Báo Đồng Nai điện tử
En

Khổ với 'rác quá khổ'

09:07, 12/07/2020

Đối với những loại 'rác quá khổ' như: nệm, ghế sofa, giường, tủ… khi bỏ ra chung với rác thải sinh hoạt, thông thường đơn vị thu gom không mang đi. Dù biết việc vứt rác bừa bãi là sai nhưng do không biết xử lý "rác quá khổ" như thế nào nên nhiều người chọn cách vứt ở những bãi đất trống trong khu dân cư, ven sông, suối…

Đối với những loại “rác quá khổ” như: nệm, ghế sofa, giường, tủ… khi bỏ ra chung với rác thải sinh hoạt, thông thường đơn vị thu gom không mang đi. Dù biết việc vứt rác bừa bãi là sai nhưng do không biết xử lý “rác quá khổ” như thế nào nên nhiều người chọn cách vứt ở những bãi đất trống trong khu dân cư, ven sông, suối…

Rác thải quá khổ bị vứt bừa bãi trên vỉa hè đường Võ Thị Sáu, đoạn qua P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa). Ảnh: K.Liễu
Rác thải quá khổ bị vứt bừa bãi trên vỉa hè đường Võ Thị Sáu, đoạn qua P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa). Ảnh: K.Liễu

Hiện nay, trên địa bàn TP.Biên Hòa rất dễ bắt gặp các bãi rác tự phát có chứa các loại “rác quá khổ” gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng mỹ quan đô thị. 

* Không được thu gom

Trước cửa nhà bà Trần Thị Thu Thủy (ngụ KP.6, P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) có một căn nhà cũ bỏ hoang nhiều năm. Do không ai trông coi nên ngôi nhà này trở thành địa điểm để một số người đến đổ trộm rác, dần hình thành một đống rác lớn. “Ở đây có đủ loại rác sinh hoạt và cả “rác quá khổ” như: nệm, giường… nhưng không có ai thu dọn, gây ô nhiễm môi trường, phát sinh chuột bọ ảnh hưởng đến các gia đình xung quanh” - bà Thủy cho hay.

Để khắc phục tình trạng này, nhiều lần bà Thủy phải thuê người thu dọn “bãi rác” tự phát trên nhưng rồi chẳng bao lâu đâu lại vào đấy. Không ít lần bắt được người đưa rác lớn đến đây đổ, bà có ngăn cản nhưng rồi sang một đêm, sáng ra lại thấy rác chất đống. Các hộ dân ở đây đã nhiều lần phản ảnh với khu phố và UBND phường về việc này nhưng không xử lý dứt điểm được. 

Cùng tình cảnh với bà Thủy, bà Nguyễn Thị Nhung (ngụ KP.7, P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) bức xúc: “Công viên trước nhà tôi hiện có một số thùng mút, tủ gỗ, nệm cũ bị ai đó vứt ra nằm chỏng chơ trên vỉa hè rất mất vệ sinh và ô nhiễm môi trường. Dù ngày nào xe lấy rác cũng thu gom rác thải sinh hoạt và “chừa” lại các loại “rác quá khổ” này. Tôi và các hộ dân ở khu vực rất muốn dọn đống rác trên nhưng không biết gọi ai để xử lý” - bà Nhung thắc mắc.

Cùng thắc mắc với bà Nhung, bà T. (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) cho hay, gia đình bà mới sắm lại toàn bộ đồ nội thất. Thay xong, phát sinh ra một đống đồ cũ, cho không ai lấy nên bà đã thuê xe ba gác mang đi bỏ. “Dù biết có khả năng xe ba gác chở đổ bừa bãi ở đâu đó không đúng nơi quy định, nhưng tôi không biết xử lý đống rác đó thế nào” - bà T. nói.

* Thu gom chất thải rắn cồng kềnh phải trả phí riêng

Bà Quách Ngọc Bửu, Phó tổng giám đốc Công ty CP Môi trường Sonadezi cho biết, đối với rác thải có kích thước lớn như tủ, giường, nệm, bàn, ghế sofa… được gọi là chất thải rắn cồng kềnh. Đây không phải là rác thải sinh hoạt thông thường nên không thể thu gom chung với rác thải sinh hoạt. Loạt rác này thường có kích thước lớn, để vận chuyển đơn vị chức năng phải bố trí loại xe phù hợp do vậy sẽ phát sinh thêm kinh phí vận chuyển, thu gom. Trong khi đó, thành phố không hỗ trợ kinh phí cho việc thu gom loại rác này nên người dân phải trả chi phí để xử lý.

Rác thải quá khổ bị vứt bừa bãi trên vỉa hè đường Võ Thị Sáu, đoạn qua P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa). Ảnh: K.Liễu
Rác thải quá khổ bị vứt bừa bãi trên vỉa hè đường Võ Thị Sáu, đoạn qua P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa). Ảnh: K.Liễu

Theo bà Bửu, mức giá thu gom loại “rác quá khổ” này được tính theo thỏa thuận, tùy theo chi phí chủng loại xe được bố trí để vận chuyển và dựa trên khung giá của thành phố quy định. “Chúng tôi có gửi thông báo về địa chỉ, số điện thoại đơn vị xử lý rác cho UBND các phường, xã trên địa bàn thành phố. Khi có nhu cầu, người dân có thể liên hệ chính quyền địa phương để được cung cấp thông tin xử lý” - bà Bửu nói.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trương Vĩnh Hiệp, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa cho biết, đối với loại “rác quá khổ” nêu trên, thành phố có ban hành đơn giá thu gom. Người dân liên hệ với các dịch vụ thu gom để chở rác đến điểm tập kết rác theo quy định.

Như vậy, để “tống tiễn” các vật dụng quá khổ không dùng tới, người dân phải trả một mức phí nhất định cho dịch vụ thu gom xử lý rác. Để không phát sinh những bãi rác “khủng” khắp nơi, theo ông Trương Vĩnh Hiệp, cán bộ phường, xã cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý và phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xử phạt vi phạm về vệ sinh môi trường tại các khu công cộng, các điểm phát sinh rác. “Xử lý thật nghiêm  mọi hành vi đổ rác bừa bãi ra các bãi đất trống theo quy định. Nếu bị bắt gặp, người đổ rác bậy phải chịu chi phí gọi dịch vụ chuyên nghiệp đến dọn đống rác đó đi” - ông Hiệp nói.

Điều 20, Nghị định số 155/2016/NÐ-CP ngày 18-11-2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định, phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; phạt tiền từ 5-7 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.

Kim Liễu

Tin xem nhiều