Trong những ngày qua, trên các trang mạng xã hội xôn xao thông tin, từ ngày 1-7-2020, chê ngoại hình người khác sẽ bị phạt lên đến 16 triệu đồng. Thực hư thông tin này có đúng với quy định hiện hành hay không đang được nhiều bạn đọc quan tâm.
Trong những ngày qua, trên các trang mạng xã hội xôn xao thông tin, từ ngày 1-7-2020, chê ngoại hình người khác sẽ bị phạt lên đến 16 triệu đồng. Thực hư thông tin này có đúng với quy định hiện hành hay không đang được nhiều bạn đọc quan tâm.
Các trang mạng xã hội xôn xao thông tin từ ngày 1-7, nếu chê bai người khác sẽ bị phạt lên đến 16 triệu đồng (Ảnh minh họa chụp từ màn hình điện thoại) |
* Mức bồi thường cao nhất là 14,9 triệu đồng
Trên trang Facebook T.B.B. ghi: “Từ hôm nay 1-7, chê người khác mập, lùn, xấu, ế phải bồi thường đến 16 triệu đồng. Có thể mọi người đều nghĩ chê người khác chỉ là lời nói bông đùa vô hại. Thế nhưng việc làm này có thể khiến bạn bị phạt nặng từ ngày 1-7. Pháp luật đã quy định rõ ràng, danh dự, nhân phẩm của mỗi người được pháp luật bảo vệ và không được bất cứ ai có thể xâm phạm...”. Tương tự, tài khoản Facebook Đ.Đ.A.U. đăng thông tin: “Từ hôm nay, tém tém cái miệng lại nha, chê người khác ế, béo, lùn... bị phạt 16 triệu đồng”.
Về vấn đề này, luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh cho biết, uy tín, danh dự, nhân phẩm của cá nhân từ lâu đã được bảo vệ theo quy định tại Khoản 1, Điều 20 Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Đồng thời các quyền này từ lâu đã được bảo vệ bởi các quy định pháp luật (nghị định, luật) cùng mức phạt chi tiết.
Cụ thể, tại khoản 2, Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Khoản 1, Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015 và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Luật sư Định giải thích, thông thường, cứ đến ngày 1-7 hằng năm, mức lương cơ sở sẽ được điều chỉnh. Nếu như thường lệ thì mức lương cơ sở từ ngày 1-7-2020 sẽ tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 nên lương cơ sở chưa tăng mà vẫn giữ mức hiện tại là 1,49 triệu đồng/tháng. Do đó nếu xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác đến mức phải bồi thường thiệt hại thì mức bồi thường cao nhất là 14,9 triệu đồng (theo mức lương cơ sở hiện nay là 1,49 triệu đồng/tháng) mà không phải là 16 triệu đồng như thông tin của nhiều trang mạng xã hội đã nêu.
* Cần quy định chi tiết hơn
Ngoài ra, tại Điểm a, Khoản 1, Điều 5 Nghị định số 167/2013 ngày 12-11-2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng cháy, chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình cũng quy định cụ thể, phạt từ 100-300 ngàn đồng nếu có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác...
Các trang mạng xã hội xôn xao thông tin từ ngày 1-7, nếu chê bai người khác sẽ bị phạt lên đến 16 triệu đồng (Ảnh minh họa chụp từ màn hình điện thoại) |
Tuy nhiên, một số luật sư thuộc Đoàn Luật sư Đồng Nai cũng cho rằng, mặc dù đã quy định chi tiết mức phạt nhưng rất khó xác định lời nói, trêu chọc đã xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác cũng như mức độ ảnh hưởng đến người bị xâm phạm. Vì nếu sự xâm phạm được thể hiện bằng hành động mạnh bạo như: lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, cạo đầu, cắt tóc, lột quần áo giữa đám đông… chỉ nhằm mục đích làm nhục chứ không nhằm mục đích khác, thì có chứng cứ cụ thể, dễ dàng xác định hơn.
Một cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) cho biết, việc xác định nhân phẩm, danh dự có bị xâm phạm qua lời nói, trêu chọc không cũng rất cảm tính. Vì cùng một tình huống, một nội dung lời nói, một thái độ bày tỏ... nhưng có người thấy bị xúc phạm, có người lại thấy bình thường. Như nhiều nền văn hóa, việc đưa ngón tay giữa lên là có ý xúc phạm, nhưng có nhiều nền văn hóa, hành vi này là bình thường. Do đó, để xử phạt đối với các trường hợp có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác nên quy định chi tiết hơn những hành vi nào được gọi là khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác đến mức phải bị xử phạt.
Minh Thành