Cùng với các địa phương trong tỉnh, TP.Biên Hòa đang trong giai đoạn chuyển mùa, bên cạnh thời tiết nắng nóng thỉnh thoảng đã có những cơn mưa vào buổi chiều. Để phòng ngừa các tai nạn rủi ro trong thời điểm chuyển mùa do lốc, sét và lũ lụt, ngập nước khi chính thức vào mùa mưa lũ, trong những ngày gần đây, các đơn vị chức năng của thành phố ráo riết hoàn thành các kế hoạch ứng phó với mưa lũ.
Cùng với các địa phương trong tỉnh, TP.Biên Hòa đang trong giai đoạn chuyển mùa, bên cạnh thời tiết nắng nóng thỉnh thoảng đã có những cơn mưa vào buổi chiều. Để phòng ngừa các tai nạn rủi ro trong thời điểm chuyển mùa do lốc, sét và lũ lụt, ngập nước khi chính thức vào mùa mưa lũ, trong những ngày gần đây, các đơn vị chức năng của thành phố ráo riết hoàn thành các kế hoạch ứng phó với mưa lũ.
Nhân viên Trung tâm Dịch vụ công ích TP.Biên Hòa cắt tỉa cây xanh tuyến đường Huỳnh Văn Nghệ (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa). Ảnh: Minh Thành |
* Nỗ lực hạn chế tai nạn, rủi ro
Để đảm bảo an toàn cho người dân vào mùa mưa năm 2020, ngay từ cuối năm 2019 đến nay, các cơ quan liên quan của TP.Biên Hòa đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó chủ yếu là nạo vét cống, mương thoát nước; chặt, tỉa cây xanh, khảo sát các cây có nguy cơ gãy đổ để tìm phương án xử lý...
Cuối năm 2019, trên các tuyến đường Đồng Khởi (P.Tân Hiệp), Phạm Văn Thuận (P.Tân Mai), Hoàng Minh Chánh (P.Hóa An) đã được làm xong hệ thống chống ngập bằng việc mở rộng cống thoát nước hoặc làm hệ thống thoát nước bề mặt. Trong tháng 3 và tháng 4-2020, Trung tâm Dịch vụ công ích TP.Biên Hòa cũng hoàn thành công tác nạo vét mương cống các tuyến đường như: Hà Huy Giáp, Phan Trung, Trần Công An, Nguyễn Bảo Đức, Trương Định, Đặng Đức Thuật...
Ông Dương Tấn Hữu, Trưởng phòng Xây dựng hạ tầng Trung tâm Dịch vụ công ích TP.Biên Hòa cho biết: “Hiện tại chúng tôi đang triển khai nạo vét hệ thống thoát nước đường Huỳnh Văn Nghệ, Phạm Văn Diêu và Dương Tử Giang. Dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 5-2020. Chúng tôi cũng đã hỗ trợ các phường, xã hoàn thành công tác nạo vét một số hệ thống thoát nước. Sắp tới, sẽ thực hiện nạo vét nhánh phụ Rạch Lung ở P.Bửu Long, dự kiến cũng hoàn thành trong tháng 5-2020”.
Ngoài việc khơi thông cống, mương thoát nước, Trung tâm Dịch vụ công ích TP.Biên Hòa đã hoàn thành công tác cắt tỉa cây xanh trên các đường trung tâm TP.Biên Hòa (Hưng Đạo Vương, Nguyễn Văn Trị...) và hiện tại đang tập trung cắt tỉa cây xanh tuyến đường Huỳnh Văn Nghệ. Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn mùa mưa, bão, trung tâm sẽ khảo sát cây xanh trồng trên các tuyến đường để có báo cáo và đề xuất Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa chặt hạ, thay thế cây xanh có nguy cơ ngã đổ mùa mưa bão trên các tuyến đường Nguyễn Ái Quốc, Phan Đình Phùng, Phan Chu Trinh, Trần Quốc Toản...
Không chỉ vậy, vừa qua UBND TP.Biên Hòa cũng tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại 11 nhà cao tầng, trong đó chú trọng kiểm tra hệ thống điện, chống sét đánh thẳng. Từ đó, cơ quan chức năng kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế trong thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy của một số công trình cao tầng trọng điểm và đề xuất biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống cháy, nổ, trong đó có cháy, nổ do sét đánh.
* Người dân vẫn lo lắng
Dù cơ quan chức năng của TP.Biên Hòa đã và đang nỗ lực ngăn ngừa nguy cơ mất an toàn vào mùa mưa nhưng thực tế, người dân TP.Biên Hòa vẫn còn lo ngại các rủi ro trong mùa mưa, nhất là các phường vùng ven. Cụ thể như người dân sống tại P.Long Bình, P.Long Bình Tân, P.An Hòa... vẫn còn “ám ảnh” những trận mưa lớn gây ngập diện rộng, kéo dài trên nhiều khu vực ở quốc lộ 51, đường Bùi Văn Hòa và một số khu dân cư, trường học gần đó gây hư hỏng nhiều tài sản; ùn tắc giao thông kéo dài hàng giờ.
Bà Trần Bình Minh (ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) cho hay, mấy năm nay hễ trời mưa lớn là trên đường Bùi Văn Hòa, khu vực Cổng 11 ngập sâu do nước từ thượng nguồn đổ về thoát không kịp làm ngập nhiều nhà dân ở ấp Vườn Dừa (P.Phước Tân). Nhiều trường hợp đi xe máy cố chạy qua chỗ ngập còn bị trôi xe do nước chảy xiết. Bà Minh mong mùa mưa năm nay ngành chức năng quan tâm khắc phục tình trạng này để không còn xảy ra ngập cục bộ ở khu vực này khi có mưa lớn như những năm trước đây.
Ngoài ra, nhiều ý kiến người dân cũng bày tỏ lo lắng, hiện nay cây xanh đô thị (do cơ quan chức năng quản lý) đã được quan tâm cắt tỉa cành thường xuyên nhưng ven các tuyến đường vẫn còn nhiều cây xanh do các hộ dân, tổ chức tự trồng chưa được cắt tỉa cành, kiểm tra rễ thường xuyên nên vẫn còn nguy cơ gãy, đổ khi có mưa to, gió lớn.
Đơn cử như, cơn mưa lớn chiều 25-4 khiến một cây xanh lớn trồng trước một nhà dân trên đường Bùi Văn Hòa (thuộc KP.11, P.An Bình, TP.Biên Hòa) gãy làm đôi, cành cây đổ ra đường gây cản trở giao thông nhưng mãi đến ngày 26-4 mới được dọn.
Do đó, trong công tác quản lý, chăm sóc cây xanh đô thị cũng cần chú ý đến những cây xanh do người dân trồng tự phát. Nếu thấy những cây nào có nguy cơ gãy, đổ, đơn vị chức năng cần cảnh báo cho chính quyền địa phương vận động, yêu cầu chủ nhà phải có biện pháp khắc phục để tránh xảy ra những tai nạn, rủi ro đáng tiếc cho người đi đường do cây gãy, đổ gây ra.
Minh Thành