Thời gian qua, một số hộ dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh tự ý đặt các biển cấm đậu xe (dù khu vực này cơ quan chức năng không cấm đậu xe) ở trước nhà hoặc trước cửa hàng, thậm chí ở vỉa hè để ngăn không cho xe ô tô dừng, đậu vì lo ngại ảnh hưởng đến việc đi lại, buôn bán.
Thời gian qua, một số hộ dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh tự ý đặt các biển cấm đậu xe (dù khu vực này cơ quan chức năng không cấm đậu xe) ở trước nhà hoặc trước cửa hàng, thậm chí ở vỉa hè để ngăn không cho xe ô tô dừng, đậu vì lo ngại ảnh hưởng đến việc đi lại, buôn bán.
Một hộ dân trên đường Cách Mạng Tháng Tám (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) đặt biển cấm đậu xe trên vỉa hè. Ảnh: Đ.Tùng |
* Tự đặt biển cấm đậu xe
Trên nhiều tuyến đường tại TP.Biên Hòa, dù không có biển cấm đậu xe nhưng người dân rất dễ dàng bắt gặp các biển cấm đậu xe tự phát bằng kim loại hoặc giấy do người dân, các hộ kinh doanh ở mặt tiền đường tự gắn, dán lên trước cửa, tường. Có trường hợp vừa đặt biển cấm đậu xe vừa cảnh báo như: “Cấm đậu xe trước nhà. Nếu đậu sẽ gặp phiền phức, rắc rối”. Thậm chí, một số nơi còn đặt hẳn bảng cấm ra vỉa hè như một cây xăng trên đường Phạm Văn Thuận (P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa).
Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, một số hộ dân, chủ các cơ sở kinh doanh cho biết, đây là việc làm bất đắc dĩ do tình trạng đậu xe ô tô trên đường làm cản trở xe ra vào nhà hoặc cửa hàng của họ. Một số hộ kinh doanh cho biết giá thuê mặt bằng ở mặt tiền của họ khá cao, việc xe ô tô đậu trước cửa hàng sẽ choán chỗ, ảnh hưởng đến việc kinh doanh, buôn bán của họ.
Ông V.T.N. (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết: “Dù trong khu dân cư không cấm đậu xe nhưng tôi vẫn phải đặt biển cấm để người ta đậu xe né chỗ trước nhà tôi ra. Trước đây tôi còn đăng bảng với nội dung lịch sự là xin đừng đậu xe, sau này thấy không ăn thua nên tôi đặt biển cấm luôn để tài xế chú ý, hạn chế đậu xe bừa bãi”.
Trong khi đó, nhiều tài xế taxi cho biết, hiện nay tìm chỗ đậu xe ở TP.Biên Hòa rất khó. Ngay cả một số tuyến đường, cơ quan chức năng không đặt bảng cấm đậu xe nhưng khi tài xế dừng xe trên lề đường một chút đã bị người khác nhắc nhở, thậm chí nói những lời lẽ khó chịu, xua đuổi vì cho rằng tài xế không chấp hành theo bảng cấm đậu xe do những người này đặt ra.
* Tránh những bức xúc không đáng có
Theo Điểm b, Khoản 1 và Khoản 2, Điều 37 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, việc quy định các đoạn đường cấm đi, đường đi một chiều, nơi cấm dừng, cấm đậu, cấm quay đầu xe; lắp đặt báo hiệu đường bộ sẽ do Bộ trưởng Giao thông - vận tải chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên hệ thống quốc lộ; chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên các hệ thống đường bộ thuộc phạm vi quản lý. Do đó, không cá nhân, cơ quan, tổ chức nào được phép tự ý lập các biển báo giao thông, trong đó có các biển cấm dừng, đậu xe.
Một cây xăng trên đường Phạm Văn Thuận (P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) đặt biển cấm đậu xe trên vỉa hè |
Tuy nhiên, theo UBND một số phường ở TP.Biên Hòa, việc dẹp bỏ các biển cấm dừng, đậu xe tự phát này không dễ. Phó chủ tịch UBND P.Trảng Dài Dương Kim Trúc cho biết: “Các biển cấm do người dân tự ý làm nếu dán, treo trên cổng, tường nhà của họ thì rất khó để buộc họ tháo gỡ. Địa phương chỉ tịch thu các biển cấm tự phát đặt trên vỉa hè vì vi phạm quy định lấn chiếm vỉa hè. Trong trường hợp tài xế đậu xe sai nơi quy định của ngành chức năng, chủ nhà có thể tố giác, gọi điện cho Công an phường đến xử lý. Trong trường hợp các hộ dân dựa vào các biển cấm tự phát này để gây khó dễ hoặc có hành vi phá hỏng xe ô tô đậu trên đường là vi phạm pháp luật”.
Về thực trạng này, theo luật sư Ngô Văn Định, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh, nếu đoạn đường không cấm đậu thì tài xế đậu xe ở đó không phạm luật. Nếu chủ nhà có hành động mắng chửi, đập phá gây hư hại cho xe, tài xế hoàn toàn có quyền kiện ngược lại chủ nhà, mức phạt tiền có thể lên đến từ 2-5 triệu đồng do thực hiện hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Nếu thiệt hại nặng, người thực hiện hành vi còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Tuy nhiên, theo luật sư Ngô Văn Định, đành rằng các biển cấm đậu xe do người dân lập ra không có giá trị pháp lý, tuy nhiên để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc do đậu xe trước cửa nhà, ý thức của tài xế cũng rất quan trọng. Người lái có quyền đậu xe trên đường nếu cơ quan chức năng không gắn biển cấm, nhưng việc đậu xe không được làm ảnh hưởng đến lối đi ra vào nhà của người khác hoặc tránh làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh buôn bán ở gần nơi đậu xe. Tài xế cần dán số điện thoại trên xe để người dân liên lạc khi cần, tránh những bức xúc không đáng có.
Đăng Tùng