Sau vụ tai nạn lao động tại một công trình xây dựng làm 10 người chết, nhiều người bị thương xảy ra vào ngày 14-5 tại Khu công nghiệp Giang Điền (H.Trảng Bom), nhiều bạn đọc đã bày tỏ lo lắng về sự thiếu an toàn lao động tại các công trình xây dựng riêng lẻ (nhà ở) tại TP.Biên Hòa.
Sau vụ tai nạn lao động tại một công trình xây dựng làm 10 người chết, nhiều người bị thương xảy ra vào ngày 14-5 tại Khu công nghiệp Giang Điền (H.Trảng Bom), nhiều bạn đọc đã bày tỏ lo lắng về sự thiếu an toàn lao động tại các công trình xây dựng riêng lẻ (nhà ở) tại TP.Biên Hòa.
Thợ xây làm việc tại một công trình xây dựng nhà cao tầng ở P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) không được trang bị đồ bảo hộ lao động, các giàn giáo không có lưới chắn vật liệu xây dựng rơi xuống đường (Ảnh chụp ngày 1-6). Ảnh: M.Thành |
Nhiều bạn đọc cho biết, một số công trình xây dựng nhà cao tầng trong thành phố có diện tích thi công nhỏ, công trình xây dựng lại được xây cao, công nhân làm việc trong khoảng không gian nhỏ trên giàn giáo chông chênh, thiếu các biện pháp bảo hộ lao động... khiến nguy cơ tai nạn lao động rất cao.
* Tiềm ẩn nhiều nguy hiểm
Từ phản ảnh của bạn đọc, trong 2 ngày 1 và 2-6, phóng viên Báo Đồng Nai đã ghi nhận tại một số công trình xây dựng nhà cao tầng tại TP.Biên Hòa trên các tuyến đường: Võ Thị Sáu (P.Thống Nhất), Đặng Đại Độ (P.Hiệp Hòa), Hà Huy Giáp (P.Quyết Thắng)... cho thấy, phần lớn công nhân làm việc không có trang bị đồ bảo hộ lao động. Nhiều công trình xây 3-4 tầng (chiều cao khoảng 15m) không có lan can an toàn; xung quanh khu vực xây dựng không được rào chắn...
Bà Nguyễn Thị Thảo (ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) bày tỏ: “Nhìn thợ xây đứng cheo leo trên giàn giáo, không có dây bảo hộ khiến nhiều người “thót tim”. Nếu không may những người này trượt chân té sẽ rất nguy hiểm, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Đó là chưa kể các công trình xây dựng nhà cao tầng nhưng không có lưới bọc quanh giàn giáo nguy cơ mất an toàn cho cả thợ xây lẫn người ở dưới đất, nhất là mấy nhà thi công ngay mặt tiền đường rất dễ làm rơi vật liệu xây dựng xuống người đi đường bên dưới”.
Trong những năm qua, tại TP.Biên Hòa đã xảy ra một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng trong khi thi công các nhà dân riêng lẻ. Cụ thể như vào ngày 21-11-2017 đã xảy ra sập giàn giáo tại công trình xây dựng nhà ở P.Tân Phong làm 2 người thiệt mạng. Ngày 4-10-2017, xảy ra tai nạn khi một phụ hồ rơi xuống từ tầng 2 ngôi nhà đang xây ở P.Tân Hiệp dẫn tới thiệt mạng. Hay ngày 6-6-2018, trong khi đang thi công công trình nhà ở tại P.Phước Tân thì một thợ xây bị điện giật tử vong.
Tuy tai nạn lao động trong xây dựng thường xảy ra như vậy nhưng theo một chủ thầu xây dựng nhỏ tại P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa), phần lớn các công trình xây dựng nhà ở dân dụng là các nhóm thợ tự phát, người lao động thường được thuê theo ngày, không được đào tạo kỹ mà học nghề dạng “cầm tay chỉ việc” và làm theo kinh nghiệm. Ít người nào đòi hỏi chủ thầu có trách nhiệm trang bị đồ bảo hộ. Do đó, nhiều chủ thầu, trưởng các nhóm thợ xây tự phát cũng “lờ” luôn.
Ngoài ra, người chủ thầu này cũng nói thêm: “Hiện nay chỉ có các công ty xây dựng lớn, nhận các công trình lớn, trọng điểm là có chú ý tới vấn đề an toàn cho người lao động vì thường bị cơ quan chức năng “soi” kỹ. Còn các công trình nhỏ ít bị kiểm tra công tác an toàn lao động nên họ cũng ít quan tâm đến công tác này”.
* Cần tăng cường kiểm tra, giám sát
Hiện nay, để các đơn vị thi công có căn cứ thực hiện các biện pháp an toàn, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng (QCVN 18: 2014/BXD) kèm Thông tư số 14/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng. Theo đó, các hoạt động xây dựng đều có quy chuẩn về khoảng cách, vật liệu, phương tiện bảo hộ, kể cả người làm việc tại một số môi trường đặc biệt cũng buộc phải được đào tạo... để đảm bảo an toàn.
Ông Nguyễn Hữu Thọ (ngụ xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom) đề xuất, có thể phạt ngưng hoạt động của đơn vị thi công một thời gian nếu để xảy ra tai nạn khi xây dựng. Thậm chí, tận dụng hình ảnh từ camera an ninh tại địa phương để ghi nhận các hoạt động thi công trong “tầm mắt”, từ đó cử các tổ trật tự xuống tận hiện trường để xử phạt tại chỗ thay vì lập đoàn kiểm tra nhiều thành phần. |
Luật sư Ngô Văn Định, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh cho biết, nếu xảy ra vi phạm về an toàn lao động trong quá trình xây dựng thì cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10-10-2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở hay Nghị định 88/2015/NĐ-CP ngày 7-10-2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để tiến hành xử phạt.
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo một số phường ở TP.Biên Hòa, trong quá trình kiểm tra xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ, lực lượng chức năng chủ yếu kiểm tra giấy phép, phản ảnh của hàng xóm, tranh chấp... Riêng công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động chỉ nhắc nhở, ít xử phạt.
Trước thực trạng công tác an toàn lao động ở các công trình xây dựng nhà riêng lẻ chưa được chú trọng, một số bạn đọc cho rằng, thay vì nhắc nhở, cơ quan chức năng cần phải kiên quyết xử phạt vì thực tế đã có người tử vong vì những vấn đề tưởng là nhỏ này.
Anh Phan Trung Kiên (ngụ P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) kiến nghị: “Nên buộc chủ thầu, trưởng nhóm thợ hoặc chủ nhà cam kết không để xảy ra vi phạm an toàn vệ sinh lao động. Hoặc xử phạt nặng với các lỗi cơ bản như: không trang bị đồ bảo hộ lao động, để rơi vãi vật liệu xây dựng... để các đơn vị thi công chú ý hơn trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, hạn chế xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng tại các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ”.
Minh Thành