Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng ngừa đuối nước ở các hồ thủy điện, thủy lợi

09:05, 07/05/2020

Đồng Nai là tỉnh có số lượng ao hồ, sông, suối khá nhiều, nằm rải rác ở các nơi với con sông lớn là sông Đồng Nai có chiều dài đi qua nhiều địa phương trong tỉnh. Tình trạng đuối nước ở các khu vực này vẫn thường xuyên xảy ra, nhất là ở các khu vực hồ thủy điện hay hồ thủy lợi như: hồ Trị An (H.Vĩnh Cửu), hồ Đa Tôn (H.Tân Phú)...

Đồng Nai là tỉnh có số lượng ao hồ, sông, suối khá nhiều, nằm rải rác ở các nơi với con sông lớn là sông Đồng Nai có chiều dài đi qua nhiều địa phương trong tỉnh. Tình trạng đuối nước ở các khu vực này vẫn thường xuyên xảy ra, nhất là ở các khu vực hồ thủy điện hay hồ thủy lợi như: hồ Trị An (H.Vĩnh Cửu), hồ Đa Tôn (H.Tân Phú)...

Cán bộ, chiến sĩ Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Trảng Bom (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh) trục vớt thi thể nạn nhân đuối nước ngày 1-5 tại hồ Trị An (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: Cơ quan chức năng cung cấp
Cán bộ, chiến sĩ Đội chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Trảng Bom (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh) trục vớt thi thể nạn nhân đuối nước ngày 1-5 tại hồ Trị An (H.Vĩnh Cửu). Ảnh: Cơ quan chức năng cung cấp

* Tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước

Trong thời gian qua, tại Đồng Nai đã xảy ra những vụ đuối nước thương tâm ở các hồ thủy điện, hồ thủy lợi khi người dân đi đến đây để vui chơi, dã ngoại và “giải nhiệt”. Cụ thể như chỉ trong 3 ngày, từ ngày 29-4 đến 1-5, trên địa bàn H.Vĩnh Cửu xảy ra 2 vụ đuối nước ở khu vực hồ Trị An làm 3 người chết, trong đó có 2 học sinh THPT ở TP.Biên Hòa.

Chủ động chống đuối nước

Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Xuân Thanh cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ có khoảng 100 hồ bơi cố định (lượng hồ bơi di động không đáng kể) nên việc dạy bơi, học bơi vẫn còn bị hạn chế. Để giảm nguy cơ đuối nước, hằng năm, Sở đều có chương trình tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh để giúp các em có kỹ năng ứng xử các tình huống khi xảy ra đuối nước. Đồng thời Sở cũng có văn bản gửi đến các đơn vị quản lý hồ bơi để tổ chức lớp dạy bơi miễn phí, giảm học phí cho học sinh, trẻ em vào mùa hè; thường xuyên tổ chức các hội thi, hội thao bơi các lứa tuổi trên toàn tỉnh để nâng cao khả năng bơi lội của các em...

Theo cơ quan công an cảnh báo, hằng năm hồ Trị An thường xảy ra các vụ đuối nước do người dân tự ý xuống hồ bơi mà không biết bơi hoặc xuống nước không có các giải pháp an toàn (mang theo phao, mặc áo phao...). Trong khi đó, các khu vực thuộc hồ Trị An có rất nhiều xoáy nước ngầm và các hố dạng lòng chảo. Nếu người dân không biết bơi, xuống nước rất dễ bị nước cuốn hoặc sụp hố dẫn đến đuối nước, tử vong.

Trước đó, vào cuối năm 2018, một vụ đuối nước thương tâm xảy ra trên hồ Đa Tôn (xã Thanh Sơn, H.Tân Phú) làm 3 người chết do bị lật thuyền khi tự chèo ra hồ chơi nhưng không biết bơi. Trong khi đó, hồ Đa Tôn là hồ thủy lợi được giao cho công ty thủy lợi quản lý. Do hồ sâu và nguy hiểm nên khu vực này đã được chính quyền địa phương cắm biển cảnh báo, cấm không cho người dân vào. Tuy nhiên, vẫn có một số người bất chấp nguy hiểm vào khu vực hồ để vui chơi, dã ngoại rồi xảy ra sự việc thương tâm.

* Không được chủ quan

Anh Lê Nguyễn Sơn Lâm, huấn luyện viên bơi (Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh, Sở
VH-TTDL) khuyến cáo người dân không nên đến gần khu vực sông, suối, ao, hồ... khi không biết bơi. Nếu đã biết bơi cũng không được chủ quan. Không nên ăn no, uống rượu, bia, dùng chất kích thích trước khi bơi. Những người mắc bệnh tim mạch, động kinh... không nên đi bơi.

“Khi tắm, bơi ở các khu vực sông, suối, hồ, biển... phải tự lượng sức, không bơi đến chỗ nước sâu, nước chảy xiết, có sóng lớn, khu vực cấm. Trẻ em khi đi bơi cần phải có người lớn đi kèm. Phải khởi động thật kỹ trước khi bơi, không vận động quá sức đề phòng cơ bắp bị co cứng đột ngột rất dễ bị đuối nước” - anh Lâm nhấn mạnh.

Theo khuyến cáo của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, việc xuống chơi đùa hoặc tắm ở các hồ thủy lợi, thủy điện rất nguy hiểm vì các khu vực này có mặt nước rộng, nước chảy mạnh, địa hình dưới mặt nước (dòng chảy ngầm, xoáy nước, hố trũng...) phức tạp. Ngay cả những người biết bơi khi rơi vào các dòng chảy ngầm, xoáy nước cũng dễ bị chìm do vận động cường độ mạnh khiến nhanh mất sức và bị chìm do đuối nước.

Trung úy Lê Minh Tuyên, cán bộ Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực Biên Hòa (Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh) lưu ý, khi phát hiện thấy người bị đuối nước, cần kêu gọi mọi người gần đó đến ứng cứu; nhanh chóng tìm bất kỳ vật dụng nào để có thể cứu gián tiếp như: phao, can nhựa, cây sào... cho những người bị đuối nước bám vào sẽ hiệu quả hơn. Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu không biết bơi và không biết cách cứu vì bản thân mình cũng có thể bị đuối nước.

Theo chính quyền một số địa phương trong tỉnh, để phòng ngừa đuối nước tại các khu vực hồ thủy điện, thủy lợi, các đơn vị quản lý, khai thác đập, hồ chứa thủy lợi, thủy điện phải tổ chức kiểm tra, rà soát các vị trí có nguy cơ xảy ra đuối nước để thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn, phòng ngừa; thông báo kịp thời việc vận hành xả lũ cho người dân, chính quyền khu vực công trình và vùng hạ du sau đập chủ động phòng tránh; kiểm tra khu vực hạ du công trình trước khi vận hành xả lũ nhằm hạn chế các thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại về tính mạng con người. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ, tuyệt đối không để cho người dân (nhất là trẻ em) vào khu vực lòng hồ tắm, đánh bắt cá...

Đăng Tùng

Tin xem nhiều