Chị Lưu Luyến (ngụ xã Phú Hội, H.Nhơn Trạch) hỏi, pháp luật về hôn nhân và gia đình quy định những trường hợp nào vợ chồng chung sống với nhau không có đăng ký kết hôn vẫn xem là hôn nhân hợp pháp.
* Chị Lưu Luyến (ngụ xã Phú Hội, H.Nhơn Trạch) hỏi, pháp luật về hôn nhân và gia đình quy định những trường hợp nào vợ chồng chung sống với nhau không có đăng ký kết hôn vẫn xem là hôn nhân hợp pháp.
- Về nội dung này, ông Lê Xuân Quý, Chánh Văn phòng Sở Tư pháp tỉnh cho hay, hôn nhân được coi là hợp pháp khi nam từ đủ 20 tuổi trở lên và nữ từ đủ 18 tuổi trở lên có quan hệ hôn nhân với nhau thông qua việc đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy vậy, để giải quyết vấn đề các cặp vợ chồng sống chung với nhau nhưng không đăng ký kết hôn, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và các văn bản hướng dẫn quy định 2 trường hợp pháp luật thừa nhận hôn nhân hợp pháp khi:
Trường hợp thứ nhất: Nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 3-1-1987. Lúc này, hai người vẫn được công nhận là vợ chồng hợp pháp kể từ ngày hai bên xác lập quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng. Khi đó, hai bên nam, nữ được khuyến khích và tạo điều kiện để đăng ký kết hôn (Điều 44 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hộ tịch năm 2014).
Trường hợp thứ 2: Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 3-1-1987 đến trước ngày 1-1-2001. Theo quy định tại Điều 131, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: “Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập trước ngày luật này có hiệu lực (ngày 1-1-2015) thì áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình tại thời điểm xác lập để giải quyết”.
Cho nên, việc nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 1-1-2015 được áp dụng pháp luật của thời điểm hai người chung sống với nhau. Khi đó, nếu nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng từ ngày 3-1-1987 đến trước ngày 1-1-2001 thì phải có nghĩa vụ đăng ký kết hôn. Thời hạn tối đa đến ngày 1-1-2003. Sau ngày 1-1-2003 mà vẫn không đăng ký thì không được công nhận.
Đoàn Phú (ghi)