Sở thích ăn thịt động vật hoang dã vẫn còn phổ biến. Nhiều người cho rằng, ăn thịt hoặc sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã để ngâm rượu, bào chế thuốc... sẽ tốt cho sức khỏe. Thậm chí, không ít người xem đây là sự thể hiện đẳng cấp.
Sở thích ăn thịt động vật hoang dã vẫn còn phổ biến. Nhiều người cho rằng, ăn thịt hoặc sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã để ngâm rượu, bào chế thuốc... sẽ tốt cho sức khỏe. Thậm chí, không ít người xem đây là sự thể hiện đẳng cấp.
Lực lượng kiểm lâm bắt quả tang một cơ sở ở TP.Biên Hòa trữ xương và da một con hổ dài 2m dùng để nấu cao. Ảnh: N.Bình |
* Vẫn còn chủ quan
Ông N.M.T. (ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) là một người kinh doanh bất động sản ở Biên Hòa có sở thích uống rượu ngâm tay gấu, rắn hổ mang, cao hổ cốt và mật gấu..., do đó, trong nhà của ông lúc nào cũng ngâm nhiều hũ rượu to để đãi khách.
“Thịt rừng là thịt sạch vì có nguồn gốc tự nhiên nên rất bổ dưỡng, không sợ có các chất cấm. Các sản phẩm từ động vật được ngâm với rượu nên vi khuẩn, virus chết hết, không có gì phải lo” - ông T. nói.
Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN-PTNT) Lê Việt Dũng cho biết, nhiều người cho rằng ăn thịt động vật hoang dã sẽ khỏe hơn, dùng các sản phẩm từ động vật hoang dã còn chữa được nhiều thứ bệnh... đó là các quan niệm sai lầm khiến thú rừng bị săn bắt nhiều hơn. Trong thực tế, thịt động vật hoang dã không đem lại nhiều ích lợi cho sức khỏe như đồn đoán. Nhiều loài động vật hoang dã còn mang theo các mầm bệnh nguy hiểm, nhất là những loài bò sát, loài thú sống chui rúc trong hang hố ẩm thấp như: dơi, tê tê, dúi, cầy hương...
Cũng theo ông Dũng, qua phát hiện và xử lý một số vụ việc buôn bán, vận chuyển thú rừng và thịt rừng cho thấy, thịt thú rừng phần lớn được tẩm ướp rất nhiều hóa chất giữ cho tươi lâu hoặc thịt con thú đó bị nhiễm độc do ăn phải bẫy bả độc. Ăn phải loại thịt này sẽ không an toàn, thậm chí còn gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng. Chưa kể bản thân những loài thú này thường mang theo những mầm bệnh tự thân hoặc bị loài khác lây sang có thể không phát tán trên con thú đó, nhưng sẽ phát tán trên cơ thể người.
“Do đó, khi xử lý những vụ việc buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép, những cá thể còn sống được thả lại vào rừng, còn thịt sống phải đem đi tiêu hủy để tránh lây lan, phát tán mầm bệnh” - ông Dũng cho biết.
* Nguy cơ lây nhiễm bệnh từ động vật
Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), hiện có khoảng 200 loại bệnh tật của con người đang lưu hành trên thế giới thì 75% loại bệnh tật có nguồn gốc lây nhiễm từ động vật, trong đó có cả động vật hoang dã lẫn vật nuôi.
Thịt động vật hoang dã không rõ nguồn gốc được lực lượng chức năng thu giữ trong một quán nhậu ở TP.Biên Hòa |
Đồng Nai là một trong những địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm, kể cả thú hoang dã thuần dưỡng nhiều nhất cả nước nhưng hoạt động chăn nuôi lại chủ yếu bằng phương thức truyền thống, thủ công và nằm rải rác tại các hộ gia đình.
Ông Nguyễn Trường Giang, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y tỉnh băn khoăn, thực tế đã có sự biến chủng của virus khiến vaccine tiêm phòng giảm hiệu lực. Song, nguy hiểm hơn là nhiều người dân trong quá trình chăn nuôi gia súc, gia cầm, các loại động vật hoang dã thuần dưỡng vẫn chưa nhận thức được nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh trong quá trình tiếp xúc, chăm sóc vật nuôi.
Để ứng phó với các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, ông Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo, ngoài kế hoạch ứng phó tầm vĩ mô của Chính phủ và các cơ quan chức năng, thì mỗi người dân cần cảnh giác với nguồn lây nhiễm bệnh từ động vật như: không ăn thịt động vật hoang dã, không ăn thịt và các chế phẩm từ động vật bệnh, chết, động vật không rõ nguồn gốc; vệ sinh sạch sẽ nơi sinh sống, chăn nuôi an toàn và kiểm tra sức khỏe định kỳ...
Điều 234, Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định, hành vi săn bắt, giết mổ, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật rừng hoặc bộ phận cơ thể, sản phẩm động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IB và IIB sẽ bị phạt tiền từ 50-300 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Nếu săn bắt, giết mổ, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép có tổ chức, có quy mô sẽ bị phạt tiền từ 300 triệu đến 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3-7 năm. |
Phương Liễu