Báo Đồng Nai điện tử
En

Vướng mắc về kinh phí sửa chữa camera xã hội hóa

09:04, 27/04/2020

TP.Biên Hòa có dân số trên 1,2 triệu dân, hằng năm số vụ phạm pháp hình sự luôn chiếm trên 50% tổng số vụ của cả tỉnh. Nhiều giải pháp đã được đưa ra để kéo giảm tội phạm, trong đó có vận động xã hội hóa lắp đặt hệ thống camera an ninh phòng, chống tội phạm.

TP.Biên Hòa có dân số trên 1,2 triệu dân, hằng năm số vụ phạm pháp hình sự luôn chiếm trên 50% tổng số vụ của cả tỉnh. Nhiều giải pháp đã được đưa ra để kéo giảm tội phạm, trong đó có vận động xã hội hóa lắp đặt hệ thống camera an ninh phòng, chống tội phạm.

Công an P.Bửu Hòa (TP.Biên Hòa) cùng người dân lắp camera xã hội hóa trên địa bàn phường. Ảnh: M.Đức
Công an P.Bửu Hòa (TP.Biên Hòa) cùng người dân lắp camera xã hội hóa trên địa bàn phường. Ảnh: M.Đức

Tuy nhiên, sau thời gian hoạt động, nhiều camera xuống cấp, không sử dụng được. Việc sửa chữa, bảo trì camera từ nguồn kinh phí nào vẫn còn đang vướng mắc.

* Khó khăn kinh phí sửa chữa camera

Từ năm 2015, được sự cho phép của UBND TP.Biên Hòa, Công an thành phố tham mưu thành lập Ban Vận động các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, hộ kinh doanh, các gia đình có điều kiện về kinh tế hợp tác, hỗ trợ kinh phí lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh nhằm bảo vệ tài sản, phát hiện tội phạm, chủ động nắm tình hình an ninh trật tự. Đến nay, toàn thành phố đã vận động được trên 7 tỷ đồng để lắp đặt tại 829 vị trí, với hơn 2,8 ngàn mắt camera quan sát nơi công cộng.

Theo Công an TP.Biên Hòa, hiện toàn thành phố có 184 đầu ghi hình và 638 camera không sử dụng được, cần sửa chữa, thay mới. Ngoài ra, kinh phí để bảo trì hơn 2,1 ngàn camera hoạt động liên tục, ổn định và chi phí sử dụng internet tại một số nơi vẫn còn đang tiếp tục vận động xã hội hóa.

Sau thời gian hoạt động, hệ thống camera lắp đặt ngoài trời bị tác động bởi thời tiết đã xuống cấp, hư hỏng, một số không hoạt động do dây điện bị đứt, đường truyền kết nối wi-fi không hoạt động. Trước đây, ban vận động chỉ ưu tiên kinh phí lắp đặt mới, chưa dự trù kinh phí bảo trì, bảo dưỡng định kỳ nên không có kinh phí sửa chữa, thay mới. Trong khi hệ thống camera muốn quan sát tốt phải được bảo trì thường xuyên.

Theo ông Nguyễn Đình Hạp, Trưởng KP.2, P.Tân Mai, việc vận động lắp đặt camera an ninh thời điểm đầu rất thuận lợi, nhân dân, cơ sở kinh doanh trong khu phố đều ủng hộ. Tuy nhiên khi vận động chỉ là lắp mới, không có kinh phí cho sửa chữa, khi hỏng cần thay, sửa thì lại đi vận động kinh phí. Việc này mất nhiều thời gian nhưng hiệu quả không cao vì khu phố còn phải vận động nhiều nội dung khác.

“Vừa qua, nhờ hệ thống camera an ninh xã hội hóa đã giúp công an phá nhiều vụ án, tìm ra manh mối của các vụ trộm cắp tài sản, tai nạn giao thông. Tôi nghĩ người dân đã bỏ kinh phí lắp đặt mới thì Nhà nước cũng nên quan tâm hỗ trợ kinh phí sửa chữa, bảo trì hoặc thay mới khi hỏng để hệ thống camera hoạt động liên tục, hỗ trợ tích cực cho lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm” - ông Hạp kiến nghị.

* Vướng mắc vì chưa có tiền lệ

Trong cuộc họp mới đây tại UBND P.Hiệp Hòa về sửa chữa camera an ninh theo hình thức xã hội hóa, đại diện Phòng Tài chính - kế hoạch cho biết, hiện chưa có văn bản quy định việc sử dụng kinh phí của Nhà nước để sửa chữa những camera lắp đặt theo hình thức xã hội hóa.

Theo  Phòng Tài chính - kế hoạch TP.Biên Hòa, hệ thống camera an ninh hiện do tổ chức, nhân dân tự túc kinh phí để trang bị, tự quản lý và sử dụng chung. Đây là tài sản thuộc sở hữu của tổ chức, người dân. Trong các văn bản về quản lý ngân sách của Nhà nước hiện chưa có hướng dẫn sử dụng kinh phí nhà nước để sửa chữa những tài sản của người dân, dù biết rằng để phục vụ an ninh trật tự chung. Nếu muốn sử dụng kinh phí nhà nước thì cần bàn giao hệ thống camera của tổ chức, cá nhân đang sở hữu sang cho chính quyền địa phương sở hữu, quản lý.

Về vấn đề này, đại úy Nguyễn Thành Trung, Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào Bảo vệ an ninh Tổ quốc Công an TP.Biên Hòa cho biết, camera an ninh đang hỗ trợ hiệu quả cho phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với tội phạm, góp phần bảo đảm ANTT, nhất là trên các địa bàn đô thị. Kinh phí lắp đặt chủ yếu là vận động xã hội hóa của cá nhân, tổ chức. Hiện cũng có nhiều camera đã hỏng và chưa được bảo dưỡng, Công an thành phố vẫn đang tiếp tục tham mưu chính quyền vận động nhân dân để sửa chữa, thay mới nhưng về lâu dài cần có sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước.

TP.Biên Hòa đang có chủ trương xây dựng thành phố thông minh, trong đó có nguồn kinh phí nhà nước để lắp đặt hệ thống camera an ninh hiện đại tại những tuyến đường chính, những nơi phức tạp để quản lý xã hội và đảm bảo an ninh trật tự. Dù có lắp đặt thêm camera an ninh thì hệ thống camera đang hoạt động trong dân hiện rất lớn, đã phủ khắp các đoạn đường, hẻm nhỏ, nơi xa khu dân cư…, có tác dụng rất lớn trong phòng, chống tội phạm. Do đó, chính quyền TP.Biên Hòa cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ phù hợp để việc lắp đặt camera an ninh không chỉ là trách nhiệm của người dân mà còn là của Nhà nước.           

                Minh Đức

Tin xem nhiều
Camera mini camera gia re hcm camera hanwha chiết khấu caobáo giá camera yoosee 3 râu có màuBảng giá camera Ezviz tốt nhất