Hằng ngày, trên một số tuyến đường có rất nhiều xe chở thép cuộn, thép ống, thép bó chạy ầm ầm mà không được chằng buộc, bao bọc cẩn thận. Điều đó tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn, trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người tham gia giao thông.
Hằng ngày, trên một số tuyến đường có rất nhiều xe chở thép cuộn, thép ống, thép bó chạy ầm ầm mà không được chằng buộc, bao bọc cẩn thận. Điều đó tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn, trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người tham gia giao thông.
Xe đầu kéo chở theo cuộn thép nặng hàng chục tấn được ràng buộc sơ sài, lưu thông trên quốc lộ 1, đoạn qua TP.Biên Hòa khiến người đi đường không khỏi lo lắng. Ảnh: V.Nguyên |
Trên các đường kết nối ra vào các khu công nghiệp, nhà máy sản xuất thép, lượng xe đầu kéo, rơ-moóc vận chuyển hoạt động nhộn nhịp, đông đúc, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
* Chở hàng thiếu an toàn
Trên tuyến quốc lộ 51, đoạn từ TP.Biên Hòa đến Khu công nghiệp Gò Dầu (H.Long Thành), mỗi ngày có rất nhiều xe tải hạng nặng chở các loại sắt, thép đi các nơi. Đây là tuyến đường có mật độ phương tiện tham gia giao thông cao, lượng công nhân đi làm và người dân tham gia giao thông nhiều nên luôn rập rình những nguy cơ về tai nạn giao thông.
Thực tế, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn liên quan đến xe chở sắt, thép trên các tuyến đường. Mới đây, vào khoảng 11 giờ 30 ngày 22-7, chiếc xe đầu kéo chở theo hàng chục cuộn thép lưu thông trên quốc lộ 51. Khi xe đến gần chợ Tân Mai 2 (gần dốc 47, thuộc P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) thì bất ngờ gặp sự cố khiến gần 10 cuộn thép rơi xuống đường, rất may không đè trúng người đi đường.
Bà Đào Thị Vy (ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) cho hay, ngày nào cũng có vài chục chuyến xe chở sắt, thép đi qua khu vực Dốc 47. Nếu trên đường xe đông thì xe chở sắt, thép còn đi chậm; còn khi đường vắng thì những xe này phóng rất nhanh, vượt ẩu. Vì đã từng xảy ra nhiều vụ tai nạn do việc vận chuyển thép cuộn không đảm bảo an toàn nên người dân quanh đây rất lo sợ.
Người lái xe vận tải hàng hóa nặng chở sắt, thép ngoài việc tuân thủ tốc độ theo quy định cần phải có trách nhiệm cao hơn trong việc buộc giữ hàng hóa khi vận chuyển. Chỉ cần thắng xe gấp, tải xích không đủ chịu lực dễ bị đứt, cuộn thép nặng hàng chục tấn rơi xuống đất sẽ gây hậu quả khó lường” - bà Vy nói.
Ông Nguyễn Văn Đảo (ngụ H.Trảng Bom, lái xe chở khách) cho hay, nhiều lần chở khách lưu thông trên đường gặp tình trạng xe chở sắt, thép chằng buộc sơ sài ai cũng thót tim lo sợ. Nhiều vụ lái xe chở hàng chạy nhanh, trọng tải lớn nếu thắng gấp thì theo quán tính hàng hóa sẽ dồn lên trước. Hậu quả là không chỉ người đi đường gặp nguy hiểm mà tài xế cũng bị thương, thậm chí tử vong do sắt, thép đè bẹp cả cabin.
“Nếu hàng hóa có khối lượng lớn, cồng kềnh cần phải có chân đế, gờ chịu lực, chèn cứng để phân bổ đều tải trọng toàn bộ khung xe không gây rung lắc trong suốt quá trình vận chuyển” - ông Đảo bộc bạch.
* Phòng tránh tai nạn xảy ra
Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, các loại xe tải hoặc xe container chở thép cuộn được coi là vận chuyển hàng hóa thông thường và buộc phải tuân thủ quy định xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ. Cụ thể, hàng hóa xếp trên xe phải gọn gàng, chằng buộc chắc chắn, không để rơi vãi dọc đường, không kéo lê hàng hóa trên mặt đường và không cản trở việc điều khiển xe…
Liên quan đến vấn đề này, Bộ GT-VT ban hành Thông tư 35/2013/TT-BGTVT ngày
21-10-2013 quy định về xếp hàng hóa trên ô tô khi tham gia giao thông trên đường bộ. Trong đó, quy định về việc xếp hàng rời, hàng có bao kiện và hàng trụ ống bằng các hình minh họa; việc xếp hàng hóa phải thực hiện theo các nguyên tắc dàn đều, không xếp lệch về một phía và phải được chằng buộc chắc chắn, bảo đảm không bị xê dịch trong quá trình vận chuyển.
Ông Trần Minh Lợi, Trưởng dây chuyền kỹ thuật Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai cho biết, cách an toàn nhất với người đi đường, người tham gia giao thông là không nên chạy gần, phía trước, sau hoặc bên hông các loại xe chở cồng kềnh, xe đầu kéo, rơ-moóc đang chở thép sắt nặng hàng chục tấn lưu thông. Đặc biệt, khi lên xuống các con dốc, các dốc đầu cầu hoặc dừng xe chờ đèn đỏ tại các giao lộ không có làn đường riêng thì người đi đường nên chú ý quan sát, phòng tránh từ xa.
Tuy nhiên, ý thức chấp hành các quy định của không ít chủ phương tiện, chủ hàng, lái xe chưa nghiêm nên tai nạn giao thông vẫn cứ xảy ra. Do đó, để ngăn ngừa những sự việc tương tự, lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông cần tăng cường tuần tra, xử phạt những trường hợp vi phạm chở quá tải, vận chuyển hàng hóa không đảm bảo an toàn.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ, đường sắt quy định, việc ô tô tải chằng buộc hàng hóa không chắc chắn sẽ bị xử phạt mức phạt tiền từ 600-800 ngàn đồng. Trường hợp vận chuyển hàng hóa không chằng buộc an toàn dẫn đến tai nạn giao thông thì bị phạt tiền từ 8-12 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 2-4 tháng. |
Võ Nguyên