Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm sao để xử lý dứt điểm ngập nước?

08:06, 14/06/2020

Bài báo TP.Biên Hòa chống ngập mùa mưa đăng trên Báo Đồng Nai  phản ánh chỉ với những cơn mưa lớn thời điểm chuyển mùa đã khiến nhiều khu vực, tuyến đường trên địa bàn TP.Biên Hòa bị ngập nước gây khó khăn cho người dân trong việc lưu thông, mất an toàn khi qua các cống thoát nước, cầu dân sinh xuống cấp đã nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc (BĐ) Báo Đồng Nai.

Bài báo TP.Biên Hòa chống ngập mùa mưa đăng trên Báo Đồng Nai  phản ánh chỉ với những cơn mưa lớn thời điểm chuyển mùa đã khiến nhiều khu vực, tuyến đường trên địa bàn TP.Biên Hòa bị ngập nước gây khó khăn cho người dân trong việc lưu thông, mất an toàn khi qua các cống thoát nước, cầu dân sinh xuống cấp đã nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc (BĐ) Báo Đồng Nai.

Một người dân phải khơi thông nắp cống để thoát nước ngập trên đường Đồng Khởi đoạn qua P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa). Ảnh: D.Ngọc
Một người dân phải khơi thông nắp cống để thoát nước ngập trên đường Đồng Khởi đoạn qua P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa). Ảnh: D.Ngọc

[links()]Phần lớn ý kiến BĐ đều đánh giá, ngập nước đô thị là hậu quả tổng hợp của nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố con người trong việc quy hoạch, diễn biến bất thường của thời tiết, việc lấn chiếm các dòng suối thoát nước và cả thói quen xả rác hằng ngày của người dân.

* Sống chung với ngập

BĐ Vũ Hương Lan (ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) cho biết, cơn mưa lớn chiều 13-6 khiến tuyến đường Bùi Văn Hòa (khu vực Cổng 11) ngập sâu, giao thông ùn tắc kéo dài. Hằng ngày, từ công viên Tam Hiệp về nhà ở P.Phước Tân chỉ mất khoảng 15 phút nhưng chiều 13-6 phải mất hơn 1 giờ xe buýt mới qua khỏi đoạn đường ngập nước này. Đây là tuyến đường nối Khu công nghiệp Biên Hòa 2 và Khu công nghiệp Long Bình nên lưu lượng xe lưu thông vào giờ cao điểm rất đông đúc.

Ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho biết, TP.Biên Hòa hiện còn 12 điểm ngập tập trung tại các phường: Long Bình, Long Bình Tân, Tân Phong, Tân Hiệp, Phước Tân... Trong đó, có 3 vị trí, khu vực ngập nặng đang được các ngành chức năng xử lý, giải quyết.

“Người dân nơi đây chỉ mong tuyến đường này không còn ngập nước và người dân ven khu vực không còn phải sống chung với ngập khi nước từ thượng nguồn đổ về, nhưng xem ra năm nay, tình trạng ngập sau mưa ở đây vẫn chưa được khắc phục” - BĐ Vũ Hương Lan bày tỏ.

Tương tự, BĐ Nguyễn Văn Cả (ngụ P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) cũng cho rằng, bài báo phản ánh rất đúng, quốc lộ 51 đoạn gần Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh thường xuyên bị ngập nước sau mỗi cơn mưa lớn. Mùa mưa năm 2019, khu vực này ngập đến 8 lần. Nhiều hôm nước thoát không kịp, gây ngập sâu đến cả mét, tuyến đường này lại có nhiều phương tiện giao thông qua lại nên không đảm bảo an toàn, nhất là trong mùa mưa.

BĐ Nguyễn Văn Cả phân tích, muốn dứt điểm ngập, phải nhìn từ quy hoạch cả khu vực - những nơi vốn là “rốn” lũ nhiều năm qua chứ không chỉ xử lý riêng lẻ. Nếu cứ “chạy” để giải quyết từng nơi, vị trí ngập thì trong tương lai với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, biến đổi khí hậu khó có thể xử lý dứt điểm ngập. Do đó, chính quyền các cấp cần có kế hoạch tổng thể, phối hợp từ tất cả ngành giao thông, quy hoạch, kiến trúc, xây dựng.

Rác bủa vây các miệng cống thoát nước trên quốc lộ 1 đoạn qua P.Tân Biên (TP.Biên Hòa)
Rác bủa vây các miệng cống thoát nước trên quốc lộ 1 đoạn qua P.Tân Biên (TP.Biên Hòa)

Trong khi đó, thẳng thắn nhìn vào vấn đề, nhiều BĐ chỉ ra một trong những nguyên nhân gây ngập, đó là việc buông lỏng trong quản lý, để xảy ra tình trạng nhiều hộ dân lấn chiếm đất, làm hẹp dòng chảy các con suối. Nhiều con suối bị “bức tử” bởi bê tông của các công trình nhà ở, hàng quán xây san sát dọc hai bên suối.

BĐ Lê Thúy Quyên (ngụ P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) nhận định, ngập nước còn do ý thức kém của không ít người. Ra đường thì vô tư phát tờ rơi, người dân thậm chí còn xả rác tràn lan nên khi mưa xuống lại dồn hết xuống cống. Chưa hết, các quán ăn, nhà hàng cứ vô tư đổ thức ăn thừa với dầu mỡ xuống miệng cống, lâu ngày bít hết miệng cống nếu không được khơi thông thường xuyên thì nước không có chỗ thoát hoặc thoát nước chậm.

* Không để vứt rác bừa bãi

Ông Nguyễn Tuấn (công nhân một công ty vệ sinh môi trường ở TP.Biên Hòa) cho biết, cách đây mấy ngày các nắp thoát nước trên quốc lộ 1 (đoạn qua P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) đã được các công nhân dọn sạch sẽ. Tuy nhiên, cơn mưa đêm 12-6 lại khiến mọi thứ đâu vẫn vào đó, rác ken đặc tứ phía nắp thoát nước.

Ông Tuấn nói thêm, không chỉ trên mặt đường mà dưới cống nước, rác nổi lềnh bềnh với đủ loại từ bao ny-lông, ly nhựa, ống hút, ly giấy, xác động vật và kể cả kim tiêm không nắp đậy. Chỉ khi nào người dân ngưng xả rác thì dưới lòng cống này mới sạch rác được. Nếu như ai cũng đem rác bỏ đúng nơi quy định, đúng ở thùng rác và xe rác đến gom đi kịp thời thì rác không có đường “chạy” xuống dưới cống.

Nhiều BĐ nêu ý kiến, TP.Biên Hòa là đô thị loại I nhưng vẫn “đau đầu” trước tình trạng còn nhiều người vứt rác thải sinh hoạt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan đô thị. Nhiều phường đã cắm bảng cấm xả rác nơi công cộng, kèm theo quy định mức xử phạt hành chính đối với hành vi này nhưng nhiều người bất chấp, vẫn mang rác thải sinh hoạt đến đổ tại đây. Do đó, người dân mong chính quyền địa phương cần có hình thức xử lý nghiêm đối với những người có hành vi xả rác tràn lan.

BĐ Đỗ Thúy Vi (ngụ P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) cho hay: “Mới đây khi Bộ TN-MT đề xuất quy định thu phí rác sinh hoạt theo ký, người xả nhiều rác sẽ phải trả nhiều tiền tôi rất đồng tình. Ở nhiều nước trên thế giới đã làm được việc này và người dân ủng hộ, chấp hành nghiêm chỉnh”.

Liên quan đến quy định này, nhiều BĐ cũng cho rằng, việc cân rác trả tiền sẽ tác động lớn đến túi tiền người dân, từ đó giúp giảm phát thải một cách vô tội vạ như hiện nay khi bất cứ thứ gì không còn sử dụng, người dân đều cho vào thùng rác. Muốn hạn chế phát thải, người dân buộc phải phân loại rác tại nguồn tốt hơn. Về lâu dài sẽ tạo thành thói quen, nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường, giúp đường phố sạch sẽ, hạn chế tình trạng rác thải “bủa vây” khắp nơi.

Dương Ngọc

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích