Từ ngày 15-4, khi Nghị định 15/2020/NĐ-CP (Nghị định 15) ngày 3-2-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có hiệu lực thì việc mua, bán vật phẩm trong game online đã bị cấm.
Từ ngày 15-4, khi Nghị định 15/2020/NĐ-CP (Nghị định 15) ngày 3-2-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có hiệu lực thì việc mua, bán vật phẩm trong game online đã bị cấm. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều người công khai mua bán vật phẩm ảo trong các game online bất chấp quy định này.
Nhiều người vẫn lên các nhóm mạng xã hội rao bán công khai vật phẩm trong game dù đã bị cấm. Ảnh: Đ.Hồ |
* Nhiều “chiêu” lách luật
Hiện nay, bất kỳ game online (trên nền tảng máy tính hoặc điện thoại thông minh) cũng có các trang mạng xã hội (do đơn vị cung cấp quản lý), nhóm mạng xã hội (do người chơi tự lập ra) để kết nối người chơi với nhau, chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp các thông tin về game, các phần thưởng có thể đạt được... Tuy nhiên, bên cạnh đó còn nhiều nhóm mạng xã hội do người chơi tự lập ra (theo từng tựa game) để mua bán, trao đổi vật phẩm trong game và chủ yếu là dùng tiền thật mua vật phẩm ảo.
Anh V.T.P. (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa, có hơn 10 năm chơi game online) cho hay: “Với nhiều người chơi game chỉ để giải trí nhưng một số người lại hướng tới mục đích kinh doanh. Thứ họ dùng để mua bán, trao đổi có thể là vật phẩm trong game hoặc chính tài khoản của người chơi. Số tiền hoặc vật ngang giá để đổi là do hai bên tự thỏa thuận chứ không có bảng giá rõ ràng. Có người nhờ việc mua bán, trao đổi này để nâng cấp cho nhân vật game, sau đó bán lại với giá cao hơn, số tiền có thể lên tới hàng chục triệu đồng”.
Theo đánh giá của newzoo.com (trang mạng hàng đầu về phân tích dữ liệu liên quan đến trò chơi điện tử), năm 2017 Việt Nam có hơn 32 triệu game thủ, với số tiền chi tiêu cho game lên đến hàng trăm triệu USD/năm; xếp thứ 28 trên bảng xếp hạng các thị trường game có doanh thu lớn nhất thế giới. Hiện chưa có một khảo sát chính thức, đầy đủ về công nghiệp video game tại Việt Nam, song căn cứ vào báo cáo doanh thu hằng năm đã lên đến hàng ngàn tỷ đồng của các “ông lớn” trong lĩnh vực này có thể thấy nhận định của newzoo.com là có cơ sở. (Nguồn Báo Nhân dân điện tử) |
Theo nhiều người chơi, cách thức mua bán hiện nay như sau, người bán sẽ đăng thông tin kèm ảnh chụp màn hình món đồ cần bán (có thể kèm giá hoặc không), người mua sẽ tự nhắn tin riêng để thỏa thuận giá. Khi hai bên “chốt” được mức giá hoặc vật phẩm ngang giá thì tiến hành mua bán, trao đổi bằng cách hẹn địa điểm trong game, 2 nhân vật sẽ gặp nhau rồi cùng “quăng” 2 món trao đổi ra, rồi 2 nhân vật sẽ tự nhặt món đồ yêu cầu. Với việc “mua” điểm số, thì người bán có những nhân vật mạnh, sẽ hẹn người mua đến 1 điểm nào đó trong game rồi đứng yên cho người chơi tấn công, từ đó có thêm điểm từ việc hạ các đối thủ mạnh.
Hoặc đơn giản hơn, một số game có sẵn chế độ cho/tặng vật phẩm giữa 2 người chơi với nhau. Nếu giao dịch bằng tiền mặt thì cũng với hình thức như trên, nhưng bên mua sẽ đưa tiền trước hoặc sau khi có món đồ. Hình thức mua bán, trao đổi này nằm ngoài sự kiểm soát của đơn vị cung cấp game.
Tuy nhiên, rủi ro của quá trình mua bán, trao đổi là rất lớn, khi người bán hoặc người mua rất dễ bị lừa. Anh N.H.P. (ngụ P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa, hiện đang chơi một game chiến thuật trên điện thoại thông minh) chia sẻ: “Tình huống dễ gặp phải là do hai bên thỏa thuận miệng nên bên bán giao vật phẩm, bên mua đã nhận nhưng không đưa tiền mà gọi người đến dọa đánh, dùng vũ lực để “xù”. Khi đó, bên bán rất khó để nhờ pháp luật can thiệp vì vật phẩm ảo không được định giá mà do hai bên tự thỏa thuận, chưa kể hiện nay việc mua bán này đang bị cấm nên không ai dám tố cáo mà đành tự rút kinh nghiệm lần sau”.
* Cần có hành lang pháp lý rõ ràng hơn
Trước tình trạng nhiều game cho phép người chơi mua bán hoặc quy đổi vật phẩm ra tiền nên từ ngày 15-4, việc mua bán vật phẩm trong game đã bị cấm. Theo luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh, quy định cấm và mức phạt được nêu rõ tại Điểm b, Khoản 3, Điều 106, Nghị định 15. Cụ thể, người chơi sẽ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với hành vi mua, bán vật phẩm ảo hoặc đơn vị ảo hoặc điểm thưởng.
Tuy vậy, để phát giác ra hành vi trên phải có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan chức năng vì vật phẩm ảo không phải vật chất hiện hữu, có thể cầm trên tay để bắt quả tang. Bên cạnh đó, người bán, người mua thỏa thuận chủ yếu qua mạng xã hội, việc giao dịch có thể thông qua ngân hàng, ví điện tử hoặc số tiền không quá lớn có thể đổi bằng thẻ nạp điện thoại... Vì vậy, người chơi có rất nhiều cách để lách luật.
Anh N.H.T.H. (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa, chuyên viên một công ty cung cấp dịch vụ an ninh mạng tại TP.HCM) cho rằng, để xử lý được triệt để việc mua bán vật phẩm ảo trong game, từ đó hạn chế các vụ việc dễ phát sinh yếu tố hình sự liên quan đến mâu thuẫn trong thế giới ảo, cần phải có quy định rõ ràng hơn về việc mua bán giữa người chơi trong game. Nhất là việc định nghĩa, giải thích thế nào là mua bán vật phẩm ảo, điểm số vì môi trường game online là môi trường đặc biệt, tất cả đều là nhân vật ảo.
Đông Hồ