Ông Lê Rạng (ấp Đồn Điền 3, xã Phú Túc, H.Định Quán) trình bày, ông có mua một mảnh đất (đất thổ cư) ở xã Long An (H.Long Thành). Khi mua đất, ông đến một tổ chức thừa phát lại để lập vi bằng về việc mua bán đất. Tuy nhiên, khi ông đi đăng ký sang tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDD) thì bị từ chối với lý do ông không có hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ được công chứng, chứng thực.
Ông Lê Rạng (ấp Đồn Điền 3, xã Phú Túc, H.Định Quán) trình bày, ông có mua một mảnh đất (đất thổ cư) ở xã Long An (H.Long Thành). Khi mua đất, ông đến một tổ chức thừa phát lại để lập vi bằng về việc mua bán đất. Tuy nhiên, khi ông đi đăng ký sang tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDD) thì bị từ chối với lý do ông không có hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ được công chứng, chứng thực. Vậy, việc từ chối cho ông đăng ký sang tên trên giấy chứng nhận QSDĐ trong trường hợp này có đúng hay không?
Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lê Triết Như Vũ cho hay, “sang tên” trên giấy chứng nhận QSDĐ về bản chất là thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất. Thủ tục này nhằm ghi nhận sự thay đổi về một hoặc một số thông tin đã đăng ký vào hồ sơ địa chính theo quy định của pháp luật. Khi người dân thực hiện chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế… QSDĐ cần thực hiện thủ tục trên theo đúng các quy định của pháp luật.
Theo Điều 167, Luật Đất đai năm 2013, việc chuyển nhượng QSDĐ phải được thông qua hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ, QSDĐ và tài sản gắn liền với đất đã được công chứng hoặc chứng thực. Khi thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai đối với trường hợp chuyển nhượng QSDĐ sẽ bao gồm các loại giấy tờ: đơn đăng ký biến động đất đai; hợp đồng, văn bản về việc chuyển nhượng QSDĐ và tài sản gắn liền với đất đã được công chứng hoặc chứng thực; bản gốc giấy chứng nhận QSDĐ và tài sản gắn liền với đất đã được cấp.
Mặt khác, theo Khoản 2, Điều 36 Nghị định 08/2020 ngày 8-1-2020 (có hiệu lực từ ngày 24-2-2020) quy định về tổ chức và hoạt động thừa phát lại, vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác. Vì vậy, vi bằng không phải là căn cứ để thực hiện thủ tục đăng ký đất đai thay cho hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ có công chứng hoặc chứng thực. Do đó, ông Lê Rạng không đủ điều kiện để làm thủ tục đăng ký biến động đất theo quy định của pháp luật.
Để giải quyết vướng mắc này, ông Lê Rạng cần liên hệ với người chuyển nhượng QSDĐ để thỏa thuận và lập hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ có công chứng tại các văn phòng, phòng công chứng hoặc chứng thực tại UBND cấp xã, phường theo đúng quy định của pháp luật.
Đoàn Phú (ghi)