Báo Đồng Nai điện tử
En

Đề xuất bỏ quy định trang bị bình chữa cháy cho xe ô tô dưới 10 chỗ: Nhiều người đồng tình

10:04, 13/04/2020

Bộ Công an đang tổ chức lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 57/2015/TT-BCA (Thông tư số 57) ngày 26-10-2015 của Bộ Công an hướng dẫn về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy (PCCC) đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Bộ Công an đang tổ chức lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 57/2015/TT-BCA (Thông tư số 57) ngày 26-10-2015 của Bộ Công an hướng dẫn về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy (PCCC) đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Gần khu vực buồng lái chật chội, không có chỗ để nên nhiều người bỏ bình chữa cháy ở cốp xe. Ảnh minh họa: Minh Thành
Gần khu vực buồng lái chật chội, không có chỗ để nên nhiều người bỏ bình chữa cháy ở cốp xe. Ảnh minh họa: Minh Thành

Điều đáng lưu ý tại dự thảo lần này, Bộ Công an đã đề xuất bỏ quy định bắt buộc xe từ 4-9 chỗ phải trang bị bình chữa cháy. Bộ Công an kiến nghị chỉ bắt buộc trang bị bình chữa cháy đối với xe từ 10 chỗ trở lên. Việc này nhận được sự đồng tình của nhiều cá nhân, tổ chức.

* Quy định bất cập

Thông tư số 57 quy định, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 4 chỗ ngồi trở lên phải trang bị phương tiện PCCC (bình chữa cháy dưới 4kg) trên xe. Nếu không trang bị bình chữa cháy này sẽ bị phạt 300-500 ngàn đồng theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; PCCC; phòng, chống bạo lực gia đình.

Trong thời gian qua, quy định bắt buộc xe từ 4-9 chỗ phải trang bị bình chữa cháy còn có nhiều bất cập, chưa phù hợp thực tế. Ông Trần Văn Định (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cho biết: “Đối với xe ô tô dưới 9 chỗ, vì hãng xe vốn không thiết kế sẵn chỗ đặt bình chữa cháy nên đặt bình chỗ nào trong khoang xe cũng vướng. Rất khó tìm được chỗ đặt bình chữa cháy trong tầm tay người lái để chữa cháy khi cần thiết nên chỉ còn cách bỏ dưới cốp xe. Khi xảy ra cháy xe, tài xế chỉ còn nước bỏ chạy thoát thân chứ thời gian đâu mà mở cốp lấy bình ra chữa cháy”.

Thực tế cho thấy, tại Đồng Nai, trong năm 2019 đã xảy ra 7 vụ cháy xe ô tô (làm 1 người chết, 2 người bị thương), trong đó có 2 xe dưới 10 chỗ, 1 xe đầu kéo, còn lại là xe khách từ 16 chỗ trở lên. Có 3/7 vụ xảy ra do sự cố kỹ thuật, sự cố điện; 4 vụ đang điều tra. Tuy nhiên, vì sự cố diễn ra quá nhanh, tốc độ cháy lan lớn nên tài xế khi phát hiện cháy chỉ kịp bỏ chạy chứ không kịp lấy bình chữa cháy để xử lý. Hầu hết các vụ cháy xe đều do lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp dập tắt.

Bên cạnh đó, một số người lại lo ngại nguy cơ nổ bình chữa cháy trong xe. Theo Trung tâm Thiết bị PCCC 4/10, Phòng Hậu cần Công an tỉnh, bình chữa cháy là dạng khí nén ở áp suất cao, nhiệt độ thích hợp để bảo quản bình không quá 55OC, thời gian xịt khoảng 10 giây trong phạm vi 4-5m. Tuy nhiên, với cao điểm mùa khô hiện nay, xe đậu quá lâu dưới trời nắng nóng hơn 35OC sẽ làm nhiệt độ bên trong xe tăng cao, làm vượt ngưỡng an toàn của các bình chữa cháy dễ gây nổ, không đảm bảo an toàn cho xe.

* Nhiều người ủng hộ sửa đổi

Theo Điều 1 của dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 57, Bộ Công an đã đề xuất: thay thế cụm từ “ô tô từ 4 chỗ ngồi trở lên” tại Khoản 1, Điều 1 và Khoản 1, Điều 4 bằng cụm từ “ô tô từ 10 chỗ ngồi trở lên”. Tức là các ô tô từ dưới 10 chỗ không cần phải trang bị các phương tiện PCCC.

Việc lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 57 của Bộ trưởng Công an hướng dẫn về trang bị phương tiện PCCC đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trước đó đã được Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an triển khai cho các đơn vị địa phương, một số cơ quan, doanh nghiệp. Từ ngày 9-4, Bộ Công an đã đăng tải dự thảo Thông tư số 57 tại Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an (http://bocongan.gov.vn) để lấy ý kiến đóng góp trong vòng 2 tháng từ ngày 9-4 đến 9-6-2020.

Anh Phan Hoàng Hiếu (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) đang sở hữu một xe 7 chỗ chạy dịch vụ bày tỏ: “Nếu bỏ quy định bắt buộc xe từ 4-9 chỗ phải trang bị bình chữa cháy thì rất hay. Bởi đây là quy định bất hợp lý mà nhiều năm qua người dân cũng như cơ quan chức năng đã phản ảnh vì tính thực tế không cao. Thật sự nếu không may xảy ra cháy xe thì chỉ với 1 bình chữa cháy dưới 4kg xịt được khoảng 20 giây là hết cũng không hiệu quả”.

Không chỉ cá nhân mà một số tổ chức cũng đồng tình với đề xuất bỏ bình chữa cháy cho xe từ 4-9 chỗ. Theo Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai (Sở Giao thông - vận tải), Thông tư 57 cũng không đồng nhất với quy chuẩn của ngành giao thông - vận tải về việc trang bị bình chữa cháy trên xe ô tô. Cụ thể, theo Thông tư 57 thì xe ô tô từ 4-9 chỗ phải trang bị bình chữa cháy loại dưới 4kg. Trong khi đó, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2015/BGTVT về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô lại nêu rõ các loại xe chở hàng dễ cháy nổ, xe khách từ 16 chỗ ngồi trở lên phải được trang bị bình chữa cháy, không hề nhắc đến xe từ 4-9 chỗ.

Một cán bộ Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai cho hay: “Quy chuẩn QCVN 09:2015/BGTVT này là quy chuẩn quốc gia rồi, lại do Cục Đăng kiểm biên soạn, Vụ Khoa học - công nghệ trình duyệt, Bộ Giao thông - vận tải ban hành. Do đó, tôi nghĩ Bộ Công an đề xuất bỏ quy định bắt buộc xe từ 4-9 chỗ phải trang bị bình chữa cháy là phù hợp thực tế”.

Minh Thành

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích