Trong giai đoạn chuyển từ mùa khô sang mùa mưa, trên địa bàn Đồng Nai thường xuất hiện những cơn dông, lốc gây đổ cây, đổ bảng quảng cáo khiến nhiều người lo lắng về những nguy hiểm rình rập khi di chuyển trên đường vào lúc trời mưa to, gió lớn. Nhất là hiện nay trên địa bàn vẫn còn nhiều biển hiệu, bảng quảng cáo xuống cấp, quá kích cỡ quy định được gắn dọc các tuyến đường, phía trước các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Trong giai đoạn chuyển từ mùa khô sang mùa mưa, trên địa bàn Đồng Nai thường xuất hiện những cơn dông, lốc gây đổ cây, đổ bảng quảng cáo khiến nhiều người lo lắng về những nguy hiểm rình rập khi di chuyển trên đường vào lúc trời mưa to, gió lớn. Nhất là hiện nay trên địa bàn vẫn còn nhiều biển hiệu, bảng quảng cáo xuống cấp, quá kích cỡ quy định được gắn dọc các tuyến đường, phía trước các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Bảng quảng cáo trên xa lộ Hà Nội, đoạn gần Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (thuộc P.An Bình, TP.Biên Hòa) bị xuống cấp. Ảnh chụp cuối tháng 5-2020. Ảnh: Sông Lam |
* Vi phạm tràn lan
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai, dọc các tuyến đường lớn của TP.Biên Hòa như: Võ Thị Sáu, Phan Trung, Nguyễn Ái Quốc, Bùi Văn Hòa... hiện có nhiều biển hiệu, biển quảng cáo được gắn tại các công trình, nhà ở riêng lẻ với nhiều kích cỡ quá khổ so với quy định gây không ít lo ngại cho người đi đường về độ an toàn của các biển hiệu, bảng quảng cáo này trong mùa mưa bão và an toàn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Theo Điều 34, Luật Quảng cáo năm 2012, kích thước biển hiệu được quy định đối với biển hiệu ngang, chiều cao tối đa là 2m, chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà. Đối với biển hiệu dọc thì chiều ngang tối đa là 1m, chiều cao tối đa là 4m nhưng không vượt quá chiều cao của tầng nhà nơi đặt biển hiệu; biển hiệu không được chắn không gian thoát hiểm, cứu hỏa…
Tuy nhiên, trên thực tế hiện có nhiều cửa hàng kinh doanh thời trang, nhà hàng, quán giải khát, spa… ở TP.Biên Hòa nói chung và đường Võ Thị Sáu (KP.7, P.Thống Nhất) nói riêng đều trương biển hiệu to, bao trùm hết phần mặt tiền nhà để quảng cáo cho cửa tiệm.
Ngoài ra, ven một số tuyến đường trên địa bàn tỉnh cũng có những bảng quảng cáo cỡ lớn nhưng đã cũ, xuống cấp, rất dễ gãy đổ, gây nguy hiểm cho người đi đường. Cụ thể như vào cuối tháng 5-2020, trên xa lộ Hà Nội, đoạn gần Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (thuộc P.An Bình, TP.Biên Hòa) có 2 bảng quảng cáo có kích thước lớn đã cũ, xuống cấp. Một bảng có chân trụ đã bị gãy, sẵn sàng đổ bất cứ lúc nào; bảng còn lại đã bị bung tấm thiếc xuống bãi cỏ ven đường. Nhiều người đi đường không khỏi lo lắng vì chỉ cần có gió mạnh đẩy các tấm thiếc này ra đường hoặc bảng quảng cáo còn lại bị đổ sập thì nguy cơ tai nạn rất khó lường.
Ông Trần Văn Lâm (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) kiến nghị, những cơn mưa kèm theo gió lốc, sấm sét trong những ngày gần đây khiến ai đang đi ngoài đường cũng thực sự lo lắng vì sợ cây đổ hoặc bảng quảng cáo, mái tôn bay trúng người. Rất mong các cơ quan chức năng cho rà soát, kiểm tra để chấn chỉnh, khắc phục những trường hợp đặt bảng quảng cáo không đúng quy định, gia cố trụ những bảng quảng cáo không chắc chắn hoặc bị xuống cấp để đảm bảo an toàn cho người đi đường, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần.
* Tăng cường giải pháp an toàn
Về vấn đề đảm bảo an toàn đối với các bảng quảng cáo ngoài trời, ông Trần Trọng Tá, Trưởng phòng Quản lý VH-TTDL (Sở VH-TTDL) cho biết, thực hiện theo văn bản hướng dẫn từ Bộ VH-TTDL, hằng năm chuẩn bị bước vào mùa mưa bão, Sở đều có công văn gửi các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo, các địa phương về việc rà soát, kiểm tra, bảo dưỡng, gia cố bảng quảng cáo.
Bảng quảng cáo trên xa lộ Hà Nội, đoạn gần Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (thuộc P.An Bình, TP.Biên Hòa) bị gãy đổ. Ảnh chụp cuối tháng 5-2020. Ảnh: Sông Lam |
Nhằm tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo, Sở VH-TTDL phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về hoạt động quảng cáo ảnh hưởng đến mỹ quan, an toàn giao thông. Đồng thời, đề nghị các tổ chức, cá nhân tiến hành kiểm tra, rà soát mức độ an toàn và có các biện pháp khắc phục đối với các công trình quảng cáo; đảm bảo an toàn về xây dựng, điện, PCCC; tổ chức kiểm tra thường xuyên, kiểm tra đột xuất, xử lý vi phạm hoạt động quảng cáo trên biển hiệu, bảng quảng cáo…
Nhận định về tính an toàn PCCC đối với việc treo gắn biển hiệu, bảng quảng cáo sai quy định, một cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cho biết, các vật liệu tạo nên biển quảng cáo phần lớn là những chất dễ cháy, nếu có sự cố chập điện hay nguồn gây cháy, các tia lửa sẽ lan nhanh và gây cháy lớn. Nguyên nhân chính dẫn đến cháy, nổ biển quảng cáo là do thi công từ đầu không đạt chất lượng và chập điện khi nước mưa ngấm qua lớp vỏ ngoài (nhựa, kính, bạt) hư hỏng theo thời gian sử dụng. Bên cạnh đó, một số bảng quảng cáo tại các nhà cao tầng đặt ở các vị trí che chắn ban công, cửa sổ cũng có thể gây cản trở quá trình thoát hiểm, cứu nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Theo khuyến cáo của Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, để đảm bảo an toàn, không xảy ra chập, cháy, đổ biển quảng cáo..., đơn vị sử dụng, quản lý biển cần kiểm soát nguồn điện chặt chẽ; chọn mua, sử dụng các thiết bị truyền tải điện phù hợp đề phòng quá tải chập cháy, rò rỉ điện bằng cách sử dụng cầu dao điện có thiết bị bảo vệ tự đóng - ngắt tự động; thường xuyên kiểm tra các lớp vỏ ngoài (nhựa, kính, bạt) và chân cố định sau các trận mưa lớn, tránh để tình trạng gãy, đổ, chập điện do ngấm nước. Bên cạnh đó, đơn vị thi công biển nên dùng các loại bóng LED có công suất đáp ứng yêu cầu nhưng không tỏa nhiệt lượng cao làm cháy lớp nhựa bên ngoài bảng hiệu quảng cáo, gây cháy.
Kim Liễu - Đăng Tùng