Báo Đồng Nai điện tử
En

Khẩu trang y tế: Cẩn trọng khi mua, hiểu biết khi dùng

08:03, 01/03/2020

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhu cầu mua khẩu trang phòng bệnh của người dân tăng cao. Tuy nhiên, người dân cần tìm hiểu kỹ, cẩn trọng khi mua và sử dụng khẩu trang đúng cách...

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhu cầu mua khẩu trang phòng bệnh của người dân tăng cao. Trước thực trạng này, người dân cần tìm hiểu kỹ, cẩn trọng khi mua, sử dụng khẩu trang đúng cách để phòng, chống dịch hiệu quả.

Sản phẩm của một cơ sở sản xuất khẩu trang y tế không giấy phép hoạt động tại P.Long Bình (TP.Biên Hòa) bị Công an TP.Biên Hòa phát hiện và xử lý.
Sản phẩm của một cơ sở sản xuất khẩu trang y tế không giấy phép hoạt động tại P.Long Bình (TP.Biên Hòa) bị Công an TP.Biên Hòa phát hiện và xử lý. Ảnh: T.Danh

Hiện nay, ở hầu hết các điểm bán lẻ như nhà thuốc, siêu thị, khẩu trang tế luôn trong tình trạng “cháy hàng” hoặc chỉ bán nhỏ giọt. Trong khi đó trên các trang mạng xã hội mặt hàng này được rao bán tràn lan với đủ loại, đủ xuất xứ với mức giá “trên trời”. Thậm chí nhiều trang mạng còn rao bán thẻ đeo kháng virus, xịt kháng khuẩn với những lời quảng cáo “có cánh” gây hiểu lầm cho khách hàng về tác dụng của sản phẩm.

* Giá cao nhưng… chất lượng thấp

Chỉ cần tìm kiếm trên các mạng xã hội (Zalo, Facebook), người dùng dễ dàng tiếp cận các trang cá nhân rao bán khẩu trang y tế. Mặt hàng này được rao bán với nhiều loại khác nhau có xuất xứ từ Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ... với mức giá cao.

Lợi dụng sự lo lắng của người dân trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh và tình trạng khan hiếm khẩu trang, nhiều người bán đã “đẩy” giá khẩu trang y tế lên mức cao ngất ngưỡng. Giá khẩu trang 4 lớp được một chủ tài khoản tên “Le ha cam tu” rao bán đến 350 ngàn đồng/hộp 50 cái với cam kết hàng chất lượng có xuất xứ rõ ràng, nhận giao hàng trên toàn quốc. Còn chủ tài khoản “tranthu” rao bán khẩu trang N-95 với giá 185 ngàn đồng/chiếc, khẩu trang 3D mask giá 65 ngàn đồng/chiếc trong khi trước đây giá 2 loại này chỉ dao động từ 10-20 ngàn đồng/chiếc…

Dù giá cao nhưng nhiều người vẫn “bấm bụng” mua hàng trên mạng vì khó tìm chỗ bán trực tiếp. Tuy nhiên, theo phản ảnh của nhiều khách hàng thì chất lượng sản phẩm nhiều nơi không như quảng cáo.

Anh Nguyễn Văn Tiến (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) cho biết, mới đây anh có đặt mua 10 hộp khẩu trang 4 lớp trên mạng với giá 180 ngàn/hộp để phát cho nhân viên. Thế nhưng hàng nhận được là khẩu trang 2 lớp, không có đính gọng kim loại phía trên như người bán tiếp thị. Liên lạc với người bán thì họ không nghe máy và chặn Facebook không thể tương tác.

“Khi mua, tôi có đề nghị được kiểm hàng trước khi nhận thì người bán từ chối với lý do đây là sản phẩm kháng khuẩn, nếu tháo ra mà không mua thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Tôi nghe cũng hợp lý nên đồng ý, ai ngờ họ nói vậy để lừa mình” - anh Tiến nói.

Tương tự, chị Nguyễn Thanh Đạm (ngụ xã Đông Hòa, H.Trảng Bom) cho biết, chị mua 2 hộp khẩu trang trẻ em trên mạng với giá bán lẻ 25 ngàn đồng/chiếc, cao gấp 20 lần so với trước đây. “Người bán quảng cáo hàng cao cấp của Nhật sản xuất. Nghĩ khẩu trang dành cho trẻ em là mặt hàng hiếm nên “bấm bụng” mua để dành cho con cháu dùng. Bao bì ghi toàn chữ Nhật nhưng đem sản phảm ra so sánh thì thấy chẳng khác gì so với khẩu trang giá 2 ngàn đồng/cái” - chị Đạm chia sẻ.

* Chọn mua, sử dụng khẩu trang sao cho đúng?

Ngoài khẩu trang, nhiều trang mạng còn chào bán sản phẩm xịt kháng khuẩn, thẻ đeo chống virus với công dụng như “bùa hộ mệnh” dành cho trẻ với mức giá từ 250-450 ngàn đồng/sản phẩm. Người bán quảng cáo đây là những mặt hàng được ngành Y tế các nước khuyên dùng khi có dịch bệnh. Loại xịt kháng khuẩn có công dụng như lớp màng bảo vệ ngăn chặn sự xâm nhập của tất cả vi khuẩn, virus có hại. Còn loại thẻ diệt khuẩn có công dụng làm sạch không khí xung quanh, ngăn chặn vi khuẩn, virus có hại, khử mùi hôi khó chịu.

Một cơ sở sản xuất khẩu trang y tế không giấy phép hoạt động tại P.Long Bình (TP.Biên Hòa) bị Công an TP.Biên Hòa phát hiện và xử lý. Ảnh: T.Danh
Một cơ sở sản xuất khẩu trang y tế không giấy phép hoạt động tại P.Long Bình (TP.Biên Hòa) bị Công an TP.Biên Hòa phát hiện và xử lý. Ảnh: T.Danh

Trước thông tin này, TS-BS.Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế lưu ý, người dân không nên mua những sản phẩm được quảng cáo tràn lan có tác dụng ngăn ngừa virus mà chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng, tránh bị lừa đảo, “tiền mất tật mang”.

Để phòng ngừa dịch bệnh Covid-19, theo bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, người dân nên tuân thủ theo các khuyến cáo của Bộ Y tế. Trong đó lưu ý, nếu chỉ đeo mỗi khẩu trang thì không đủ khả năng phòng bệnh. Vì con đường lây nhiễm chủ đạo của virus gây dịch Covid-19 không chỉ qua đường hô hấp từ giọt bắn của người bệnh mà còn qua gián tiếp khi đụng chạm, sờ tay vào các vật dụng có dính dịch tiết, giọt bắn của người bệnh. Do vậy phải kết hợp đeo khẩu trang và rửa tay đúng cách, đúng thời điểm thì việc phòng ngừa mới hiệu quả.

Theo cảnh báo của Cục Quản lý thị trường tỉnh, người tiêu dùng lưu ý chỉ mua khẩu trang kháng khuẩn có chứng nhận của cơ quan chức năng, tránh tình trạng mất tiền cho loại khẩu trang trôi nổi, không đảm bảo chất lượng. Để phân biệt được đâu là khẩu trang y tế chuẩn và đâu là khẩu trang y tế giả, nên làm theo các cách sau: ngâm khẩu trang vào nước, khẩu trang y tế thật sẽ không bị thấm nước. Còn khẩu trang y tế giả sẽ bị ướt và thấm nước ngay. Có thể xé chiếc khẩu trang đã ngâm nước ra, khẩu trang thật sẽ có lớp giấy bên trong nguyên vẹn, còn khẩu trang giả sẽ có lớp giấy bên trong bị rã ra.

“Một cách nhận biết khẩu trang y tế đủ chuẩn nữa là rạch lớp ngoài cùng của khẩu trang. Sau đó, lấy tay cầm lớp ở giữa của khẩu trang kéo thật mạnh. Nếu là khẩu trang tốt, lớp ở giữa sẽ không bị rách và dai vì được làm bằng vải kháng khuẩn hoặc giấy kháng khuẩn; còn khẩu trang nhái, kém chất lượng, lớp ở giữa bị rách ngay khi kéo thì lớp đó là giấy vệ sinh hay lớp giấy không có tác dụng diệt khuẩn” - đại diện Cục Quản lý thị trường tỉnh nhấn mạnh.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, cách sử dụng khẩu trang đúng cách là: rửa tay trước khi đeo khẩu trang, đeo đúng mặt và đúng chiều, kéo khẩu trang che kín mũi, miệng, cằm, ép gọng kim loại để áp sát khẩu trang vào sống mũi, thay khẩu trang thường xuyên hoặc khi khẩu trang bị bẩn hoặc ướt, chỉ chạm dây đeo tai khi tháo/thay khẩu trang, rửa tay sau khi bỏ khẩu trang vào thùng rác.

Kim Liễu

 

Tin xem nhiều