Sau khi bài: "Cảnh báo tình trạng sử dụng bằng cấp giả" đăng vào ngày 3-6, Báo Đồng Nai đã nhận được sự quan tâm của bạn đọc. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải xử lý nghiêm tình trạng này...
Sau khi Báo Đồng Nai đăng bài Cảnh báo tình trạng sử dụng bằng cấp giả vào ngày 3-6, đã nhận được sự quan tâm của bạn đọc (BĐ). Nhiều ý kiến BĐ cho rằng, trước tình trạng bằng cấp, giấy tờ giả rao bán tràn lan trên mạng xã hội như hiện nay, không khó để sở hữu một bộ hồ sơ giả nhưng trông như thật để xin việc làm. Do đó, ngành chức năng cần có giải pháp để chấn chỉnh, xử lý nghiêm tình trạng này.
Các hồ sơ, giấy tờ giả bị Công an P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) phát hiện. Ảnh: Thành Vinh |
[links()]Một số BĐ nhấn mạnh, nếu công tác quản lý, rà soát hồ sơ ban đầu của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp không tốt sẽ không chỉ tạo sự mất công bằng trong tuyển dụng, đề bạt, bố trí, quy hoạch mà còn có thể gây ra các hậu quả xã hội do các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng bằng cấp giả để hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là trên lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe người dân.
* Bức xúc về việc dùng bằng bác sĩ, dược sĩ giả để hành nghề
Qua thông tin báo đăng về việc bà Đinh Kim Loan sử dụng bằng bác sĩ chuyên khoa giả để vào thực hành tại Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và sử dụng bằng dược sĩ giả để lập nhà thuốc tại P.Tân Phong (TP.Biên Hòa) khiến nhiều BĐ không khỏi bức xúc. Nhiều BĐ thắc mắc, không hiểu sao một trường hợp hoàn toàn không có chuyên môn nghiệp vụ về ngành Y nhưng lại được thực hành trong một bệnh viện lớn một thời gian mới bị phát hiện.
Một số BĐ còn ví hành vi sử dụng bằng cấp bác sĩ và dược sĩ giả để hành nghề chẳng khác nào là một hành động “giết người không dao” vì đây là những nghề đặc thù liên quan trực tiếp đến sinh mạng của con người. BĐ Nguyễn Văn Công (ngụ P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) bày tỏ, một người hoàn toàn không có chuyên môn về ngành Y nhưng sử dụng bằng bác sĩ giả để thực hành trong bệnh viện nếu không bị phát hiện thì không biết hậu quả sẽ như thế nào.
BĐ Nguyễn Văn Công nói: “Việc bà Loan dùng bằng dược sĩ giả để bán thuốc chữa bệnh cho người dân cũng rất nguy hiểm. Không có chuyên môn mà họ dám đứng ra bán thuốc chữa bệnh chẳng khác nào họ đang đem mạng sống của người dân ra đánh cược”.
Tương tự BĐ Trần Thị Hương (ngụ xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) nêu ý kiến, hành vi sử dụng bằng cấp giả để trục lợi trên bất kỳ lĩnh vực và hoạt động nào đều vi phạm pháp luật. Riêng với hành vi của bà Loan sử dụng 2 bằng cấp bác sĩ, dược sĩ giả là vừa coi thường pháp luật vừa xem thường sức khỏe, tính mạng con người cần phải xử lý nghiêm.
* Ngăn chặn từ khâu công chứng, chứng thực
Trước tình trạng bằng cấp, giấy tờ giả được rao bán tràn lan trên mạng xã hội với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện như hiện nay, nhiều BĐ đặt ra vấn đề, không chỉ các cơ quan, đơn vị tuyển dụng phải rà soát, kiểm tra khi tiếp nhận hồ sơ xin việc làm của lao động mà những cơ quan chức năng trong lĩnh vực công chứng, chứng thực cũng phải luôn cảnh giác.
Con dấu giả bị Công an P.Tam Phước (TP.Biên Hòa) phát hiện. Ảnh: Thành Vinh |
Là cán bộ làm trong lĩnh vực tư pháp lâu năm, bà Hồ Thị Mỹ Tiên, công chức tư pháp, hộ tịch P.Bửu Long (TP.Biên Hòa) cho biết, việc kiểm tra, rà soát kỹ các dấu hiệu giả mạo trong hoạt động công chứng, chứng thực là hoạt động thường xuyên của cán bộ phụ trách. Tuy nhiên để xác định được đâu là bằng cấp, giấy tờ giả trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn các cán bộ chuyên trách đều phải dựa vào kinh nghiệm, sự hiểu biết và khả năng của cá nhân để vận dụng vào việc kiểm tra, phát hiện.
Theo bà Tiên, trên thực tế tình trạng làm bằng cấp, giấy tờ giả rất tinh vi. Chính vì vậy cán bộ phụ trách phải nắm bắt được những dấu hiệu có thể phát hiện đó là giả hay thật như: chữ ký của người lãnh đạo, dấu mộc trong các loại văn bằng, giấy tờ này để nhận biết.
Phó chủ tịch UBND P.Bửu Long Hứa Hoàng Huynh cho biết, nhằm tránh tình trạng để lọt bằng cấp, giấy tờ giả thông qua hoạt động chứng thực, lãnh đạo phường luôn chú trọng công tác kiểm tra; đồng thời thường xuyên cử cán bộ phụ trách tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ để nâng cao kỹ năng trong phát hiện, xử lý các đối tượng sử dụng bằng cấp giả.
Cùng trao đổi về vấn đề này, bà Phan Thị Vân Anh, Trưởng văn phòng công chứng Thống Nhất (TP.Biên Hòa) cho biết, trong những năm qua văn phòng cũng đã nhiều lần phát hiện các trường hợp khả nghi dùng giấy tờ giả để công chứng và đã báo cho cơ quan chức năng giải quyết. Theo bà Vân Anh, thủ đoạn làm giấy tờ, bằng cấp giả ngày càng tinh vi.
Việc phát hiện đâu là giấy tờ, bằng cấp giả chủ yếu vẫn dựa vào kinh nghiệm thực tế. Trong đó những dấu hiệu dễ nhận biết nhất là dấu mộc và chữ ký của người cấp bằng, cơ quan cung cấp giấy tờ đó. Riêng đối với các loại văn bằng để phát hiện thật giả là vấn đề nan giải. Bởi công chứng viên sẽ không nắm hết được chữ ký lãnh đạo các cơ sở GD-ĐT trên cả nước. Trong khi đó việc công chứng các loại văn bằng không phân theo địa hạt như làm hồ sơ nhà đất.
Để ngăn chặn tình trạng bằng cấp, giấy tờ giả trong các hoạt động xã hội, theo bà Vân Anh không chỉ cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc xử lý mà mỗi người dân cũng phải tự nâng cao ý thức trách nhiệm của mình. Mỗi người dân phải nhận thức được đó là hành vi vi phạm pháp luật để không vi phạm. Ngoài ra, trong các hoạt động giao dịch khác người dân cũng phải tự nêu cao cảnh giác, nhất là hoạt động mua bán giao dịch liên quan đến các loại tài sản có giá trị như: đất đai, nhà, xe…
Thành Vinh