Báo Đồng Nai điện tử
En

Mua điện với giá cao vì vướng quy hoạch

10:06, 01/06/2020

Hàng chục năm nay, hơn 200 hộ dân ngụ P.Tân Phong (TP.Biên Hòa) không được cấp điện trực tiếp mà phải mua lại với mức giá cao (từ 3-7 ngàn đồng/kW). Đang trong cao điểm nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao khiến hóa đơn tiền điện của các hộ dân "đội" lên cao, chiếm một phần đáng kể trong thu nhập của những người dân nơi đây (chủ yếu là công nhân).

Hàng chục năm nay, hơn 200 hộ dân ngụ P.Tân Phong (TP.Biên Hòa) không được cấp điện trực tiếp mà phải mua lại với mức giá cao (từ 3-7 ngàn đồng/kW). Đang trong cao điểm nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao khiến hóa đơn tiền điện của các hộ dân “đội” lên cao, chiếm một phần đáng kể trong thu nhập của những người dân nơi đây (chủ yếu là công nhân).

Do việc câu mắc điện tự phát nên điện ở nhiều hộ dân ở KP.11, P.Tân Phong (TP.Biên Hòa) thường chập chờn vào giờ cao điểm. Trong ảnh: Một hộ dân ngụ KP.11, P.Tân Phong kiểm tra công tơ điện của gia đình. Ảnh: Lê An
Do việc câu mắc điện tự phát nên điện ở nhiều hộ dân ở KP.11, P.Tân Phong (TP.Biên Hòa) thường chập chờn vào giờ cao điểm. Trong ảnh: Một hộ dân ngụ KP.11, P.Tân Phong kiểm tra công tơ điện của gia đình. Ảnh: Lê An

* Mua điện với giá 7 ngàn đồng/kW

Hơn 10 năm nay, anh Vũ Nam Nhi (ngụ KP.11, P.Tân Phong) đã nhiều lần làm đơn đăng ký sử dụng điện sinh hoạt, tuy nhiên đến nay anh vẫn phải “câu” nhờ điện từ nhà hàng xóm và phải trả tiền với mức giá cao. Mặc dù các con đi học, hai vợ chồng anh đi làm cả ngày nhưng trung bình anh phải trả tiền điện hơn 1 triệu đồng/tháng.

“Tôi làm đơn đăng ký sử dụng điện từ khi mới về đây vào năm 2009, lần gần đây nhất tôi gửi đơn là cuối năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa được cấp điện. Hiện tại tôi đang “câu” nhờ điện nhà hàng xóm với mức giá cao nhất biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt” - anh Nhi chia sẻ.

Tương tự, chị Hoàng Thị Xoan (cùng ngụ KP.11A, P.Tân Phong) cũng mua đất và xây nhà đã nhiều năm nay nhưng không được cấp điện trực tiếp của ngành điện lực mà phải kéo nhờ từ một hộ khác cách xa nhà hơn 2km với mức giá 7 ngàn đồng/kW. Trong khi công suất điện chỉ đủ cho nấu cơm, quạt và đèn chiếu sáng. Nếu muốn bơm nước chị phải đợi đêm khuya mọi người ngủ hết hoặc sáng sớm thức dậy bơm. “Chúng tôi ở đây sống khổ sở vì thiếu điện. Vào giờ cao điểm, tôi cắm nồi cơm điện hơn 2 giờ mới chín. Tôi rất mong được sử dụng điện trực tiếp từ ngành điện lực để giảm bớt gánh nặng chi phí” - chị Xoan kiến nghị.

Theo một số hộ dân  ở KP.11A, P.Tân Phong, hiện có 3 tổ: 39, 40 và 41 trong KP.11A có 216 hộ dân sinh sống trên 5 năm mà chưa được cấp điện, nước sạch. Nguyên nhân chính được cho là khu vực này trước đây thuộc đất quốc phòng và đến năm 2010 thì bàn giao về cho địa phương quản lý. Tuy nhiên sau khi bàn giao thì khu vực này chưa có quy hoạch về xây dựng.

Ông Đặng Văn Vinh, cán bộ địa chính P.Tân Phong cho biết, các hộ dân xây dựng trước cũng như sau thời điểm bàn giao đất quốc phòng về cho địa phương quản lý không làm giấy phép xây dựng, khu vực này cũng chưa quy hoạch xây dựng nên việc cấp điện, nước gặp khó khăn.

* Chờ quy hoạch đất ở

Không chỉ phải chịu mức giá điện sinh hoạt cao, hơn 200 hộ dân ở khu vực này còn phải chịu nhiều rủi ro do việc câu mắc điện tự phát như: gãy trụ hoặc đứt đường dây điện khi mưa lớn; bị cháy thiết bị điện do công suất điện không ổn định; chi phí khắc phục sự cố... Vì vậy người dân nơi đây luôn mong muốn được mua điện trực tiếp và trả tiền điện theo quy định của ngành điện lực.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Trọng Ninh, Giám đốc Điện lực Biên Hòa cho biết, hơn 200 hộ dân thuộc các tổ 39, 40 và 41, KP.11A, P.Tân Phong nằm trong đề án cấp điện sinh hoạt tạm đã được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2017. Điện lực Biên Hòa đã nhiều lần liên hệ với địa phương để làm việc tuy nhiên còn vướng thủ tục liên quan đến quy hoạch sử dụng đất.

Theo ông Ninh, ngày 13-5 UBND TP.Biên Hòa đã có Thông báo số 1209/TB-UBND về việc phối hợp giải quyết cấp điện cho 216 hộ dân ở P.Tân Phong theo đề nghị của ngành điện lực. Cụ thể, UBND thành phố đã chỉ đạo cho Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa phối hợp cùng P.Tân Phong rà soát, báo cáo cụ thể cho UBND TP.Biên Hòa để xin ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy và UBND tỉnh. Sau khi có kết quả, UBND TP.Biên Hòa sẽ thông báo cho Điện lực Biên Hòa biết để giải quyết cấp điện theo quy định. Những khu vực có đủ điều kiện và được phép cấp điện là ngành điện triển khai đầu tư đường dây ngay.

Ông Phạm Hoàng Minh, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa cũng cho hay, đối chiếu với điều kiện sử dụng đất và điều kiện cấp điện thì có khoảng 104/216 hộ được cấp điện. Trước mắt có thể cấp điện, nước cho số hộ dân đã được thành phố cấp hộ khẩu và sổ tạm trú trên diện tích phù hợp với quy hoạch đất ở. Hiện tại, Phòng Quản lý đô thị đang tham mưu UBND TP.Biên Hòa trình duyệt quy hoạch phân khu A6 theo quy hoạch chung của UBND TP.Biên Hòa để cụ thể hóa xác lập chức năng diện tích đất quốc phòng bàn giao cho phường.

Như vậy, trong thời gian tới, có thể có 1/2 số hộ nói trên được xem xét cấp điện, nước. Số còn lại phải chờ xác lập chức năng diện tích đất quốc phòng của UBND tỉnh và TP.Biên Hòa. Việc sớm hoàn thành quy hoạch đất ở để người dân, đặc biệt là công nhân lao động mua đất làm nhà được mua điện sinh hoạt trực tiếp từ ngành điện sẽ giúp họ giảm bớt gánh nặng chi phí, giảm rủi ro quá tải gây mất an toàn cho ngành điện.

 Lê An

Tin xem nhiều