Báo Đồng Nai điện tử
En

Đốt cỏ, rác không phải là chuyện nhỏ

10:05, 12/05/2020

Vụ cháy 6 căn nhà ở P.Phước Tân (TP.Biên Hòa) ngày 12-5 đang được các cơ quan chức năng điều tra. Tuy nhiên, theo người dân quanh khu vực, nguyên nhân là do cháy lan từ một đống rác thải nhựa tại một khu đất trống ở gần đó. Qua vụ cháy này, một lần nữa cho thấy hành vi đốt cỏ, rác bừa bãi không thể coi là chuyện nhỏ.

Vụ cháy 6 căn nhà ở P.Phước Tân (TP.Biên Hòa) ngày 12-5 đang được các cơ quan chức năng điều tra. Tuy nhiên, theo người dân quanh khu vực, nguyên nhân là do cháy lan từ một đống rác thải nhựa tại một khu đất trống ở gần đó. Qua vụ cháy này, một lần nữa cho thấy hành vi đốt cỏ, rác bừa bãi không thể coi là chuyện nhỏ.

Lực lượng chữa cháy Công an TP.Biên Hòa dập tắt đám cháy cỏ ngày 15-2 tại P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa). Ảnh: Đăng Tùng
Lực lượng chữa cháy Công an TP.Biên Hòa dập tắt đám cháy cỏ ngày 15-2 tại P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa). Ảnh: Đăng Tùng

Khi đọc thông tin Cháy 6 căn nhà trong đêm đăng trên Báo Đồng Nai phát hành ngày 12-5, một số bạn đọc tỏ ra lo lắng, từ đầu năm 2020 đến nay, trên toàn tỉnh đã xảy ra nhiều đám cháy, vụ cháy lớn do người dân đốt cỏ, rác bừa bãi gây cháy lan, cháy lớn khiến lực lượng chữa cháy phải dập trong nhiều giờ.

* Hành động thiếu trách nhiệm

Một số bạn đọc tại các phường Hố Nai, Trảng Dài, Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) cũng phản ảnh nhiều trường hợp đốt cỏ, rác nhưng lơ là, đốt xong bỏ đi, thiếu kiểm soát nên không kịp thời dập tắt lửa... dẫn tới xảy ra những đám cháy, vụ cháy lớn đe dọa khu dân cư. Cụ thể như vụ cháy kho mút, xốp ngày 12-3, tại KP.5, P.Hố Nai (TP.Biên Hòa) gây hư hỏng tài sản của 8 hộ dân và Trường mầm non Đức Thanh được cơ quan chức năng nhận định là do người dân đốt rác tại bãi đất trống cách đó 5m, tàn lửa bay vào kho gây cháy.

Luật sư Ngô Văn Định, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh cho rằng, nên có quy định rõ các điều kiện cho việc đốt cỏ, lá khô và hướng xử lý khi xảy ra hậu quả cho từng trường hợp. Ngoài ra, tự mỗi người phải có ý thức, việc pháp luật không cấm thì có thể làm, nhưng không được ảnh hưởng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Bạn đọc Nguyễn Hoàng (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho rằng, hành vi đốt cỏ, rác không kiểm soát là một thói quen xấu, là hành động thiếu trách nhiệm với cộng đồng. Từ những đám cháy nhỏ có thể gây cháy lan, cháy lớn làm mất rất nhiều thời gian, công sức của lực lượng chữa cháy cũng như kinh phí của Nhà nước; chưa kể đám cháy lan vào khu dân cư còn gây những hậu quả khó lường.

Vì vậy trên trang Facebook của Báo Đồng Nai, bạn đọc Nguyenvanduc Nguyen đã yêu cầu làm rõ vụ cháy 6 căn nhà ở P.Phước Tân và di dời các vựa ve chai cách xa khu dân cư để vừa không gây ô nhiễm môi trường vừa đảm bảo an toàn cháy, nổ.

Trước thực trạng đó, bạn đọc Mai Thị Nguyệt (ngụ P.Trảng Dài) hiến kế: “Nếu có quy định cho sử dụng hình ảnh người dân ghi lại để phạt nguội các trường hợp đốt rác sẽ rất hay. Hoặc cơ quan chức năng sớm lập một ứng dụng trên điện thoại thông minh để người dân chúng tôi chụp hình, quay clip phản ảnh việc này. Từ đó chính quyền địa phương sẽ sớm nắm bắt để kịp ngăn chặn, không để phát sinh nguy cơ cháy, nổ”.

* Cảnh báo nhiều nhưng vẫn xảy ra

Nhiều ý kiến bạn đọc thắc mắc việc đốt cỏ, rác gây cháy lan, cháy lớn ra khu dân cư dù được cơ quan chức năng cảnh báo, khuyến cáo liên tục, nhất là dịp trước và trong mùa khô, nhưng vẫn còn xảy ra.

Lý giải cho việc này, lãnh đạo một số UBND phường ở TP.Biên Hòa cho biết, hiện nay, tại Điểm b, Khoản 2, Điều 7, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình nêu rõ phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi tự ý đốt rác, chất thải, chất độc hoặc các chất nguy hiểm khác ở khu vực dân cư, nơi công cộng. Tuy nhiên, về việc đốt cỏ, lá khô, phế phẩm nông nghiệp... thì vẫn chưa có quy định cấm nên người dân vẫn “vô tư” đốt.

Vì vậy, đối với các trường hợp đốt cỏ, lá khô, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương chỉ có thể tuyên truyền, vận động người dân không đốt cỏ, rác, tránh để hậu quả đáng tiếc xảy ra. Nếu phát sinh vấn đề giữa các hộ gia đình vì việc đốt rác thì ban, ngành, đoàn thể địa phương cũng chủ yếu khuyên ngăn, hòa giải là chính.

Ngoài ra, tại Điều 48, Nghị định 167 cũng nêu rõ, phạt tiền từ 300-500 ngàn đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại dưới 2 triệu đồng. Còn thiệt hại từ 2 triệu đồng đến hơn 50 triệu đồng sẽ có các mức phạt khác nhau từ 500 ngàn đồng đến 50 triệu đồng (tùy hành vi). Chưa kể còn trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hình sự nếu thiệt hại tài sản cá nhân, tổ chức, gây hậu quả nghiêm trọng...

Theo lãnh đạo một số địa phương, dù quy định xử lý về đốt rác thải đã có nhưng lại thiếu chi tiết và hướng dẫn thực hiện. Mức phạt dưới 5 triệu đồng thì UBND cấp xã có quyền xử lý nhưng chưa quy định cụ thể các căn cứ để xác định mức độ thiệt hại, mức độ nguy hại cũng như mức bồi thường... Ngoài ra, để trưng cầu giám định ô nhiễm, chất độc cũng rất mất thời gian...

Đăng Tùng

Tin xem nhiều