Báo Đồng Nai điện tử
En

Thừa phát lại không được cưỡng chế trong thi hành án

10:03, 08/03/2020

Trước đây, theo Luật Thi hành án dân sự (THADS), thừa phát lại được áp dụng biện pháp cưỡng chế khi thi hành án (THA). Tuy nhiên, theo Nghị định 08/2020/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 08) ngày 8-1-2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại, từ ngày 24-2-2020, thừa phát lại không được cưỡng chế khi THA.

Trước đây, theo Luật Thi hành án dân sự (THADS), thừa phát lại được áp dụng biện pháp cưỡng chế khi thi hành án (THA). Tuy nhiên, theo Nghị định 08/2020/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 08) ngày 8-1-2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại, từ ngày 24-2-2020, thừa phát lại không được cưỡng chế khi THA.

Nhân viên Văn phòng thừa phát lại Biên Hòa tư vấn pháp luật về thừa phát lại cho cán bộ P.Long Bình Tân (TP.Biên Hòa). Ảnh: Đ.Phú
Nhân viên Văn phòng thừa phát lại Biên Hòa tư vấn pháp luật về thừa phát lại cho cán bộ P.Long Bình Tân (TP.Biên Hòa). Ảnh: Đ.Phú

Quy định mới này đã gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác THA của tổ chức thừa phát lại. Trước đây, Luật THADS cho phép thừa phát lại huy động lực lượng trong việc cưỡng chế THA. Tuy nhiên, do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể việc thừa phát lại yêu cầu lực lượng công an hỗ trợ trong cưỡng chế THA ra sao nên trong thời gian qua, các tổ chức thừa phát lại trên địa bàn tỉnh gặp nhiều vướng mắc trong hoạt động.

* Vướng vì thiếu hướng dẫn

Theo Văn phòng thừa phát lại Biên Hòa, rất khó triển khai cưỡng chế THA nếu không có lực lượng công an hỗ trợ. Trong thời gian qua, một số vụ việc, người dân đến nhờ thừa phát lại cưỡng chế THA theo bản án của tòa nhưng do thiếu hướng dẫn trong cưỡng chế THA nên rất khó thực hiện.

Chẳng hạn như, trước đây, Văn phòng thừa phát lại Biên Hòa có thụ lý theo yêu cầu của vợ chồng ông V.C. và bà T.T. (ngụ TP.Biên Hòa) trong việc cưỡng chế 50 ngàn m2 đất, cùng tài sản gắn liền với đất của bà K.C. (ngụ tại P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) theo bản án của TAND tỉnh.

Mặc dù bản án đã có hiệu lực thi hành, vợ chồng ông V.C. có đơn yêu cầu Văn phòng thừa phát lại Biên Hòa THA nhưng bà C. không tự nguyện thi hành. Văn phòng thừa phát lại Biên Hòa đã thực hiện các biện pháp nghiệp vụ như: tống đạt quyết định THA, gửi giấy triệu tập nhưng bà C. vẫn không có mặt, buộc Văn phòng thừa phát lại Biên Hòa phải tiến hành niêm yết; đồng thời xem xét phương án cưỡng chế bắt buộc theo quy định. Tuy nhiên, việc cưỡng chế thi hành bản án của tòa theo yêu cầu của vợ chồng ông V.C. bị kéo dài vì Văn phòng thừa phát lại Biên Hòa không được cơ quan công an hỗ trợ cưỡng chế THA.

Cơ quan THADS tỉnh có văn bản trả lời Văn phòng thừa phát lại Biên Hòa, hiện chưa có quy định nào hướng cơ quan công an hỗ trợ thừa phát lại trong việc huy động lực lượng cưỡng chế THA. Cho nên, thừa phát lại muốn được cơ quan công an hỗ trợ lực lượng trong cưỡng chế THA cần phải chờ hướng dẫn từ các cơ quan có thẩm quyền.

Về vấn đề này, Cục Pháp chế và cải cách hành chính - tư pháp (Bộ Công an) đã có văn bản trả lời cho Văn phòng thừa phát lại Biên Hòa như sau, việc cưỡng chế THADS mang tính quyền lực nhà nước đối với THADS khi có sử dụng biện pháp cưỡng chế. Quy định này chỉ áp dụng cho cơ quan THADS chứ không phải áp dụng cho thừa phát lại. Do đó, Cục Pháp chế và cải cách hành chính - tư pháp khẳng định, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định việc phối hợp tham gia bảo vệ cưỡng chế của lực lượng công an đối với việc cưỡng chế THADS do Văn phòng thừa phát lại thực hiện.

* Quy định rõ ràng hơn thẩm quyền của thừa phát lại

Để tháo gỡ vấn đề này và tạo điều kiện cho thừa phát lại hoạt động đúng pháp luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08. Cục trưởng THADS tỉnh Phan Văn Châu cho rằng, Nghị định 08 có nhiều quy định mới, quy định rõ hơn thẩm quyền của thừa phát lại. Tại Khoản 2, Điều 52 của Nghị định 08 chỉ rõ, khi tổ chức THA, thừa phát lại không được áp dụng các biện pháp bảo đảm THA, biện pháp cưỡng chế THA.

Ngoài ra Nghị định 08 còn quy định, khi tổ chức THA, thừa phát lại không được thực hiện các nhiệm vụ, quyền như: sử dụng công cụ hỗ trợ trong khi thi hành công vụ theo quy định tại Khoản 9, Điều 20 Luật THADS; xử phạt vi phạm hành chính; yêu cầu tòa án xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để THA theo quy định tại Điều 74 Luật THADS; yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu theo quy định tại Khoản 2, Điều 75 Luật THADS.

Nghị định 08 cũng quy định thừa phát lại không được phép thực hiện các quyền, nhiệm vụ như: yêu cầu tòa án xác định người có quyền sở hữu, sử dụng tài sản, giấy tờ tạm giữ; xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản để THA, giải quyết tranh chấp tài sản; yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản; giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản... Ngoài ra, thừa phát lại không được thực hiện các biện pháp bảo đảm bảo trong THA như: phong tỏa tài khoản; tạm giữ tài sản, giấy tờ; tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản...

Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 8-1-2020 về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại quy định những công việc thừa phát lại được làm gồm: tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu theo quy định của nghị định này và pháp luật có liên quan; lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của nghị định này; xác minh điều kiện THA theo yêu cầu của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định của nghị định này và pháp luật có liên quan; tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự theo quy định của nghị định này và pháp luật có liên quan.

Diễm Quỳnh

Tin xem nhiều