Mua hàng online (là hình thức mua hàng trực tuyến thông qua máy tính, mạng internet) mang lại nhiều tiện lợi, nhưng nếu không tìm hiểu rõ ràng thì sẽ luôn là "cái bẫy" đối với người tiêu dùng. Để tránh rủi ro khi mua hàng online, người tiêu dùng cần phải thận trọng và nâng cao cảnh giác.
Mua hàng online (là hình thức mua hàng trực tuyến thông qua máy tính, mạng internet) mang lại nhiều tiện lợi, nhưng nếu không tìm hiểu rõ ràng thì sẽ luôn là “cái bẫy” đối với người tiêu dùng. Để tránh rủi ro khi mua hàng online, người tiêu dùng cần phải thận trọng và nâng cao cảnh giác.
Xu hướng mua hàng online ngày càng có nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Trong ảnh: Một người dân ở phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa) tìm mua hàng online trên mạng xã hội. Ảnh: Kim Liễu |
Hiện nay, xu hướng mua hàng online ngày càng có nhiều người tiêu dùng lựa chọn, nhất là vào thời điểm có dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19), thay vì phải đến tận nơi như trước đây, không ít người đã chọn mua hàng online.
* Mua sắm qua mạng “hút” khách
Những ngày qua, trước tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid-19, trong khi lượng khách đến vui chơi, mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng kinh doanh ở TP.Biên Hòa giảm đáng kể thì số lượng người mua hàng trên trang mua sắm online của các siêu thị, cửa hàng lại gia tăng.
Chị Đỗ Thị Linh (ngụ phường Hóa An, TP.Biên Hòa) cho biết: “Trước đây vào những ngày cuối tuần gia đình tôi thường cùng nhau đi ăn tối, mua sắm, giải trí nhưng từ khi có dịch bệnh Covid-19, cả nhà ít lui tới những nơi đông người. Tôi chuyển sang mua hàng online vừa đỡ mất thời gian, vừa phòng tránh dịch bệnh”.
Để “hút” khách mua hàng, nhiều siêu thị, cửa hàng đã tăng cường các hình thức tiếp thị, quảng cáo thông qua mạng xã hội (Facebook, Zalo). Đại diện Siêu thị BigC Đồng Nai cho biết, nhằm tạo thuận lợi cho người dân mua sắm hàng hóa mà không cần trực tiếp đến siêu thị, đơn vị đã tăng cường hình thức mua sắm online để người tiêu dùng có thể ngồi ở nhà vẫn nhận được lương thực, thực phẩm, đồ tiêu dùng hằng ngày khi có nhu cầu.
Tại Co.opmart Biên Hòa cũng đẩy mạnh hoạt động mua sắm online. Đại diện siêu thị này cho biết, lượng khách mua hàng online trong 2 tuần qua tăng cao, nhất là các mặt hàng tiêu dùng. Siêu thị phải cử nhân viên luôn túc trực đưa hàng lên trang mua sắm online và phản hồi kịp thời cho khách hàng; hỗ trợ vận chuyển hàng nội thành miễn phí cho khách có hóa đơn mua hàng trị giá trên 200 ngàn đồng.
Tương tự, để thu hút người tiêu dùng tăng mua sắm qua kênh trực tuyến, các sàn thương mại điện tử Shopee, Tiki, Lazada… đã hợp tác cùng các đối tác đưa ra nhiều khuyến mại lớn, giảm giá lên đến 30% đơn hàng trong suốt tháng 2-2020.
Theo một số chủ cửa hàng, quán ăn, quán trà sữa ở TP.Biên Hòa, số lượng đơn đặt mua hàng trực tuyến trong thời điểm xuất hiện dịch bệnh Covid-19 tăng từ 10-30% so với trước đây.
Chị K.L., chủ quán một quán ăn trên đường Võ Thị Sáu (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho biết, từ sau Tết Nguyên đán lượng khách đến quán ăn có giảm nhưng đơn hàng đặt qua các ứng dụng Grapfood, Foody tăng đột biến. Trung bình quán bán 30-40 đơn/ngày, tăng gấp đôi, gấp ba so với trước khi có dịch bệnh. Trong đó có nhiều đơn hàng số lượng lớn để tổ chức tiệc tại nhà riêng hoặc công ty thay vì đến quán dùng như trước đây.
* Cẩn trọng khi mua hàng online
Mặc dù rất tiện ích song mua hàng online cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nếu không cẩn trọng người mua rất dễ “sập bẫy” của những đối tượng lừa đảo. Lợi dụng bản chất của việc mua hàng online, người tiêu dùng không thể nhìn trực tiếp và cầm sản phẩm để đánh giá về hình thức và chất lượng của sản phẩm nên có không ít đối tượng đã tráo đổi sản phẩm khi giao hàng. Vì thế, rủi ro người tiêu dùng thường gặp nhất là hàng hóa nhận được không giống với quảng cáo.
Đặt mua 3 cái áo mới nhưng em N.Đ.N. (ngụ TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận được 3 cái áo cũ, không giống như hình quảng cáo. Ảnh: nhân vật cung cấp |
Cụ thể như trường hợp của em N.Đ.N. (14 tuổi, ngụ TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Vào cuối tháng 1-2020, em vào trang Facebook P.H. mua 3 cái áo trị giá 1,9 triệu đồng, khi nào giao hàng thì trả tiền. Tuy nhiên lúc nhận hàng, em đã chủ quan không mở gói hàng ra xem mà lại thanh toán tiền trước. Khi người giao hàng vừa đi khỏi, em N. mới “tá hỏa” khi mở gói hàng ra thấy 3 cái áo cũ, không đúng như hình quảng cáo. Khi em liên hệ yêu cầu trả lại hàng thì được chủ tài khoản trên lấy lý do không biết sử dụng dịch vụ chuyển tiền qua điện thoại, rồi sau đó khóa tài khoản Facebook không liên lạc được.
Ông N.Đ.T. (cha của em N.) cho biết, việc đòi lại tiền của trang Facebook P.H. cũng lắm nhiêu khê. Mặc dù trên bưu phẩm giao có ghi rõ tên người gửi là V.D.P. (KP.3, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) nhưng không biết đây có phải tên thật hay không. Nếu muốn tố cáo lừa đảo phải xuống tận địa chỉ này xác minh và báo công an địa phương để làm việc. Do bận rộn công việc và đường sá xa xôi, số tiền con ông bị lừa không quá nhiều nên ông T. không báo công an. Tuy nhiên, ông T. cùng con trai đã truy tìm và tố cáo tài khoản Facebook P.H. trong các nhóm trên mạng xã hội, cuối cùng tài khoản này mới chịu chuyển trả toàn bộ số tiền cho em N.
Theo cơ quan công an, lợi dụng thực tế nhiều người sử dụng mạng xã hội để kinh doanh, buôn bán hàng online nên kẻ gian cũng lập ra các tài khoản tương tự để lừa đảo. Với thủ đoạn này, hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Biên Hòa đang thụ lý điều tra trường hợp của chị B.T.K.C. (ngụ tại TP.Hồ Chí Minh, tạm trú ở TP.Biên Hòa) bị kẻ gian chiếm đoạt số tiền 100 triệu đồng.
Làm việc với công an. Chị C. cho biết, vào đầu tháng 9-2019, chị C. nhận được tin nhắn từ một tài khoản Zalo với nội dung: chuyển tiền đặt cọc vào số tài khoản 033… để thanh toán tiền cho đơn hàng online đã đặt trước đó. Đến hôm sau chị đến lấy hàng thì được chủ cửa hàng này cho biết chưa nhận được tiền hàng và không nhắn tin Zalo yêu cầu chị C. chuyển tiền. Kiểm tra lại thì chị C. mới biết kẻ gian đã lập tài khoản giả mạo chủ cửa hàng nói trên để lừa đảo nên đến Công an TP.Biên Hòa trình báo.
Ông Lục Văn Thủy, Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công thương: Chọn mua hàng online ở những trang web uy tín Hiện nay có rất nhiều trang web, trang mạng xã hội có bán hàng online. Tuy nhiên, Sở Công thương hiện chỉ quản lý những trang thương mại điện tử có đăng ký. Để tránh rủi ro khi mua hàng online, người tiêu dùng cần mua hàng ở những trang web uy tín, có đăng ký hoạt động với cơ quan chức năng và đã được cấp phép hoạt động, có thông tin liên lạc rõ ràng như: địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế... Ngoài ra, khi mua hàng online, người tiêu dùng cần cảnh giác trước những trang web, tài khoản mạng xã hội lạ quảng cáo các dịch vụ, sản phẩm với giá thấp hoặc khuyến mãi lớn. Đặc biệt, người tiêu dùng cũng cẩn trọng với những yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân (họ tên, số điện thoại, ngày sinh, địa chỉ, số tài khoản ngân hàng...) từ những trang web lạ để tránh bị đánh cắp thông tin tài chính, đánh cắp tài khoản... Trong trường hợp người tiêu dùng gặp các phiền toái về chất lượng sản phẩm khi mua hàng trực tuyến cần phản ảnh đến các cơ quan chức năng như: Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng ở các tỉnh, thành để được hỗ trợ, giải quyết. Luật sư Ngô Văn Định, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh): Tìm hiểu kỹ trước khi mua hàng online Để tránh mua nhầm hàng giả, hàng kém chất lượng, trước khi mua hàng online, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về các điều kiện và điều khoản của trang web, đặc biệt là những điều khoản về bảo hành, trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận… Ngoài ra, cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm như: nguồn gốc xuất xứ, tính năng... Khi nhận hàng cũng phải kiểm tra kỹ hàng hóa rồi mới thanh toán tiền. Khi mua, nhận hàng từ các trang bán hàng trực tuyến, người mua cần giữ lại các chứng từ liên quan để có cơ sở giải quyết khi phát sinh tranh chấp. Trong trường hợp nghi ngờ bị lừa đảo, người dân trình báo sự việc với cơ quan công an để được xem xét giải quyết theo quy định pháp luật. Theo quy định pháp luật hiện hành thì tùy từng trường hợp cụ thể, hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản khách hàng có thể xem xét xử lý hình sự theo Bộ luật Hình sự năm 2015. Gia An (ghi) |
Kim Liễu