Hiện nay, tình trạng lấn chiếm không gian công cộng (như: vỉa hè, chân cầu vượt, nhà chờ xe buýt, lối đi bộ trên cầu...) để buôn bán, đậu xe và thậm chí để vứt rác thải đang diễn ra khá phổ biến tại TP.Biên Hòa, làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông, gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, tình trạng lấn chiếm không gian công cộng (như: vỉa hè, chân cầu vượt, nhà chờ xe buýt, lối đi bộ trên cầu...) để buôn bán, đậu xe và thậm chí để vứt rác thải đang diễn ra khá phổ biến tại TP.Biên Hòa, làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông, gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường.
Tại cầu vượt dành cho người đi bộ ngay trước cổng Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (thuộc phường Hóa An, TP.Biên Hòa) thường xuyên có tình trạng người bán hàng rong đậu xe, bày hàng chiếm gần hết lối lên cầu. Ảnh: M.Thành |
Nhiều ý kiến bạn đọc Báo Đồng Nai cho rằng, TP.Biên Hòa đang không ngừng nỗ lực để xây dựng thành phố ngày càng văn minh, sạch đẹp. Do đó, trước các hành vi lấn chiếm không gian công cộng, chính quyền thành phố cần có giải pháp hữu hiệu, kiên quyết hơn để xử lý những vi phạm này.
* Vô tư lấn chiếm không gian chung
Qua ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai, tại khu vực cầu vượt dành cho người đi bộ ngay trước cổng Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (đường Nguyễn Ái Quốc, phường Hóa An) thường xuyên có tình trạng người bán hàng rong đậu xe, bày bán hàng hóa chiếm gần hết lối đi lên cầu.
Ngoài ra, trên các cầu Bửu Hòa, Hiệp Hòa (phường Hiệp Hòa) vẫn diễn ra tình trạng nhiều người đậu xe rồi bày biện ăn uống hay câu cá ngay trên lối đi bộ trên cầu. Việc dựng xe trên cầu gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông, người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Đó là chưa kể, sau khi những người này ăn uống xong đã để lại rất nhiều rác trên cầu.
Thời gian gần đây, một số trạm chờ xe buýt ở TP.Biên Hòa cũng bị chiếm dụng để bày bán hàng hóa và bỏ rác... khiến khu vực này trở nên nhếch nhác. Cụ thể như vào ngày 5-2, trạm chờ xe buýt trên đường Trần Quốc Toản (thuộc phường Bình Đa) bị tận dụng làm nơi vứt bỏ những vật phế thải như: giường hỏng, chiếu cũ, sọt tre... Do đó, người chờ xe buýt không ai dám vào trạm ngồi mà phải đứng chờ xe buýt ở gần đó.
Trên vỉa hè đường Nguyễn Ái Quốc (đoạn qua phường Trảng Dài) cũng có một số nơi bị chiếm dụng để đậu xe ô tô. Thậm chí, có người còn đậu hẳn xe ô tô trên vỉa hè bất chấp khu vực này có biển cấm đậu xe ô tô. Bà Nguyễn Thị Xuyến (ngụ phường Trảng Dài) bức xúc: “Việc đậu xe ô tô trên vỉa hè chiếm hết lối đi của người đi bộ. Vậy mà khi tôi có ý kiến yêu cầu chủ xe dời đi thì họ cự lại vì cho rằng vỉa hè là không gian chung chứ có phải của riêng tôi”.
* Nghiên cứu thêm phương án xử “phạt nguội"
Trao đổi về vấn đề này, đại diện lãnh đạo một số phường ở TP.Biên Hòa cho hay, ngay từ cuối năm 2019 đến nay, các cơ quan, ban ngành của thành phố và chính quyền địa phương liên tục ra quân xử lý tình trạng mua bán, lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ giảm bớt khi lực lượng chức năng làm “căng”, còn khi không có mặt lực lượng chức năng thì “đâu lại vào đấy”.
Xe ô tô đậu trên vỉa hè trên đường Nguyễn Ái Quốc (thuộc phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) bất chấp biển cấm kế bên |
Phó chủ tịch UBND phường Trảng Dài Nguyễn Văn Tường cho biết, những người bán hàng rong lấn chiếm vỉa hè, lòng đường thường để hàng hóa trên xe hoặc quang gánh, khi lực lượng chức năng đến chỉ kịp xử lý 1-2 trường hợp, số còn lại nhanh chóng tản đi mất. Khi ra quân xử lý liên tục nhiều ngày thì tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường có giảm, nhưng một thời gian sau họ lại trở ra bán.
Một số địa phương đã đề xuất bên cạnh ra quân trực tiếp xử lý các vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán, đậu xe thì các cơ quan có thẩm quyền cấp trên nên nghiên cứu đưa ra văn bản hướng dẫn áp dụng hình thức “phạt nguội” đối với những vi phạm này qua hình ảnh từ camera. Trước mắt sẽ “phạt nguội” các hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, sau đó sẽ tới những người bán hàng rong, vứt rác bừa bãi, đậu xe trên vỉa hè... Vì thực tế nếu chỉ áp dụng cách ra quân xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường như hiện nay sẽ chỉ xử lý được một phần nhỏ và như “bắt cóc bỏ dĩa” chứ không thể xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm không gian công cộng phổ biến như hiện nay được.
Bên cạnh việc xử lý của ngành chức năng, cũng cần sự góp sức của người dân hoặc các cơ quan, đơn vị có trụ sở ở ngay tại khu vực thường xảy ra tình trạng lấn chiếm không gian công cộng để buôn bán, đậu xe. Cụ thể như ngay tại cầu vượt dành cho người đi bộ trước cổng Trường tiểu học - THCS - THPT Bùi Thị Xuân (đóng trên phường Tân Tiến) vừa thấy xuất hiện người bán hàng rong xuất hiện là bảo vệ nhà trường đã ra mời đi ngay, không để tồn tại tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để tụ tập mua bán trước cổng trường, vừa giữ mỹ quan cho trường học, vừa đảm bảo an toàn giao thông cho khu vực này.
Điều 5, Nghị Định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nêu rõ, phạt tiền từ 800 ngàn - 1 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: đậu xe trên đường xe điện, đường dành riêng cho xe buýt; đậu xe trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước; đậu, để xe ở hè phố trái quy định của pháp luật; đậu xe nơi có biển “cấm đậu xe” hoặc biển “cấm dừng xe và đậu xe”... |
Minh Thành