Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên giữa các doanh nghiệp dễ phát sinh các bất đồng, tranh chấp trong kinh doanh thương mại như: giao hàng chậm, không đúng số lượng, thời gian theo hợp đồng đã ký...
Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên giữa các doanh nghiệp dễ phát sinh các bất đồng, tranh chấp trong kinh doanh thương mại như: giao hàng chậm, không đúng số lượng, thời gian theo hợp đồng đã ký...
Luật sư Nguyễn Đức |
Để giải quyết vấn đề, các doanh nghiệp nếu không tự thỏa thuận, giải quyết, đàm phán được thì chọn tòa án hoặc trọng tài thương mại. Trao đổi về vấn đề này, trọng tài viên Nguyễn Đức, Giám đốc Chi nhánh Đông Nam bộ thuộc Trung tâm Trọng tài thương mại TP.HCM (gọi tắt là TRACENT) cho biết:
- Giải quyết tốt các bất đồng, tranh chấp trong thương mại sẽ giúp các doanh nghiệp yên tâm làm ăn và phát triển bền vững. Do đó, khi có phát sinh vấn đề tranh chấp trong thương mại, tốt nhất hai bên cùng ngồi lại để thống nhất phương án giải quyết đảm bảo lợi ích của đôi bên. Tuy nhiên, trong trường hợp không tự thỏa thuận được thì cần cân nhắc chọn cách thức can thiệp phù hợp.
* Luật Trọng tài thương mại có hiệu lực từ ngày 1-1-2011 nhưng đến nay vẫn còn khá mới mẻ với nhiều tổ chức, cá nhân. Vậy ông có thể nói rõ hơn về sự khác nhau cơ bản giữa việc chọn hình thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng tòa án và trọng tài thương mại?
- Một trong những điểm khác nhau cơ bản đó là việc doanh nghiệp chọn phương thức giải quyết tòa án thì bản án của tòa chỉ thi hành được ở Việt Nam mà không thi hành được ở nước ngoài. Còn chọn phương thức trọng tài thương mại thì phán quyết trọng tài được công nhận và cho thi hành trên 150 quốc gia.
Việc các tranh chấp kinh tế thương mại được các doanh nghiệp đưa ra giải quyết tại tòa án quá nhiều sẽ tạo áp lực quá tải cho tòa án. Đồng thời, việc giải quyết thường phải qua nhiều cấp xét xử tất yếu làm mất thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Việc giải quyết tranh chấp thương mại sẽ được giải quyết hiệu quả thông qua phương thức trọng tài thương mại với các ưu điểm: nhanh, gọn, ít chi phí, phán quyết trọng tài là chung thẩm và được thi hành trong nước cũng như tại nước ngoài, đảm bảo bí quyết kinh doanh,uy tín doanh nghiệp...
* Như vậy, ưu điểm của giải quyết tranh chấp thương mại bằng phương thức trọng tài là gì, thưa ông?
- Một số ưu điểm nổi trội khi giải quyết tranh chấp thương mại bằng phương thức trọng tài, các bên được chọn ngôn ngữ giải quyết tranh chấp, chọn luật giải quyết tranh chấp, chọn địa điểm giải quyết tranh chấp, chọn trọng tài viên giải quyết tranh chấp, thi hành phán quyết trọng tài trong nước ở Cục Thi hành án dân sự, được thi hành phán quyết trọng tài ở nước ngoài theo Công ước New York năm 1958.
* Theo ông, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư tại Việt Nam phải lưu ý vấn đề gì để hạn chế xảy ra các tranh chấp thương mại?
- Để tránh xảy ra tranh chấp thương mại, các doanh nghiệp phải biết bảo vệ mình trước những rủi ro trong các hợp đồng kinh doanh, thương mại, đầu tư. Do đó, trước khi ký kết hợp đồng các doanh nghiệp cần quan tâm những vấn đề sau: kiểm tra, xem xét hiệu lực của hợp đồng, đánh giá các chứng cứ tài liệu liên quan ảnh hưởng đến giá trị hợp đồng và nghĩa vụ phải làm của các bên theo thỏa thuận hợp đồng. Hoàn chỉnh cơ sở pháp lý bao gồm cả tra cứu nguồn án lệ để xác định đúng, xác định đủ các yêu cầu buộc đối tác thực hiện. Đây cũng là cơ sở quan trọng để giúp thắng kiện khi giải quyết tranh chấp.
Đại diện một doanh nghiệp ở TP.Biên Hòa nêu ý kiến liên quan đến trọng tài thương mại tại hội nghị phổ biến pháp luật trọng tài thương mại do Hội Luật gia tỉnh phối hợp với Công đoàn Khu công nghiệp Biên Hòa tổ chức |
Vận dụng linh hoạt kinh nghiệm, kỹ năng, khả năng đối đáp, ứng biến của chủ doanh nghiệp để giải quyết nhanh, chốt nhanh các điểm có lợi trong bước đàm phán, thương lượng tranh chấp hợp đồng trước khi khởi kiện. Các thỏa thuận mới được các bên thừa nhận là căn cứ hợp pháp và có giá trị tương đương với các tài liệu, chứng cứ hiện có. Doanh nghiệp phải luôn triển khai công việc tận tâm, dự tính các tình huống pháp lý và các phương án hạn chế các mâu thuẫn phát sinh trong toàn bộ quy trình giải quyết tranh chấp hợp đồng.
* Theo ông, vì sao các doanh nghiệp trong nước cần quan tâm đặc biệt khi giao kết hợp đồng với các doanh nghiệp nước ngoài?
- Trong những năm gần đây, Việt Nam đang hội nhập quốc tế vô cùng sâu rộng. Nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương được ký kết với nhiều đối tác chiến lược trên toàn thế giới như Hoa Kỳ, Nhật, Trung Quốc... Điều này mở ra không ít cơ hội phát triển cho việc kinh doanh, mua bán hàng hóa quốc tế, đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, trong kinh doanh, đầu tư quốc tế, việc tranh chấp là không thể tránh khỏi đặc biệt là khi giờ đây, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung sẽ phải tuân thủ theo “luật chơi” quốc tế trên một thị trường toàn cầu rộng lớn. Thực tế, trong thời gian qua, đã có không ít doanh nghiệp gặp rủi ro khi mua bán, đầu tư, hoạt động dịch vụ với các đối tác trong nước và nước ngoài. Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm trong xem xét điều khoản hợp đồng; ký kết hợp đồng dù chưa kiểm chứng đầy đủ thông tin về đối tác. Đây là lý do chính khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào thế bị động khi xảy ra tranh chấp, thậm chí bị lừa, mất tiền hoặc mất hàng. Đặc biệt khi tranh chấp xảy ra, doanh nghiệp thường lúng túng trong việc xử lý.
* Xin cảm ơn ông!
Diễm Quỳnh (thực hiện)