Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo vệ trẻ em ngay từ chính gia đình

09:08, 30/08/2020

Trước tình trạng xâm hại trẻ em xảy ra ở một số tỉnh, thành những ngày gần đây, nhiều bạn đọc cho rằng, mỗi gia đình cần giúp trẻ trang bị kỹ năng bảo vệ mình trước những tình huống nguy hiểm.

Trong những ngày qua đã xảy ra một số vụ xâm hại trẻ em (bắt cóc, xâm hại tình dục...) ở một số tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có Đồng Nai. Nhiều ý kiến bạn đọc (BĐ) cho rằng, các chiêu thức dụ dỗ, lừa đảo trẻ em ngày càng tinh vi, do đó từ mỗi gia đình cần chủ động giúp trẻ nhận biết và trang bị kỹ năng bảo vệ mình trước kẻ xấu cũng như những tình huống nguy hiểm.

Học võ cũng là cách giúp trẻ có kỹ năng tự vệ trước những đối tượng có ý đồ xấu. Ảnh minh họa: Đ.Tùng
Học võ cũng là cách giúp trẻ có kỹ năng tự vệ trước những đối tượng có ý đồ xấu. Ảnh minh họa: Đ.Tùng

* Nỗi lo... trước thềm năm học mới

Trong tuần qua, dư luận cả nước “dậy sóng” trước vụ bé N.C.G.B. (2 tuổi, ngụ TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) bị một phụ nữ bắt cóc vào chiều 21-8 khi đang chơi tại một công viên ở trung tâm thành phố. Đáng nói, tình huống xảy ra rất nhanh, ngay tại công viên, khi cha của bé B. cũng đang ngồi ngay gần đó và vừa rời mắt khỏi bé vài phút. Rất may, nhờ lực lượng chức năng cùng các hình ảnh camera an ninh nhiều nơi cung cấp nên sau hơn 24 giờ, bé B. đã được giải cứu tại H.Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang), cách nhà hơn 160km.

BĐ Nguyễn Thị Bích Hoa (ngụ P.An Bình, TP.Biên Hòa) bày tỏ lo lắng: “Nhà cửa ở thành phố thì chật, ít không gian vận động nên nhiều người thường cho con em ra chơi ở các khu vui chơi công cộng như công viên, trung tâm thương mại. Tôi thấy nhiều người rất chủ quan, toàn lo nói chuyện điện thoại hoặc mải mê lướt mạng xã hội để phó mặc con chơi một mình, trong thời gian đó kẻ xấu rất dễ lợi dụng tiếp cận và dụ dỗ”.

Ngay tại Đồng Nai, ngày 27-8, Công an TP.Biên Hòa đã bắt khẩn cấp, tạm giữ hình sự N.V.B. (38 tuổi, quê tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là chủ tiệm sửa xe máy Phước Thiện (đóng tại KP.3A, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) để điều tra về hành vi dâm ô với trẻ em. B. nói rằng mình có khả năng “giải bùa” và dụ dỗ bé T.T. (15 tuổi, ngụ P.Trảng Dài) kết nối Zalo rồi yêu cầu bé cho xem hình ảnh nhạy cảm. Sau đó, B. yêu cầu bé đến tiệm sửa xe và có những hành vi dâm ô.

BĐ Lê Thành Đạt (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho rằng, các đối tượng xấu nghĩ ra đủ trò để dụ dỗ, lừa gạt trẻ em. Hiện nay, nhiều gia đình để con sử dụng điện thoại thông minh, trẻ ở tuổi vị thành niên thích khám phá cái mới, kết bạn rộng rãi, phụ huynh rất khó kiểm soát các mối quan hệ trên mạng xã hội của con. Nhiều phụ huynh quá bận rộn cũng không có thời gian quan tâm, hỏi han để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những sự việc nguy hiểm đang xảy ra với con, em mình.

* Dạy trẻ chủ động phòng ngừa

Nhiều ý kiến BĐ cũng cho rằng, để ngăn ngừa tình trạng trẻ bị bắt cóc cần dạy trẻ cách liên lạc với cha mẹ, người nhà như: ghi nhớ số điện thoại, địa chỉ nhà, trường học... Nhiều gia đình có điều kiện cũng có thể trang bị thêm một số thiết bị định vị (đồng hồ đeo tay) hoặc thiết bị liên lạc (điện thoại di động) để kịp thời nắm bắt thông tin của trẻ. Bên cạnh đó, việc dạy trẻ cách tự vệ cũng rất quan trọng.

Ngoài ra, BĐ Lê Văn Hiếu (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho rằng, dù công nghệ có thể hỗ trợ phụ huynh trong việc quản lý, giám sát, trông chừng trẻ nhưng điều cốt yếu vẫn phải là sự quan tâm của cha mẹ đến con cái. Đặc biệt là khi ra môi trường công cộng, cha mẹ cần luôn để mắt tới trẻ, nhất là những trẻ nhỏ từ 2-5 tuổi còn hiếu động, chưa nhận thức và nhớ rõ lời cha mẹ dặn nên rất dễ bị kẻ xấu dụ dỗ, bắt cóc.

“Theo tôi, quan trọng nhất vẫn là phòng ngừa không để các sự việc xấu xảy ra với con, em mình. Phụ huynh cần dành thời gian nhất định trong ngày để quan sát, hỏi han tình hình của con; để ý đến các biểu hiện lạ, các mối quan hệ với đối tượng lạ của con để định hướng, chỉ dẫn cho con những cách thức nhận biết, đề phòng kẻ xấu; cách xử trí khi gặp tình huống nguy hiểm” - BĐ Lê Thành Đạt cho biết thêm.

Để chủ động phòng ngừa nguy cơ trẻ bị xâm hại, TS Lê Minh Công, Phó trưởng khoa Công tác xã hội Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (TP.HCM) cho hay: “Cha mẹ cần trang bị cho trẻ những hiểu biết và kỹ năng nhận diện mối nguy hại liên quan đến việc bị xâm hại. Cụ thể, trẻ phải nhận diện ra được những hành vi nào cần phải cảnh giác vì có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Cách xử lý cụ thể khi gặp các tình huống nguy hiểm để trẻ có thể tự bảo vệ mình hoặc biết cách cầu cứu những người xung quanh giúp đỡ”.

Theo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em (từ ngày 1-1-2015 đến 30-6-2019) của Quốc hội vừa được công bố, cả nước có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, có 6.432 trẻ bị xâm hại tình dục; 857 trẻ bị bạo lực; 106 trẻ bị mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt; 1.314 trẻ bị xâm hại bằng các hình thức khác.

Minh Thành

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích