Báo Đồng Nai điện tử
En

Hoãn cưới vì dịch bệnh

10:03, 26/03/2020

Theo một số nhà hàng tiệc cưới trên địa bàn TP.Biên Hòa, thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách hàng đặt tiệc cưới tại nhà hàng giảm sút đáng kể. Một số người do đã phát thiệp mời nên vẫn tiến hành tổ chức nhưng quy mô, số bàn tiệc bị cắt giảm...

Theo một số nhà hàng tiệc cưới trên địa bàn TP.Biên Hòa, thời gian gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách hàng đặt tiệc cưới tại nhà hàng giảm sút đáng kể. Một số người do đã phát thiệp mời nên vẫn tiến hành tổ chức nhưng quy mô, số bàn tiệc bị cắt giảm...

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, một số cặp đôi hủy tổ chức tiệc cưới, chỉ đăng ký kết hôn và báo hỉ cho bạn bè, đồng nghiệp. Ảnh minh họa: Một cặp đôi đăng ký kết hôn tại UBND P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa)
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, một số cặp đôi hủy tổ chức tiệc cưới, chỉ đăng ký kết hôn và báo hỉ cho bạn bè, đồng nghiệp. Ảnh minh họa: Một cặp đôi đăng ký kết hôn tại UBND P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa)

* Nghĩ cho mình và cộng đồng

Quản lý một nhà hàng tiệc cưới trên đường Phạm Văn Thuận cho hay, lượng tiệc cưới tổ chức tại nhà hàng trong 2 tháng trở lại đây giảm hơn 40%. Nhiều khách yêu cầu lùi ngày tổ chức khoảng 2-4 tháng sau để tránh dịch.

Chẳng hạn như trường hợp của anh Th. (ngụ P.Trảng Dài), đám cưới của anh dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 12-4 nhưng trước thông tin gia tăng số ca bệnh Covid-19 ở Việt Nam nên hai bên gia đình thống nhất hoãn tiệc cưới lại chờ đến khi hết dịch bệnh.

Giám đốc Sở VHTT-DL Lê Kim Bằng: Hoãn tổ chức tiệc cưới là phù hợp trong tình hình hiện nay

Việc tập trung đông người tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh, nhất là trong thời điểm tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến khó lường. Quyết định hoãn tổ chức lễ cưới để chọn thời điểm phù hợp hơn của các cặp đôi là việc làm rất đáng hoan nghênh. Điều này thể hiện ý thức, trách nhiệm đối với sức khỏe của chính bản thân, gia đình mình, góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng; đồng thời phản ánh hiệu quả công tác tuyên truyền mà ngành chức năng thực hiện trong thời gian qua.

Nói về lý do hoãn tiệc cưới anh Th. chia sẻ, qua theo dõi thông tin trên báo chí, anh  thấy Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh công tác phòng chống dịch đã bước sang giai đoạn mới, đòi hỏi mỗi người dân phải có trách nhiệm hơn nữa chung tay cùng phòng dịch. Thủ tướng đề nghị từng người dân thay đổi mạnh mẽ các thói quen, nếp sinh hoạt để thích ứng với các yêu cầu phòng dịch bệnh trong đó có hạn chế tối đa việc tập trung đông trên 50 người tại các đám cưới, đám hiếu; ít đến những nơi công cộng... Ngoài ra, UBND tỉnh cũng có văn bản chỉ đạo tạm dừng các hoạt động vui chơi giải trí, các dịch vụ có tập trung đông người, kêu gọi người dân hạn chế tổ chức tiệc cưới, đám giỗ và tiệc tụ tập đông người…

“Mình không thể chỉ lo cho mỗi việc nhà mình mà còn phải lo cho sức khỏe của những người thân, bạn bè. Trong thời điểm này cần tuân thủ, chấp hành theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh cũng như các khuyến cáo của ngành Y tế để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trong cộng đồng ” - anh Th. nói.

Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều cặp đôi đã quyết định hủy tổ chức tiệc cưới ở nhà hàng chuyển sang tổ chức nghi lễ gọn, nhẹ giữa hai bên gia đình và lên mạng xã hội báo hỉ đến bạn bè, đồng nghiệp.

Trường hợp của chị M. (ngụ P.Tam Hiệp) là một ví dụ. “Hai vợ chồng tôi đã chuẩn bị tất cả cho ngày trọng đại của mình. Nhưng trước tình hình dịch bệnh có tổ chức tiệc cũng không thể vui trọn vẹn, gây khó xử cho người quen, bạn bè, đồng nghiệp nên tôi quyết định hủy tiệc cưới ở nhà hàng. Hai bên gia đình chỉ tiến hành làm các thủ tục đón dâu và chúng tôi đã đăng ký kết hôn theo đúng quy định”.

Dù có chút buồn vì ngày trọng đại trong đời không thể diễn ra như dự định, bị mất phí đặt cọc nhà hàng… nhưng bù lại quyết định hoãn tổ chức tiệc cưới, hủy tiệc cưới vì sự an toàn của mình, của cộng đồng của các cặp đôi nói trên được nhiều người tán thành.

Chị Trần Thị Hoa (ngụ KP.7, P.Thống Nhất) cho biết, cách đây 2 tuần vì cả nể nên chị có đi dự đám cưới người thân ở H.Vĩnh Cửu. Trong thời điểm dịch bệnh này đi dự đám cưới vì tình, vì nể chứ đi dự xong về thấp thỏm lo lắng vì sợ lây nhiễm virus gây bệnh Covid-19 khi tụ tập đông người, nay đã qua 2 tuần mới thấy nhẹ nhõm. Trong mùa dịch này, chỉ mong ai đã đặt tiệc và dự định tổ chức bất cứ loại tiệc tùng nào xin hãy cân nhắc và ngừng lại. Nên nghĩ cho mình và cả cộng đồng.

* Hủy cưới mất tiền đặt cọc, phải làm sao?

Dù khi khách hoãn tiệc, các nhà hàng bị thất thu nhưng trên tinh thần vì cộng đồng, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ mọi người hạn chế tụ tập đông người để phòng dịch bệnh nên nhiều nhà hàng ở TP.Biên Hòa đã tạo điều kiện cho khách dời ngày đãi tiệc lại mà không thu thêm phí. Tuy nhiên, tại một số nhà hàng nếu khách hủy tổ chức tiệc đã đặt trước đó thì phải chịu mất tiền cọc. Điều này khiến một số khách hàng tỏ ra bức xúc.

Một số khách hàng cho rằng, buổi tiệc phải đình lại vì lý do bất khả kháng, nhằm chung tay phòng, chống dịch Covid-19 thì nhà hàng cũng phải thông cảm, chia sẻ khó khăn với khách hàng bằng việc trả tiền cọc hoặc trả một phần tiền đặt cọc.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Quang Khiêm, Hội Luật gia tỉnh cho rằng, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Nhà nước đang huy động rất nhiều nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, mới đây Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo dừng tất cả các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người. Ngày 26-3, UBND tỉnh cũng có văn bản yêu cầu tạm ngừng một số hoạt động trên địa bàn tỉnh để phòng chống dịch Covid-19, trong đó có dừng hoạt động các nhà hàng, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống với công suất phục vụ từ 20 người trở lên bắt đầu từ 7 giờ ngày 27-3. Trước đó UBND tỉnh cũng có văn bản kêu gọi người dân hạn chế tổ chức tiệc cưới, đám giỗ và tiệc tụ tập đông người… Đây cũng là căn cứ để cả hai phía là nhà hàng và khách nên ngồi lại với nhau tìm ra giải pháp khả thi trên tinh thần chấp hành chỉ đạo chung vì an toàn bản thân và cộng đồng.

“Do dịch bệnh là tình huống phát sinh ngoài ý muốn nên các bên cần ngồi lại với nhau thỏa thuận để có hướng giải quyết đảm bảo quyền lợi đôi bên. Nếu không đạt được thỏa thuận chung có thể nhờ tòa án can thiệp” - luật sư Khiêm cho biết.          

Kim Liễu

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích