Báo Đồng Nai điện tử
En

Ẩn họa từ ''đồ chơi'' nội thất ô tô

10:03, 23/03/2020

Hiện nay, không ít người sẵn sàng bỏ ra tiền triệu để trang bị thêm những phụ kiện, phụ tùng gắn bên trong xe ô tô để thể hiện cá tính, tăng sự tiện nghi. Tuy nhiên, một số người vì quá chú ý đến tính độc, lạ của "đồ chơi" ô tô mà quên đi những nguy hiểm có thể xảy ra từ việc lắp thêm các thiết bị này, nhất là khi xảy ra va quẹt, tai nạn giao thông.

Hiện nay, không ít người sẵn sàng bỏ ra tiền triệu để trang bị thêm những phụ kiện, phụ tùng gắn bên trong xe ô tô để thể hiện cá tính, tăng sự tiện nghi. Tuy nhiên, một số người vì quá chú ý đến tính độc, lạ của “đồ chơi” ô tô mà quên đi những nguy hiểm có thể xảy ra từ việc lắp thêm các thiết bị này, nhất là khi xảy ra va quẹt, tai nạn giao thông.

Một xe ô tô được lắp thêm nhiều “đồ chơi” nội thất, trong đó việc gắn giá để điện thoại ngay trên vô lăng sẽ gây nguy hiểm cho người lái nếu túi khí được đặt tại khu vực này bị bung ra. Nguồn: Internet
Một xe ô tô được lắp thêm nhiều “đồ chơi” nội thất, trong đó việc gắn giá để điện thoại ngay trên vô lăng sẽ gây nguy hiểm cho người lái nếu túi khí được đặt tại khu vực này bị bung ra. Nguồn: Internet

* Rước thêm nguy hiểm

Theo một số cửa hàng chuyên kinh doanh phụ kiện, “đồ chơi” ô tô ở TP.Biên Hòa, xu hướng hiện nay, nhiều người thích gắn thêm phụ kiện, “đồ chơi” nội thất ô tô hơn là gắn phụ kiện bên ngoài ô tô (đèn led, cản sau...). Vì khi gắn thêm các phụ kiện, “đồ chơi” nội thất ô tô thường không phải xin phép hay bị bắt tháo gỡ khi đi đăng kiểm.

Chính vì vậy,  nhiều người gắn đủ thứ phụ kiện, “đồ chơi” nội thất ô tô bất chấp nguy hiểm. Ví dụ như gắn giá để điện thoại, đính đá vào vô lăng, mặt táp lô; thay vô lăng hình tròn bằng hình trái tim. Thậm chí thay một số thiết bị chỉnh ghế cơ bằng chỉnh điện hoặc gắn dải đèn led màu trong xe...

Anh Thắng T. (quản lý một một diễn đàn về ô tô trên mạng xã hội có hơn 30 ngàn thành viên) thừa nhận, bên cạnh tiện ích, thú vị mà “đồ chơi” nội thất xe ô tô mang lại cho người lái, khi lắp thêm các phụ kiện không chú ý còn ẩn chứa nguy cơ tăng thương tích cho người ngồi trong xe, đặc biệt là 2 người ở hàng ghế trước khi xe không may bị va quẹt, tai nạn.

Cụ thể, khi xe bị va quẹt, tai nạn, túi khí ở phía dưới bảng táp lô trước mặt người lái và hành khách phía trước sẽ bung ra và làm bể các hạt đá, nhựa (đính trên vô lăng, mặt túi khí) hay văng cả các vật trang trí (các bức tượng, nước hoa) thẳng vào người ngồi ở hàng ghế trước. Thậm chí ngay cả vật tưởng chừng vô hại là bọc vô lăng xe cũng sẽ hao mòn, lỏng dần theo thời gian, vô lăng sẽ không còn bám với vỏ bọc, dẫn tới người lái xe không xử lý tốt các tình huống đánh lái gấp...

* Cẩn trọng khi lắp thêm phụ kiện cho xe ô tô

Theo Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai (thuộc Sở GT-VT), hiện nay những “đồ chơi” trang trí nội thất trong xe ô tô không nằm trong mục đăng kiểm. Chỉ có những thứ như “độ” kèn hơi hay gắn thêm các trang bị bên ngoài (cản sau, giá nóc, đèn led...) thì mới bị bắt tháo gỡ trước khi đăng kiểm.

Một trường hợp xe bung túi khí ngay vô lăng khiến mảnh nhựa trang trí vô lăng bắn găm vào cửa xe (ảnh tư liệu)
Một trường hợp xe bung túi khí ngay vô lăng khiến mảnh nhựa trang trí vô lăng bắn găm vào cửa xe (ảnh tư liệu)

Anh Trần Minh Lợi, Trưởng dây chuyền kỹ thuật, Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Đồng Nai cho biết: “Mỗi chiếc xe sẽ có một bản thông số kỹ thuật của xe do nhà sản xuất cung cấp, dựa vào đó cơ quan đăng kiểm sẽ kiểm định và cấp phép. Tuy nhiên, nhiều hạng mục nằm trong nội thất xe lại không có trong bản thông số đó nên khó để bắt lỗi. Vì vậy để đảm bảo an toàn thì chủ xe cần tự ý thức được những thứ trang trí, cải tiến kia có gây ra nguy hiểm gì không và tự cân nhắc khi lắp đặt”.

Hơn nữa, theo anh Lợi, nhiều “đồ chơi” trang trí nội thất xe ô tô tăng tính tiện nghi cho người sử dụng như: màn hình cho hàng ghế sau, thay ghế chỉnh cơ bằng ghế điện, gắn dải đèn led... đều phải can thiệp vào hệ thống điện trong xe. Nếu quá trình đấu nối không khéo sẽ dẫn tới chập, cháy, bên trong xe lại nhiều nệm mút, dây điện nên khá nguy hiểm.

Theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, trong năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ cháy xe ô tô, trong đó có 2 vụ do chập điện, 1 vụ do sự cố kỹ thuật. Do đó, việc lắp đặt thêm hệ thống, thiết bị điện vào trong xe tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.

Để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy cho xe ô tô, chủ xe  không nên lắp đặt thêm các thiết bị, phụ kiện có tiêu thụ điện khác như: thiết bị còi, đèn, chống trộm… Nếu lắp thêm phải bảo đảm không bị quá tải về điện; đồng thời tuân thủ quy trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng theo quy định và tại những nơi có bảo đảm chất lượng.

Minh Thành

Tin xem nhiều