Báo Đồng Nai điện tử
En

Tự ý công khai thông tin cá nhân của người khác có thể bị phạt nặng

10:04, 09/04/2020

Hiện nay, rất nhiều trang mạng xã hội đăng công khai các thông tin cá nhân của người khác như: chứng minh nhân dân (CMND), căn cước công dân hoặc nhiều loại giấy tờ tùy thân với mục đích tìm người bị mất giấy tờ. Tuy nhiên, việc làm tốt này vô tình xâm phạm đến quyền cá nhân đối với hình ảnh.

Hiện nay, rất nhiều trang mạng xã hội đăng công khai các thông tin cá nhân của người khác như: chứng minh nhân dân (CMND), căn cước công dân hoặc nhiều loại giấy tờ tùy thân với mục đích tìm người bị mất giấy tờ. Tuy nhiên, việc làm tốt này vô tình xâm phạm đến quyền cá nhân đối với hình ảnh.

Một tài khoản Facebook đưa hình chụp chứng minh nhân dân của người khác lên với mục đích “giúp tìm người mất giấy tờ”, tuy nhiên việc này đã làm lộ hình ảnh, thông tin của người khác. Ảnh: M.Thành
Một tài khoản Facebook đưa hình chụp chứng minh nhân dân của người khác lên với mục đích “giúp tìm người mất giấy tờ”, tuy nhiên việc này đã làm lộ hình ảnh, thông tin của người khác. Ảnh: M.Thành

* Mục đích tốt nhưng dễ bị kẻ xấu lợi dụng

Trên một số tài khoản mạng xã hội được nhiều người theo dõi ở Đồng Nai như: N.Đ.N., B.H.Y... cũng thường xuyên đăng hình ảnh và các thông tin cá nhân của người đánh rơi giấy tờ nhằm giúp người bị mất giấy tờ nhanh chóng liên hệ để lấy lại. Theo đó, tất cả các thông tin của người bị mất giấy tờ được công khai trên mạng xã hội nên ai cũng có thể đọc và tải những hình ảnh này về được.

 Anh T.L., quản trị một trang mạng xã hội có đông người theo dõi ở Đồng Nai cho biết: “Việc đăng tải thông tin tìm người đánh mất giấy tờ rất đơn giản. Nếu có người nhặt được giấy tờ và chụp hình gửi chúng tôi sẽ đăng giúp. Chúng tôi chỉ làm mờ dãy số của CMND, còn lại để nguyên nhằm giúp người bị mất dễ tìm lại. Tuy nhiên, phần lớn các trang mạng xã hội khác không làm mờ các thông tin này”.

Luật sư Ngô Văn Định, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho rằng, việc đưa thông tin, hình ảnh cá nhân của người khác, nhất là CMND, căn cước công dân, sổ bảo hiểm... lên mạng xã hội khi chưa có sự đồng ý của cá nhân đó là vi phạm pháp luật. Trong trường hợp sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân để thu lợi bất chính hoặc với mục đích làm nhục, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác, gây dư luận xấu... thì nạn nhân có thể làm đơn tố giác cá nhân, tập thể có hành vi sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân trái phép đến công an địa phương.

* Có thể bị xử lý hình sự

Vừa qua, Bộ Công an cũng đã khuyến cáo việc sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác để đăng tải lên mạng xã hội mà không có sự đồng ý của người có hình ảnh là xâm phạm đến quyền cá nhân đối với hình ảnh và được pháp luật bảo vệ tại Điều 32, Bộ luật Dân sự năm 2015.

Đồng thời, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, người có hình ảnh bị xâm phạm có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người xâm phạm hình ảnh cá nhân của mình phải thu hồi, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, tại Điểm b, Khoản 1, Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định,  người nào thực hiện hành vi mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó, thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

“Việc cần làm khi nhặt được giấy tờ của người khác bị thất lạc là đưa ngay đến cơ quan công an gần nhất hoặc chuyển trả trực tiếp tới địa chỉ trên giấy tờ” - luật sư Ngô Văn Định cho hay.

Tại Khoản 2, Điều 84, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 (có hiệu lực từ 15-4-2020) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện tử, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, nêu rõ phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân; cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân; thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác.

Minh Thành

Tin xem nhiều