sơn chi phí khoảng 150 ngàn đồng và chờ đợi hơn 15 phút. Xe chở nông sản của người dân từ xã ra bên ngoài cũng gặp cảnh tương tự.

Ông Quý cho biết: “Hiện nay, nhu cầu vận chuyển, giao thương hàng hóa, chủ yếu là nông sản, ở xã Thanh Sơn rất lớn. Việc xây dựng cầu bê tông sẽ tạo thuận lợi rất nhiều không chỉ cho người dân tại địa phương mà còn tạo kết nối thông suốt giữa các xã với nhau, tạo thêm điều kiện phát triển kinh tế”.

Nhiều người dân địa phương cho rằng, chỉ khi nào cầu Thanh Sơn mới hình thành thì nhu cầu đi lại của người dân mới được đáp ứng. Bởi hiện nay lưu lượng giao thông giữa các địa phương khác vào Thanh Sơn đang tăng từng ngày, nhất là xe ô tô gia đình. Trong khi cầu treo hiện không đáp ứng đủ nên thường xảy ra tình trạng xe nối đuôi chờ tới lượt qua cầu gây cản trở giao thông, nhất là vào các dịp lễ, Tết.

* Thêm cơ hội cho phát triển

Chia sẻ niềm vui khi địa phương sắp có cây cầu mới, bà Đỗ Thị Nhỏ (ngụ ấp 1, xã Thanh Sơn) cho hay, khi hay tin cầu được khởi công, tôi và bà con trong xã rất vui. Giao thông thuận lợi, hàng nông sản sẽ không bị ách tắc. Tình trạng hàng hóa bên ngoài vào xã thì giá cao, còn hàng bên trong ra thì giá thấp sẽ không tái diễn nữa.

“Giao thông thông suốt chắc chắn sẽ góp phần giúp đời sống người dân ngày càng nâng cao, các nhà đầu tư sẽ mạnh dạn đổ vốn vào xã Thanh Sơn để xây dựng trang trại, cơ sở chế biến nông sản, tạo đầu ra cho nông sản địa phương, giải quyết nhiều việc làm... để người dân trong vùng có thêm thu nhập” - bà Nhỏ kỳ vọng.

Đồng tình với các ý kiến của người dân, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn Ngô Văn Sơn cho hay, cầu Thanh Sơn được xây dựng đã thỏa lòng mong chờ của người dân địa phương suốt nhiều năm nay. Cầu treo Thanh Sơn có quy mô nhỏ, chỉ phục vụ việc lưu thông của xe máy và ô tô có tải trọng dưới 2 tấn, nên muốn đưa hàng hóa từ trong xã ra bên ngoài hoặc ngược lại người dân vẫn phải phụ thuộc vào các tuyến phà 107. Việc xây dựng cầu Thanh Sơn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và góp phần kết nối giao thông trên địa bàn. Cây cầu Thanh Sơn sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho xã Thanh Sơn phát triển.

“Dù những năm gần đây, kinh tế - xã hội của địa phương có phát triển mạnh nhưng hiện vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Khi giao thông được thông suốt, Thanh Sơn sẽ được kết nối thuận lợi với các xã, huyện lân cận, không chỉ trên lĩnh vực kinh tế mà còn ở lĩnh vực văn hóa, xã hội… tạo điều kiện cho địa phương phát triển toàn diện hơn” - ông Sơn nói.

Kim Liễu

Tin xem nhiều